Chuyện dọc đường

Hàng tỷ đồng “trôi sông” vì nỗi lo nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh?

21/03/2019, 17:59

Gần 2000 học sinh được đưa lên Hà Nội xét nghiệm sán lợn, hóa ra là một việc làm vô ích, tiền tỷ trôi sông mà câu trả lời dân vẫn đang còn nợ...

img
Gần 2000 phụ huynh đã đưa con lên Hà Nội xét nghiệm máu vì lo nhiễm sán lợn, nhưng sau 6 ngày, ngành y tế tuyên bố việc này không cần thiết

Gần 1 tuần sau khi rộ lên nghi án nhiễm sán lợn từ thịt bẩn ở Thuận Thành, Bắc Ninh, lại có thông tin trái chiều cho rằng, việc xét nghiệm máu không có ý nghĩa với việc sàng lọc bệnh nhiễm sán lợn.

Chuyên gia ở Đại học Y Hà Nội và Giám đốc hai Bệnh viện có trung tâm xét nghiệm ký sinh trùng lớn nhất ở Hà Nội đều khẳng định trên báo chí “kết quả dương tính với sán cũng không có nghĩa là mắc sán”. “Dương tính với sán cũng chưa có chỉ định điều trị. Hơn nữa, việc xét nghiệm máu chỉ là một trong các phương pháp hỗ trợ để chẩn đoán bệnh. Việc điều trị bệnh sán không khó khăn, thuốc điều trị cũng không đắt và đã có phác đồ”.

Toàn giáo sư đầu ngành lên tiếng thì hẳn phải chính xác rồi. Chỉ tiếc rằng, ý kiến của các vị muộn màng quá, báo chí đưa tin muộn quá. Khi mà một xét nghiệm sán lợn có giá hơn 1,5 triệu đồng. Với gần 2.000 học sinh Bắc Ninh đã lên Hà Nội xét nghiệm tuần qua, chưa kể chi phí đi lại, tốn kém thời gian, thì gia đình các cháu đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để làm rõ một nỗi sợ hãi mang tên “sán lợn”. Mà cuối cùng, hóa ra là một việc làm vô ích. Vì chỉ khi bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (thường có triệu chứng nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não (như co giật, hôn mê, yếu liệt chi) hoặc bác sĩ điều trị nghi ngờ có ký sinh trùng thì mới cần chỉ định xét nghiệm.

Câu hỏi đặt ra: Điều các vị nói có quá cao siêu, cần kiến thức chuyên ngành sâu đến mức cán bộ ngành y bình thường không thể biết được hay không? Tại sao các vị không nói sớm hơn, lên tiếng mạnh mẽ hơn, khi cả ngàn người đổ về ngồi chờ la liệt trước cổng khu xét nghiệm, trước khi có sự chỉ đạo rốt ráo của Bộ Y tế?

Rồi vai trò của y tế cơ sở, của Sở Y tế Bắc Ninh ở đâu khi trong cơn bão nghi thực phẩm bẩn? Họ không biết điều mà các giáo sư đầu ngành vừa nói hay họ không thể lên tiếng?

Để thậm chí ở tỉnh nhà, lãnh đạo Bắc Ninh cũng phải trấn an dư luận bằng tuyên bố hỗ trợ chi phí xét nghiệm tại chỗ cho các gia đình có nhu cầu.

Đến thời điểm này, tiền thì bố mẹ các cháu đã trả rồi, 3 hay 4 tỷ đồng thì cũng đã phải chi ra, thật khó có thể đòi ai thanh toán. Nhưng cái mà cơ quan chức năng và ngành y tế còn nợ người dân là một kết quả điều tra minh bạch về thực phẩm trong trường học, nguồn lây nhiễm sán lợn cho trẻ mầm non ở Thuận Thành và một giải pháp để hạn chế tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng. Cái này thì người dân phải đòi bằng được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.