Xã hội

Hạnh phúc giản dị của người lái tàu ngày Tết

20/01/2023, 14:00
image

Dịp Tết là mùa cao điểm của những nhân viên lái tàu, họ làm việc ngày đêm, ít khi nào được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Những ngày cuối năm, phóng viên Báo Giao thông đã có dịp trò chuyện cùng các nhân viên lái tàu thuộc Phân xưởng vận dụng đầu máy Sài Gòn, Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn (Tổng công ty Đường sắt VN). Với họ hầu như đón Tết trên tàu là chuyện bình thường, chẳng ai có được cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Luôn sẵn sàng lên đường, mong những tuyến đường bình an

Kể về nghề, anh Hoàng Đình Mạnh (43 tuổi) nhân viên lái tàu chính có hơn 15 năm trong nghề chia sẻ: Tết là mùa cao điểm nên anh em phải làm việc hết công suất.

Dịp Tết, anh em túc trực, thay phiên nhau trực để đưa người dân về quê đón Tết cùng gia đình.

Trên đầu máy tàu hỏa, tổ lái chỉ có lái chính và lái phụ. Khi vào cuộc họ luôn dồn hết lực vào việc điều khiển đoàn tàu lăn bánh, mắt luôn chăm chú hướng về phía trước. Clip: Quang Phương.

Không nhớ đây là năm thứ mấy anh Mạnh không đón giao thừa cùng gia đình. Bởi theo phân công, ngày 30 âm lịch, anh sẽ lái tàu từ TP.HCM ra Bình Thuận. Sau đó, khoảng mồng hai Tết mới quay lại TP.HCM.

img

Nhân viên lái tàu chính Hoàng Đình Mạnh cho hay năm nay anh cũng không được cùng gia đình đón giao thừa vì phải làm nhiệm vụ lái tàu. Ảnh: Quang Phương.

Anh Mạnh tâm sự tiếp: “Nhiều năm, lịch chạy tàu vào chiều 30 Tết. Khi cả nhà chuẩn bị đồ để tối cúng giao thừa thì mình lại xách ba lô chào vợ con rồi ra khỏi nhà, trong lòng xao xuyến lắm!

Nhưng khi ra đến nhà ga thấy bà con cũng lỉnh kỉnh ba lô, hành lý chờ đợi lên tàu để về quê sum họp cùng gia đình, lòng mình cũng hòa chung xúc cảm giác của bao người. Dường như trong thấy lòng ấm áp hơn vì chính mình sẽ đưa họ về quê để sum họp cùng gia đình".

Còn anh Hoàng Xuân Thoan (45 tuổi), đội trưởng đội lái tàu với 22 năm đón Tết trên tàu chia sẻ: Đời lái tàu không có cái Tết trọn vẹn bên gia đình đâu, âu cũng là nghề với nghiệp rồi.

Anh Hoàng kể, từ ngày vào ngành đường sắt đến nay chưa năm nào được đón giao thừa cùng vợ con cả.

Lúc trước, khi còn là lái tàu chính, 6 năm liền tôi lái tàu đêm giao thừa. Đầu máy tàu hoàn toàn tách biệt với các toa khác.

Trên đầu máy chỉ có tổ lái (lái chính và lái phụ). Hai người ở hai ghế, mắt luôn chăm chú hướng về phía trước để điều khiển đoàn tàu lăn bánh.

"Thời khắc giao thừa, chúng tôi chỉ kịp quay sang nói với nhau câu “Chúc mừng năm mới” trong lúc tàu vẫn lăn bánh giữa màn đêm. Anh em lái tàu lúc nào cũng trong tâm lý sẵn sàng lên đường.

Chúng tôi chỉ mong đi đường bình an, đi đến nơi về đến chốn, đưa được càng nhiều bà con về sum họp cùng gia đình, điều đó làm chúng tôi càng hạnh phúc”, anh Thoan bộc bạch.

Sương gió phủ đời trai, tương lai nhờ vợ

Đón Tết trên tàu, đón Tết xa nhà, không có cái Tết trọn vẹn bên gia đình đó chưa phải là nỗi lo lớn nhất của những người làm nghề lái tàu. Theo các nhân viên lái tàu nỗi lo lớn nhất của họ là thu nhập còn quá thấp.

Nhân viên lái tàu (lái phụ) Phan Văn Thuyên (27 tuổi) với 5 năm theo nghề là 5 năm đón Tết xa nhà. “5 năm trong nghề lái tàu là 5 cái Tết tôi không về Quảng Bình đón Tết cùng cha mẹ.

Giao thừa, ngày Tết, nhiều khi đang lái tàu, người thân gọi điện chúc Tết nhưng chúng tôi đều phải để sang một bên.

Lên đầu máy là tập trung toàn lực vào chuyên môn, khi nào hoàn thành xong nhiệm vụ, lúc đó mới gọi điện lại cho mọi người" , anh Thuyên cho hay.

img

Nhân viên lái tàu (lái phụ) Phan Văn Thuyên cho biết 5 năm theo nghề lái tàu là 5 cái Tết không không về quê đón Tết cùng bố mẹ. Ảnh: Quang Phương.

Nói tới chuyện thu nhập hàng tháng từ nghề lái tàu, anh Phan Văn Thuyên cười mà như lãng tránh: “Thu nhập hàng tháng thấp lắm anh à! Lái phụ như tôi chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng thôi.

Tôi đến và gắn bó với nghề lái tàu bằng niềm đam mê chứ nếu làm lái tàu mà để có thu nhập cao thì không đúng”.

Tương tự, anh Nguyễn Lộc Thọ (45 tuổi), có trên 10 năm theo nghề lái tàu (lái chính) nhưng khi hỏi về thu nhập hàng tháng, anh cũng nói thật theo nghề vì niềm vui và vì cái duyên gắn kết với đầu máy tàu hỏa chứ thu nhập hàng tháng chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng, gọi là cũng đủ trang trải chi phí cho gia đình.

“Đồng lương, thu nhập hàng tháng nói chung thấp chứ không cao. Những người chọn nghề lái tàu như chúng tôi hình như cái máu nghề nó ở sẵn trong người từ bé nên phải theo nghề.

Được lên đầu máy điều khiển tàu chạy, đưa hành khách về sum họp cùng gia đình là niềm vui của những người theo nghề lái tàu.

Anh em lái tàu chúng tôi vẫn hay đùa với nhau câu “sương gió phủ đời trai, tương lai nhờ vào vợ”, nhưng đó là chuyện thật, đúng với nghề lái tàu.

Bởi suốt ngày chúng tôi ở ga, ở trên đầu máy tàu hỏa, chuyện gia đình, con cái nhờ vợ tất”, anh Thọ chia sẻ.

Ông Trần Thanh Băng, Quản đốc Phân xưởng vận dụng đầu máy Sài Gòn, Chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty đường sắt VN), nói chuyện không đón Tết cùng gia đình là điều gần như bình thường với những người lái tàu, ai cũng xem công việc là trên hết,

Tại phân xưởng, bênh cạnh tổ lái chính đã được lên lịch, luôn có một đội dự phòng túc trực để thay thế những trường hợp bất trắc. Anh em lái tàu lúc nào cũng trong tâm lý sẵn sàng lên đường.

"Ngày Tết với anh em lái tàu là thời gian cao điểm, họ luôn sẵn sàng tâm lý để lên đường bất cứ lúc nào, để vận hành đoàn tàu di chuyển, đưa bà con về với gia đình", ông Băng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.