Sau 6 năm thực hiện, Nghị định 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đã phát sinh nhiều bất cập, lạc hậu so với thực tế. Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 vừa ban hành được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập này. Báo Giao thông trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ về những điểm mới của Nghị định 10.
Thuận cho người dân, tiện cho quản lý
Việc xây dựng Nghị định được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình. Nội dung Nghị định đã được xây dựng nhằm mục tiêu phát triển hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm ATGT, tạo thuận lợi tối đa và giảm chi phí đi lại cho người dân. Nội dung Nghị định không cài cắm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân doanh nghiệp nào trong Nghị định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
Thứ trưởng đánh giá thế nào về Nghị định 10 mới được ban hành?
Sự phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải đòi hỏi phải có khung pháp lý để điều chỉnh phù hợp, đảm bảo có sự quản lý chặt chẽ. Việc ban hành nghị định mới là cấp thiết để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển vận tải hiện nay, tạo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường công tác quản lý vận tải, đảm bảo trật tự ATGT.
Nghị định 10 ra đời đã quy định 5 loại hình vận tải hành khách theo đúng Luật GTĐB, đồng thời có ứng dụng khoa học công nghệ cho tất cả các loại hình vận tải, có nhận diện rõ ràng để tạo sự thuận lợi cho người dân được chọn, từ đó tạo sự công khai, minh bạch, an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ.
Nghị định cũng đã bổ sung trách nhiệm của đơn vị vận tải, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ, ngành địa phương trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý thuế, khám sức khỏe cho lái xe, các chế độ của người lao động... đặc biệt là ATGT và trách nhiệm của đơn vị vận tải đối với vấn đề bảo đảm ATGT.
Nghị định cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành GTVT; khuyến khích các thành phần kinh tế, các loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng khoa học công nghệ, loại bỏ các nội dung gây cản trở tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, đồng thời không làm triệt tiêu các mô hình đổi mới sáng tạo.
Những điểm mới quan trọng trong Nghị định lần này là những gì, thưa Thứ trưởng?
Nghị định mới được xây dựng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc rà soát cắt giảm phù hợp yêu cầu thực tiễn đối với các điều kiện trong kinh doanh vận tải đồng thời đảm bảo thực hiện theo đúng Luật GTĐB.
Nghị định cũng đưa vào một số quy định đã thực hiện ổn định tại các thông tư hướng dẫn do Bộ ban hành để bảo đảm thực hiện đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, Nghị định đã bổ sung các quy định để phân định về nhận diện phương tiện kinh doanh, bổ sung các quy định để bước đầu đáp ứng yêu cầu về quản lý và tạo môi trường cho việc ứng dụng khoa học công nghệ phát huy hiệu quả trong hoạt động vận tải; quy định về bố trí điểm đỗ xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt... từ đó ưu tiên phương tiện vận tải hành khách công cộng nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Thứ ba, Nghị định đã quy định chi tiết về công tác bảo đảm ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh đối với hoạt động vận tải và đối với hành khách, trách nhiệm báo cáo đối với các cơ quan quản lý trong công tác quản lý thuế, trật tự ATGT…
Thứ tư, Nghị định đã bổ sung các quy định tạo thuận lợi hơn cho các loại hình kinh doanh vận tải. Giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định về thời gian giãn cách giữa hai chuyến xe, thời gian hoạt động của tuyến, khoảng cách giữa các điểm dừng đỗ đón, trả khách để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; Bổ sung quy định Sở GTVT thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến UBND xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý và tăng cường công tác giám sát nhằm ngăn chặn hoạt động xe dù, bến cóc…
Thứ năm, Nghị định đã quy định các nội dung đảm bảo việc kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công an, các Sở GTVT… để tăng cường công tác quản lý, minh bạch trong kinh doanh vận tải.
Thưa Thứ trưởng, cách tiếp cận đối với quản lý các ứng dụng trong hoạt động vận tải (như Grab, be hay Go - Việt) đã được đặt ra như thế nào trong Nghị định 10?
Như đã nói trên, trong bối cảnh chưa điều chỉnh được Luật GTĐB và sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng các quy định trong Nghị định phải đáp ứng các yêu cầu vừa phù hợp với Luật GTĐB, vừa phù hợp với thực tế ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ về ATGT, vừa tạo thuận lợi nhất cho đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển, công bằng, minh bạch và thuận tiện cho người dân đi lại.
Chính vì vậy, Bộ GTVT và các Bộ ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, góp ý, tiếp thu và hoàn thiện Nghị định 10 đã đưa ra các quy định để bảo đảm ứng dụng đồng bộ, thuận lợi trong tất cả các loại hình vận tải, phát huy được thế mạnh của mỗi loại hình vận tải để cung cấp dịch vụ cho người dân lựa chọn, đảm bảo an toàn, minh bạch và thuận tiện.
Xây dựng ngay các Thông tư hướng dẫn
Thưa Thứ trưởng, một điểm rất mới của Nghị định là xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát. Vì sao có quy định này?
Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải lớn đã lắp camera trên xe ô tô để phục vụ công tác giám sát chất lượng dịch vụ của đơn vị mình trong quá trình xe tham gia kinh doanh vận tải. Người quản lý, giám sát của đơn vị vận tải thông qua hệ thống này nắm bắt trực tiếp và quản lý rất tốt đối với lái xe và phương tiện.
Trước 1/7/2021, ô tô dùng kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên ôtô trong khi di chuyển. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho công an, TTGT và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với ôtô hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km. Hình ảnh camera trên xe phải được truyền với tần suất từ 15 - 20 lần/h về đơn vị kinh doanh vận tải.
Bên cạnh thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải lắp trên xe kinh doanh vận tải, quy định lắp camera trên xe tải và xe khách để ghi hình lái xe và trên xe nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Việc thêm lắp thêm camera sẽ giúp giám sát nhằm giám sát được tài xế có hành động gây mất ATGT, lực lượng chức năng giám sát các sai phạm của tài xế như: Dừng trả khách sai quy định, chở quá lượng hành khách quy định, kiểm soát được tình trạng nhà xe nhồi nhét khách.
Hình ảnh camera sẽ được lưu trữ tại doanh nghiệp và truyền dữ liệu hình ảnh với lực lượng chức năng để xử lý vi phạm. Nếu lái xe sai phạm hoặc ứng xử thiếu văn minh sẽ được doanh nghiệp chấn chỉnh ngay. Việc giám sát này sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm của xe khách. Những thông tin này sẽ khai thác có hiệu quả thì có thể hạn chế, ngăn chặn được những vụ tai nạn thương tâm.
Bộ GTVT sẽ triển khai các bước tiếp theo thế nào để Nghị định 10 đi vào cuộc sống?
Ngay sau khi Nghị định 10 được ban hành, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của cơ quan, đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân để hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, trên cơ sở bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, ưu tiên tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng lộ trình về thời gian quy định trong Nghị định số 10/2020, bao gồm các nội dung đưa vào quy định, hướng dẫn tại thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; xây dựng hạ tầng và phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc; xây dựng hạ tầng công nghệ và quy định việc kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp, thu hồi giấy phép lái xe giữa các cơ quan quản lý nhà nước; tiếp tục rà soát để nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe với Bộ Công an, Bộ Tài chính để phối hợp quản lý; lập hồ sơ trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô (không kinh doanh vận tải).
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận