Xã hội

Hạnh phúc của cô giáo từng đến trường trên lưng mẹ

12/08/2023, 07:00

Khuyết hai chân sau vụ tai nạn giao thông, nữ sinh đến giảng đường trên lưng mẹ ngày nào giờ đã có cuộc sống an yên.

Ít ai biết, để có được những tháng ngày hạnh phúc như bây giờ, cô đã nỗ lực vượt lên nghịch cảnh ra sao.

Vượt qua cửa tử

img

Bị tai nạn giao thông mất cả đôi chân nhưng với nghị lực phi thường, cô giáo Nguyễn Thị Luyện giờ đã có một cuộc sống tự lập và gia đình hạnh phúc. Ảnh: Phùng Đô.

Một chiều muộn đầu tháng 8, khi cơn mưa rào ập đến cũng là lúc Nguyễn Thị Luyện (28 tuổi) vượt gần 15 cây số từ chỗ làm về tổ ấm của mình ở thôn Ngô Nội, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Để chiếc xe điện ba bánh vào hiên nhà, treo chiếc áo mưa lên tường, Luyện cười rạng rỡ, dang rộng vòng tay ôm bé Ngô Hoàng Gia Hân (hơn 1 tuổi) chập chững chạy ra đón.

Thấy vợ đi làm về, anh Ngô Văn Đô ân cần hỏi han vợ đi đường có bị ướt không, rồi nhanh chóng vào bếp để sửa soạn bữa tối.

Chứng kiến sự nhanh nhẹn và tháo vát của cả hai vợ chồng, người không biết sẽ cảm thấy khó tin, cả vợ chồng đều là người khuyết tật. Thậm chí, Luyện còn mất cả đôi chân sau khi bị tai nạn giao thông vào năm 2012.

Luyện chính là cô nữ sinh đến giảng đường trên lưng mẹ gây xúc động dư luận ngày nào.

13 năm trước, khi tan lớp học thêm, Luyện cùng bạn đèo nhau bằng xe đạp về nhà.

Xe đạp đang đi đúng lề đường bên phải thì bị một chiếc xe container chạy nhanh quệt vào. Người bạn bị hất văng ra xa, còn em bị cuốn vào gầm xe, bị bánh xe đè vào chân trái.

“Em đang thét lên gọi người cứu, bỗng thấy xe lùi lại, cán nốt vào chân phải của em. Tài xế xe container chở quá tải tới 43 tấn đất, lại chạy ẩu biết đã cán qua người em nhưng cố tình lùi xe lần nữa để đâm chết em”, Luyện khẽ rùng mình kể lại.

Sức trẻ cùng nghị lực sống mãnh liệt giúp Luyện vượt qua cửa tử nhưng cô nữ sinh lớp 12 ấy đã vĩnh viễn mất đôi chân của mình. Chân phải em chỉ còn một đoạn ngắn chừng 10cm ở đùi, còn chân trái cụt tới tận gần đầu gối.

Nhớ lại những tháng ngày kinh khủng ấy, Luyện tâm sự, em đã từng tuyệt vọng, đau đớn tận cùng, muốn buông bỏ sự sống.

Nhưng rồi tình thương của mẹ đã níu Luyện không làm điều dại dột. Bởi cha bỏ đi từ lâu, mẹ tảo tần gồng gánh nuôi hai chị em Luyện. Vì vậy, Luyện tự nhủ không được làm mẹ khổ hơn nữa, phải cố gắng sống thật tốt.

Đến trường trên lưng mẹ

img

Cô giáo Luyện trong giờ dạy trẻ đặc biệt tại Trung tâm Chuyên biệt Từ Sơn.

Sau hơn 7 tháng điều trị ở khắp các bệnh viện từ Trung ương tới địa phương để xử lý vết thương, chống nhiễm trùng, Luyện trở về nhà và đòi đến trường ngay.

Bởi Luyện hiểu mình đã mất đôi chân, không thể lao động như người bình thường, chỉ có cách học thật giỏi mới có thể tìm được một công việc phù hợp với bản thân.

Và nén những cơn đau do ảnh hưởng của vụ tai nạn, Luyện đã hoàn thành tốt chương trình THPT, rồi nỗ lực thi đỗ hai trường đại học và chính thức trở thành sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào năm 2014.

Để Luyện có thể tốt nghiệp đại học, là công lao vĩ đại của bà Nguyễn Thị Quý, mẹ Luyện. Từ ngày em bị tai nạn, bà bỏ hết công việc buôn bán, đồng áng để theo sát chăm sóc, đưa Luyện đến trường.

Cô em gái của Luyện lành lặn ở lại quê nhà, tự lo cho mình, còn bà Quý thuê nhà tại Hà Nội mưu sinh và cõng con đi học.

Bốn năm trời, người mẹ gầy gò ấy cõng Luyện từng bậc thang lên lớp, trưa đón con về, chiều lại đưa đi, tối còn đưa con đi học thêm tiếng Anh.

Khi Luyện vào lớp, bà lại đi giúp việc gia đình theo giờ để kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con và gửi tiền về quê hỗ trợ con gái út ăn học.

Không phụ công mẹ, Luyện đã tốt nghiệp khoa Tâm lý. Với thành tích học tập tốt, gương mặt xinh xắn và nghị lực vượt khó, khi Luyện tốt nghiệp, có một số cá nhân, đơn vị ngỏ ý muốn Luyện về làm việc, trong đó Báo Giao thông cũng muốn hỗ trợ tìm việc cho em tại Hà Nội. Tuy nhiên, Luyện từ chối vì muốn cùng mẹ về quê nhà, ba mẹ con được đoàn tụ, làm việc và sinh sống cùng nhau.

“Em có được ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của mẹ, em gái cũng phải thiệt thòi, tự lập từ bé vì em. Vì thế, em muốn được ở gần mẹ, gần em.

Giờ nhà chồng em cách nhà mẹ đẻ có hơn 1km, nên em có điều kiện đến thăm và chăm sóc mẹ”, Luyện hạnh phúc kể.

Hạnh phúc ngọt ngào

img

Cô giáo Luyện xinh đẹp khi đứng lớp.

Hiện tại, Luyện đang làm giáo viên tại Trung tâm Chuyên biệt Từ Sơn (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Công việc mang lại cho Luyện thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Luyện cho biết, công việc của mình hiện tại ở trường rất tốt, bố mẹ các bé luôn tin tưởng khi con cái được Luyện chăm nom và dạy dỗ.

“Ngoài thu nhập, đi làm được gần gũi với các em nhỏ, được giao tiếp với đồng nghiệp cũng giúp em tự tin hơn. Dù đi lại gần 15 cây số cũng không dễ dàng, nhưng em vẫn làm được”, Luyện vui vẻ kể.

Đô, chồng Luyện dù bị mất một chân từ nhỏ, nhưng lại là thợ thiết kế tranh đục đồ gỗ lành nghề.

Công việc thiết kế mẫu đục đồ gỗ của Đô hiện tại cũng mang lại khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, nhưng anh vừa có thể làm việc ở nhà, vừa tranh thủ trông con.

Hai vợ chồng sống chung với ông bà nội và Luyện được cả nhà yêu thương như con ruột.

“Năm 2020, chúng em quen nhau và đến 2021 thì tiến đến hôn nhân. Lúc đầu không ít người thân và bạn bè hai bên đều lo ngại việc cả hai đều khuyết tật thì khó mà chăm lo được cho nhau.

Nhưng rồi chúng em đã thuyết phục được người thân hai bên, vì chúng em thực sự yêu thương nhau”, Đô tâm sự.

Ông Ngô Văn Phố (bố chồng của Luyện) cho biết, mặc dù hai vợ chồng Đô khuyết tật như thế nhưng việc nuôi dạy và chăm sóc con rất ít khi cần phải nhờ vả ai.

“Lúc mới sinh cháu Gia Hân, hai vợ chồng Đô đêm hôm dậy cho con bú sữa, giặt giũ quần áo, chăm lo cho nhau. Chúng tôi bảo để ông bà phụ giúp cho đỡ vất vả nhưng hai vợ chồng nghị lực lắm, tự làm hết”, ông Phố chia sẻ.

img

Niềm vui của cô giáo Luyện bên trẻ đặc biệt.

Hạnh phúc và tự hào khi chứng kiến con gái vượt qua nghịch cảnh, lại có gia đình hạnh phúc, công việc ổn định, bà Quý chia sẻ, Đô và Luyện rất hiếu thảo.

Dù hai vợ chồng khuyết tật nhưng rất tự lập, thường xuyên thăm hỏi nội ngoại hai bên. “Tôi rất tin tưởng và tự hào về sự cố gắng của hai con”, bà Quý nói.

Nói về tương lai, Luyện bảo, ước nguyện của hai vợ chồng là nuôi dạy bé Gia Hân khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thành người có ích.

“Vợ chồng em luôn bảo với nhau, người lành lặn chỉ cần cố gắng một thì vợ chồng mình phải nỗ lực bằng hai hoặc ba lần.

Nhưng những ngày tháng khó khăn nhất, chúng em đã vượt qua, thì giờ đây, có thêm Gia Hân và ông bà nội ngoại đôi bên làm chỗ dựa, chúng em sẽ tiếp tục vượt qua”, Luyện cho hay.

Chị Nguyễn Thị Duyên, người sáng lập Trung tâm Chuyên biệt Từ Sơn cho biết, dù khuyết tật cả 2 chân nhưng Luyện vẫn được trung tâm đánh giá rất cao, sự cố gắng nỗ lực của bản thân đã giúp em hoàn thành nhiệm vụ tương đương với những thầy cô khác.

“Nhiều phụ huynh rất tin tưởng khi Luyện đứng lớp giảng dạy cho con em của mình. Dù đi lại khó khăn hơn người bình thường nhưng Luyện rất thông minh, có cách truyền đạt tốt nên nhiều em tiến bộ nhanh chóng”, chị Duyên cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.