Showbiz

Hậu trường nghiệt ngã sau các cuộc thi nhan sắc thế giới

16/06/2020, 06:24

Trong thế giới của hoa hậu, ngoài nhan sắc, tiền bạc, con đường đến hào quang của chiếc vương miện còn đi kèm những phi vụ trao đổi thân xác...

img
Binibining Pilipinas là một trong những cuộc thi nhan sắc hàng đầu của Philippines

Đại gia tìm “đào” ở cuộc thi nhan sắc

Năm 2008, người đẹp Janina San Miguel đăng quang cuộc thi Binibining Pilipinas và trở thành đại điện Philippines tham gia cuộc thi Miss World diễn ra cùng năm.

Nhưng 3 tháng trước ngày thi, cô quyết định trả lại vương miện trong sự ngỡ ngàng và tiếc nuối của công chúng. Thời điểm đó, Janina thông báo cô từ bỏ ngôi vị với lý do cá nhân, trong đó gồm có cái chết của ông nội cô.

Có nhiều đại gia cố tình “chăn” cho các cuộc thi để nhằm mục đích tìm kiếm “chân dài”, họ không nhất thiết phải là hoa hậu mà chỉ là các thí sinh trong một cuộc thi nhan sắc. Chính vì vậy không ít cô gái tham gia chỉ để “làm giá” cho mình.
Thực tế đã chứng minh điều đó như trường hợp Á hậu T.D tham gia đường dây bán dâm nghìn USD năm 2018, Hoa khôi thời trang Việt Nam 2017 Phạm Thị Thanh Hiền bị tình nghi cầm đầu đường dây người mẫu bán dâm cho đại gia, hay hoa hậu lấy chồng đại gia…
Chung quy đó là câu chuyện vị kỷ, không kìm chế được trước cám dỗ của cuộc sống xa hoa, theo đuổi những giá trị ảo.
PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký
Hội Xã hội học Việt Nam


Tuy nhiên, mới đây, trong chương trình Undercover Asia của đài Channel News Asia (Singapore), Janina nói rằng, lý do thực sự là vì cô bị bủa vây giữa những lời đề nghị “đổi tình lấy tiền” và sự kiểm soát quá mức của Ban tổ chức (BTC) cuộc thi.

Thậm chí cô còn tuyên bố: “Nếu còn cơ hội quay lại quá khứ, tôi ước gì mình chưa từng tham gia cuộc thi đó”.

Janina nhớ lại: “Tôi nhận được rất nhiều đề nghị. Có người đề nghị 84.000 USD cho tình một đêm. Có người đề nghị 700.000 USD để tôi làm bạn gái. Có rất nhiều người muốn có vợ hoặc bạn gái là hoa hậu”.

Cựu hoa hậu cho biết, cô cũng không được chuẩn bị tâm lý đối phó với sự kiểm soát chặt chẽ từ BTC trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thi Miss World.

Cô gái 17 tuổi năm ấy phải dành phần lớn thời gian trên sân khấu, không được phép sử dụng điện thoại, máy tính… Thậm chí, cô còn bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, gồm cả người thân, trong suốt 3 tháng.

“Họ còn định không nói cho tôi về cái chết của ông nội. Lý do được đưa ra là khi đó tôi đang trong quá trình tập luyện. Họ không muốn tôi bị phân tâm”, Janina bức xúc.

Chia sẻ với Channel News Asia, William - phóng viên 15 năm chuyên đưa tin các cuộc thi hoa hậu kể, có lần anh chứng kiến BTC một cuộc thi nhan sắc yêu cầu các thí sinh ngồi hầu rượu cho các vị khách đã trả tiền tham gia sự kiện. Vài cô gái nhờ nhóm phóng viên giúp đỡ, nhưng nhóm phóng viên này lập tức bị yêu cầu “không được can thiệp”.

“Chúng tôi muốn giúp các cô gái, nhưng không ai trong BTC chịu nói chuyện. Cũng không cô gái nào công khai đứng ra tố cáo. Họ đều sợ hãi! Bởi nhà tài trợ là những người có rất nhiều tiền, nếu thí sinh dám lên tiếng, họ sẽ làm mọi cách để bắt nạn nhân im lặng”, William tiết lộ.

Không riêng Binibining Pilipinas, năm 2018, cuộc thi Miss Earth diễn ra ở Manila cũng tốn nhiều giấy mực của truyền thông quốc tế, sau khi 3 thí sinh tố cáo một nhà tài trợ quấy rối tình dục và đưa ra nhiều đề nghị khiếm nhã với các cô gái.

Jaime VandenBerg, người đẹp đại diện cho Canada cho biết, có một đại gia gọi điện và lùng sục cô mỗi ngày đến mức cô cảm thấy bị khủng hoảng.

“Ông ta hỏi: “Em muốn gặp ở đâu? Tôi có thể đến khách sạn em ở, hoặc em đến khách sạn của tôi. Tôi có thể chỉ cách em chiến thắng”.

Rõ ràng ông ta muốn tình dục đổi lại thứ hạng cao trong cuộc thi... Tôi có cảm giác không thể bỏ chạy được”, đại diện của Canada kể lại.

Cũng trong năm này, cuộc thi sắc đẹp danh tiếng Miss Venezuela buộc phải đình chỉ tuyển thí sinh, ngừng tổ chức và tiến hành điều tra nội bộ, sau khi nhiều thí sinh lên tiếng tố cáo nhau mua bán tình dục và nhận tiền từ các doanh nhân và quan chức chính phủ.

Người đẹp Venezuela - Alessandra Sironi từng khẳng định trên Pagaentnews: “Những cô gái đẹp nhất, thông minh nhất không bao giờ được trao giải.

Những cô mà ít người kỳ vọng nhất lại chiến thắng. Đó là những cô gái chi nhiều tiền nhất, dám làm mọi thứ vì chiếc vương miện. Ở đây, mọi thứ đều được vận hành dựa trên việc trao đổi tiền và tình dục”.

Cô cũng cho rằng, hầu hết các cô gái từng đoạt vương miện hoa hậu Venezuela đều theo một mô tuýp chung: Những cô gái ngốc nghếch, không bao giờ đọc sách và chỉ chăm chăm làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ.

Chuyện xứ người, xứ ta

img
Hoa hậu Trần Thị Thu Ngân lấy chồng đại gia chỉ vài tháng sau khi đăng quang Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016

Mark Dela Cruz - một nhà tổ chức thi nhan sắc ở Phillippines cho rằng, mối quan hệ giữa thí sinh thi hoa hậu và nhà tài trợ khá phức tạp. Ông thừa nhận có nhiều cá nhân mang động cơ khác khi đứng ra tài trợ cho các cuộc thi nhan sắc. Đó là việc lên giường với các cô gái.

Trong khi đó, tại Việt Nam, gần như cuộc thi hoa hậu nào cũng vướng lùm xùm, không ít thì nhiều. Những tin đồn mua giải, dao kéo, đời tư ồn ào… giờ đây không còn là chuyện hiếm.

Những lùm xùm này khiến nhiều người phải đặt câu hỏi, có phải nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp hiện nay được tổ chức để không chỉ vinh danh sắc đẹp mà còn có những mục đích khác? Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở những lời bàn tán của dư luận.

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam thừa nhận, trên thế giới, những câu chuyện hậu trường xấu xí đằng sau ánh hào quang của các cuộc thi hoa hậu được hé lộ ít nhiều.

Song, tại Việt Nam, câu chuyện đại gia tìm “đào” hay chuyện đổi tình lấy danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc đã râm ran từ rất lâu nhưng chúng ta chưa có nhiều bằng chứng để kiểm định bởi người trong cuộc luôn tìm cách né tránh hoặc phủ nhận.

Thực tế, câu chuyện nhạy cảm này vẫn diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Không dừng lại ở đó, cuộc sống xa hoa, hào nhoáng của các hoa hậu luôn khiến công chúng không khỏi thắc mắc. Một đôi giày có giá vài chục triệu đồng, một chiếc túi xách có khi cả trăm triệu đồng, một chiếc đồng hồ bạc tỉ, những siêu xe, đồ hiệu đắt đỏ... từ đâu mà ra vẫn là một ẩn số. Khi mới hôm qua, các cô ấy còn vô danh, chật vật tự lo cho bản thân, thậm chí đèo bòng cả gia đình, người thân?

Theo PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, sẽ rất khó để đánh giá một cách cụ thể ở từng cuộc thi nhan sắc, bởi tính minh bạch của nó. Song, với những ồn ào kể trên, danh hiệu hoa hậu ở Việt Nam dễ dàng bị mất giá, không có độ tin cậy cao.

“Tạm gác lại góc độ pháp lý. Những câu chuyện xấu xí đằng sau các cuộc thi hoa hậu, scandal đời tư của các người đẹp sẽ làm danh dự, thể diện, niềm tự hào tự tôn dân tộc trong lĩnh vực nhan sắc sẽ không còn nhiều giá trị”, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.