Bò bị bệnh Viêm da nổi cục (Ảnh: MXH)
Ngày 29/4, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đã ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.
Trước đó, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã phát sinh, lây lan nhanh, diễn biến phức tạp.
Lũy kế đến ngày 19/4, tại tỉnh Quảng Trị đã có 43 xã, phường, thị trấn tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hướng Hóa và TP Đông Hà với tổng số 758 con trâu, bò mắc bệnh; dịch bệnh đã gây chết và buộc phải tiêu hủy 19 con trâu, bò.
Đặc biệt, tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tái phát dịch sau hơn 3 tháng không còn gia súc mắc bệnh đối với đàn gia súc không chấp hành việc tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trong tháng 1/2021.
Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh rất phức tạp, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh trong thời gian tới là rất cao.
Để khẩn trương kiểm soát, khống chế các ổ dịch, UBND tỉnh yêu cầu tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí, rà soát, thống kê đàn trâu, bò trên địa bàn để quản lý, giám sát và tiêm phòng vắc xin theo Kế hoạch tiêm phòng khẩn cấp chống dịch viêm da nổi cục của Sở NN&PTNT.
Có biện pháp xử lý theo quy định đối với các chủ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng vắc xin; đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ trâu, bò; không sử dụng sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Đặc biệt, đối với các địa phương có các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan, kéo dài.
Tổ chức cách ly tuyệt đối số trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh để quản lý và hướng dẫn chăm sóc, chữa trị; thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng liên tục trong 3 tuần tại các thôn, hộ chăn nuôi có trâu, bò mắc bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh cơ giới, tiêu độc, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng tại chuồng, khu vực chăn nuôi...
Phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh, báo cáo chính quyền địa phương tổ chức lấy mẫu xác định nguyên nhân.
Thành lập đoàn kiểm tra của UBND huyện, thị xã, thành phố để kiểm tra, chỉ đạo việc phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò tại cơ sở…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận