Đến thời điểm này, có thể nói, vùng tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đã được kiểm soát tốt, hạn chế được các ca lây nhiễm trong cộng đồng, nguồn lây; ổ dịch được khoanh vùng, cách ly kịp thời...
Đây là kết quả của việc năng lực xét nghiệm được tăng lên nhiều lần so với trước; hệ thống xét nghiệm được đầu tư, góp phần phát hiện sớm các ca mắc, truy vết...
Tuy nhiên, dường như mối nguy vẫn luôn rình rập khi vẫn tiếp tục xuất hiện một số ca nhiễm mới, thêm một vài ca tử vong... Câu hỏi bao giờ dịch Covid-19 sẽ được chặn đứng vẫn chưa thể có câu trả lời.
Và như Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn mới đây đã cảnh báo, dịch sẽ tiếp tục kéo dài, có thể xuất hiện các chùm ca bệnh và ca bệnh tại cộng đồng, từng gia đình có thể trở thành ổ dịch...
Rất khó để có được một kịch bản phục hồi sản xuất, sinh hoạt như kết thúc giai đoạn 1 của dịch Covid-19 vừa qua khi dịch bệnh được ngăn chặn hoàn toàn. Lúc này, tâm thế “sống chung” để phòng ngừa Covid-19 ở cấp độ cảnh báo cao nhất là điều cần thiết.
Đà Nẵng chưa dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội, nhưng bắt đầu cho phép thi công trở lại các công trình, dự án quan trọng. Các khu công nghiệp, công nghệ cao cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt…
Mới đây, một số quán nhậu tại Hà Nội áp dụng mô hình “cụng li qua vách kính ngăn”, điều không còn xa lạ ở nhiều quốc gia đang bị Covid-19 hoành hành. Rồi đây, ở những địa phương vùng dịch sẽ dần dần nới lỏng các biện pháp giãn cách để duy trì sản xuất, sinh hoạt xã hội… Bởi lẽ, chúng ta chống dịch nhưng cũng không thể để đứt gãy về kinh tế, đó chắc chắn là điều mà nhiều địa phương trong cả nước đang rất lưu tâm.
Vừa qua, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông lan tỏa thông điệp “Niềm tin chiến thắng” kêu gọi cộng đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi mọi tầng lớp người dân cùng thực hiện đầy đủ các biện phòng, chống dịch bệnh và xây dựng lối sống phù hợp, tạo thói quen có lợi sức khỏe để chung sống với dịch, thiết lập cuộc sống bình thường trong trạng thái mới, vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Chuẩn bị tâm thế để có thể “sống chung” với dịch, quan trọng nhất vẫn những hành động cụ thể của từng người, từng gia đình và cả cộng động: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi công cộng, cơ sở y tế; có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế; tự cách ly nếu về từ vùng dịch...
Đó tưởng như là điều rất đơn giản, song để thực hiện cũng không dễ khi vẫn còn không ít người rất chủ quan.
Bởi vậy, cùng với việc công tác ứng phó, phòng chống dịch được nâng lên cấp độ mới, với các kịch bản cho các tình huống căng thẳng nhất, để có thể sẵn sàng cho thời kỳ sống chung với đại dịch thì ý thức của mỗi người là rất quan trọng.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có một tâm thế như thông điệp của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận