Điện ảnh

Hậu trường nghẹt thở phim giải cứu đội bóng ở hang Tham Luang

14/10/2021, 06:17

Ít ai biết, để có những thước phim The Rescue chân thực, ê-kíp phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức trong nhiều năm trời.

“The Rescue” - bộ phim kể về hành trình giải cứu đội bóng nhí của Thái Lan ở hang Tham Luang, do hai đạo diễn Elizabeth Chai Vasarhelyi và Jimmy Chin, cũng là cặp vợ chồng từng đoạt giải Oscar thực hiện đã chính thức ra rạp tại Mỹ hôm 8/10.

Ít ai biết, để có những thước phim chân thực, ê-kíp phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức trong nhiều năm trời.

img

Hình ảnh trong phim “The Rescue”

Đau đầu với bài toán tư liệu

“Cũng giống như cả thế giới, chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện kịch tính thuở nào”, Vasarhelyi nói về lý do cô và chồng chọn lựa đề tài của bộ phim, tại Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương ở Los Angeles, nơi bộ phim tài liệu được trình chiếu.

Sau khi nước từ rừng tràn xuống làm ngập hang và chặn lối ra của đội bóng đá nhí ở Thái Lan vào tháng 6/2018, Elizabeth trăn trở rằng, làm sao để tìm hiểu sự việc dưới một góc nhìn khác? Có khả thi khi thực hiện một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh ở một bối cảnh tương tự? Mang theo những ấp ủ và cả sự hoài nghi, vợ chồng Vasarhelyi quyết lên đường tới xứ chùa Vàng để thực hiện “The Rescue”.

Tiết lộ với Deadine, bộ đôi đạo diễn thừa nhận rằng, thách thức lớn nhất đối với ê-kíp là việc không có tư liệu hoặc chứng kiến tận mắt sự việc. Thậm chí, Jimmy Chin phải thốt lên: “Chúng tôi sớm chuẩn bị tâm lý rằng có thể không có cảnh nào trong hang”.

Do đó, vợ chồng anh phải sử dụng thêm ảnh động hoặc các cảnh quay từ nguồn khác. Trong đó, quan trọng nhất là những cảnh quay từ thực tế hiện trường vụ việc do Hải quân Hoàng gia Thái Lan ghi lại 3 năm trước.

Tuy nhiên, để có được những thước phim quý giá này, Vasarhelyi và Chin phải mất 2 năm đàm phán mới tiếp cận được.

img

Đạo diễn Jimmy Chin và Elizabeth Chai Vasarhelyi từng giành giải Oscar năm 2019 cho Phim tài liệu hay nhất với “Free Solo”

“Tiêm xong 2 mũi vaccine, tôi đã đến Thái Lan ngay và trải qua những cuộc kiểm tra sức khỏe mới đủ tiêu chuẩn gặp phía Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Chúng tôi nhận được đoạn phim của họ sau 2 tuần hoàn tất các cảnh quay chính. Cảm giác lúc đó như tìm thấy vàng vậy”, The New York Times trích lại lời của Vasarhelyi.

Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để có được một bộ phim chạm đến cảm xúc, vợ chồng đạo diễn đã phải rong ruổi ở Thái Lan trong nhiều ngày, tìm đến nhà một số cầu thủ nhí năm xưa để hiểu rõ hơn.

“Vasarhelyi thậm chí còn dùng bữa ăn với họ, nghe họ kể về 18 ngày sống dưới lòng đất và xem những đứa trẻ tái hiện lại khoảnh khắc đáng nhớ trong đời. Song, những chi tiết này cô không được phép ghi hình mà chỉ là chất liệu để cô tái hiện lại trong bộ phim của mình”, The New York Times tiết lộ.

Ám ảnh những thước phim quay trong hang

Mặc dù Chin là vận động viên leo núi và trượt tuyết đẳng cấp thế giới, còn Vasarhelyi lớn lên với những bài học lặn biển chuyên nghiệp nhưng cả hai chưa bao giờ hình dung việc thử sức trong hang động.

Trong thời gian ở Thái Lan, Vasarhelyi đã trực tiếp đi tiền trạm ở hang động xảy ra vụ mắc kẹt của các cầu thủ. Cô phải đi bộ 2km mới đến được nơi đội bóng từng xuất hiện. Có những đoạn Vasarhelyi chỉ qua được khi nằm sấp và trườn người về trước.

“Lúc đó tôi cảm thấy cả trái đất đang ép chặt mình, muốn quay lại cũng không được nữa, chỉ có tiến về phía trước. Nếu được lựa chọn, khi trở lại, tôi không muốn len lỏi qua không gian chật hẹp này. Tôi sợ hãi cảm giác ngột ngạt ấy”, nữ đạo diễn nói với The New York Times.

img

Một cảnh trong phim “The Rescue”

Theo chia sẻ của vợ chồng đạo diễn Vasarhelyi, “The Rescue” dài 114 phút tái hiện những khoảnh khắc hàng trăm thợ lặn chuyên nghiệp và không chuyên đến từ nhiều nước trên thế giới tìm kiếm từng mảnh bằng chứng nhỏ nhoi nhất, trong hang động ngập nước, để thấy rằng lũ trẻ và huấn luyện viên của chúng vẫn còn sống. Khi đã chắc chắn đội bóng an toàn, họ phải đối mặt với hành trình khó khăn hơn để thoát ra.

Thời điểm đó, cách duy nhất để các nạn nhân có thể sống sót dưới nước là sử dụng gây mê bằng ketamine.

Theo Deadline, “The Rescue” đã làm mưa làm gió ở các rạp chiếu ở New York, Los Angeles và Chicago trong suốt 5 ngày ra mắt. Doanh thu cuối tuần ước tính là gần 70.000 USD. Đây cũng là bộ phim tài liệu có thành tích mở màn tốt nhất trong hơn 2 năm qua tại Mỹ.


Đối với Vasarhelyi, một trong những chi tiết gay cấn nhất của cuộc giải cứu là rủi ro cá nhân đối với các thợ lặn nghiệp dư.

Họ thậm chí còn có thể phải ngồi tù nếu để bất kỳ một đứa trẻ nào thiệt mạng.

Do đó, để có những thước phim chân thực nhất, bộ đôi đạo diễn và nhà sản xuất quyết định chiêu mộ những thợ lặn hang động nghiệp dư giỏi nhất thế giới, trong đó có Rick Stanton và John Volanthen.

Thời điểm thực hiện “The Rescue” cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, do đó việc tìm được thợ lặn giỏi cũng chưa giải quyết hết các trở ngại mà ê-kíp phải đối mặt.

“Vì đại dịch, ê-kíp đã phải hạn chế rất nhiều trong quá trình ghi hình, bao gồm cả việc gắn kết đoàn phim bằng các cuộc họp trực tiếp, những bữa ăn… Thay vào đó, họ chỉ có thể thảo luận thông qua những hiểu biết cơ bản cá nhân về các môn thể thao khắc nghiệt. Thậm chí, trong những cảnh diễn tập, diễn viên không thể tới bối cảnh thật mà chỉ có thể tưởng tượng không gian hiểm trở, khắc nghiệt ở trong… studio”, Vasarhelyi nhớ lại.

Ở góc độ một nhà làm phim nước ngoài, bản thân vợ chồng đạo diễn Vasarhelyi còn tinh tế ở những chi tiết nhỏ, nhằm tăng sức thuyết phục cho “The Rescue”.

Đặc biệt là nền tảng tôn giáo địa phương. Một trong những bước mà các nhà làm phim đã thực hiện là đảm bảo quan điểm của người Thái được thể hiện trong phim.

“Chúng tôi thấy tôn giáo là một phần quan trọng. Những lời cầu nguyện hay kỹ năng của các thợ lặn đã mang lại thành công cho cuộc giải cứu? Ai có thể chắc chắn điều này? Đó là những quan điểm hoàn toàn khác nhau”, Vasarhelyi bộc bạch.

Thợ lặn người Anh Rick Stanton nhớ lại, sự việc cách đây 3 năm không đơn giản là một trải nghiệm, mà là nhiệm vụ đầy khó khan, rủi ro.

“Khi chúng tôi đặt chân đến hang Tham Luang, dòng nước ở đây rất dữ dội, trong hang vô cùng tối. Tôi đã bơi qua hang tối trong vô thức, bản thân cũng không biết những người trong đó còn sống hay không. Sau 2 giờ, chúng tôi nhìn thấy một tia sáng và sau đó là những giọng nói cất lên. Những thước phim ám ảnh, tiếng xe cứu thương… trong “The Rescue” giống hệt như những gì chúng tôi đã trải qua”, Stanton nói với đài NPR.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.