Theo đó, Cục Hàng không VN yêu cầu các hãng hàng không chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với hoạt động bay.
Tổ chức rà soát phương án phòng, chống thiên tai; phương án neo đậu, phòng chống bão, lốc cho tàu bay. Các phương tiện, trang thiết bị hoạt động trong khu bay khi không phục vụ bay phải được tập kết đúng nơi quy định và phải có phương án neo buộc khi có bão, giông, lốc.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được yêu cầu chủ động rà soát, kiểm tra công tác bảo quản, lưu trữ các trang thiết bị dự phòng phục vụ cho hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Cùng đó, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị và kịp thời bổ sung đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho công tác PCTT&TKCN.
Đồng thời tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các hố neo đậu tàu bay, hệ thống chằng néo tại nhà ga, các công trình, đài trạm và có phương án khắc phục khi có hỏng hóc xảy ra.
Các phương tiện, trang thiết bị hoạt động trong khu bay khi không phục vụ bay phải được tập kết đúng nơi quy định và phải có phương án neo buộc khi có bão, giông, lốc. Đặc biệt, kiểm tra việc tuân thủ quy định này của các đơn vị có phương tiện, trang thiết bị hoạt động tại khu bay, cũng như tổ chức huấn luyện, đào tạo cho lực lượng làm công tác PCTT&TKCN đảm bảo khai thác tốt các phương tiện, trang thiết bị, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Các đơn vị cũng cần tổ chức thực tập ứng phó các tình huống thời tiết xấu, bão, giông, lốc...và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ TKCN khi có sự cố xảy ra.
Cục Hàng không VN yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay VN tăng cường kiểm tra hệ thống thông tin tín hiệu, công tác điều hành chỉ huy để đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, trang thiết bị kỹ thuật ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khai thác phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động điều hành bay, đặc biệt chú trọng khi có tình huống thời tiết xấu, mưa, bão...
Cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng về lĩnh vực PCTT & TKCN với các quốc gia lân cận và các vùng FIR, các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, các cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện cho lực lượng chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hiện trường đảm bảo nguồn lực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ TKCN hiệu quả.
VATM cũng cần tổ chức chằng néo, neo buộc các công trình, đài, trạm theo phương án đã được phê duyệt để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, giông, lốc gây ra.
Với các công trình đang thi công, Cục yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị thi công chú ý thời điểm dừng kỹ thuật thi công khi có dự báo bão lũ để đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, phương tiện, trang thiết bị, không để máy móc, thiết bị và phương tiện thi công ở những vị trí dễ bị sụt trượt và lở đất.
Các công trình tại các cảng hàng không, sân bay đang thi công hoặc nâng cấp, cải tạo có thời gian thi công dài phải có biện pháp tập trung giải quyết phần công trình dưới nước, kết hợp với biện pháp chống va trôi, neo giữ bảo vệ công trình, vật tư, thiết bị khi có lũ lụt.
Các Cảng vụ hàng không được yêu cầu tăng cường kiểm tra công tác PCTT&TKCN các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.
Các đơn vị phải hoàn thành ngay việc khắc phục các tồn tại, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hoạt động tại cảng hàng không để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động khai thác tại cảng, đặc biệt chú trọng khi có tình huống thời tiết xấu, mưa, giông, bão... kịp thời báo cáo Cục Hàng không VN những khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận