Đường bộ

Hé lộ nhà đầu tư quan tâm dự án đường Vành đai 4 Hà Nội

09/02/2023, 18:02

Quá trình khảo sát, có một nhà đầu tư quan tâm đến dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc dự án đường Vành đai 4 Hà Nội.

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

img

Theo kế hoạch, dự án đường Vành đai 4 Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027 - Ảnh minh họa.

Đáng chú ý nhất tại báo cáo lần này là công tác khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư với dự án thành phần 3 (Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư) đã được hoàn thành với kết quả có 1 nhà đầu tư quan tâm là Công ty CP Tập đoàn T&T.

“Đối với dự án thành phần 3, báo cáo nghiên cứu khả thi cũng đã được UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã thẩm định và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước”, Bộ GTVT cho hay.

Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group) tiền thân là Công ty TNHH T&T, được doanh nhân Đỗ Quang Hiển (còn được biết đến với tên gọi là bầu Hiển) thành lập vào năm 1993.

Vốn điều lệ tập đoàn này đã lên tới 22.000 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 45.000 tỉ đồng, 80.000 cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống, hoạt động kinh doanh tại thị trường trong nước và quốc tế.

T&T Group hoạt động đa ngành với 7 nhóm ngành chính: bất động sản; tài chính và đầu tư; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông, cảng biển và logistics; công thương; khoáng sản, năng lượng và môi trường; y tế, giáo dục và thể thao.

Thông tin thêm về công tác GPMB các dự án thành phần, theo Bộ GTVT, tính đến nay, TP Hà Nội đã hoàn thành và bàn giao mốc GPMB cho các địa phương toàn bộ 58,2 km. Các quận/huyện đã lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư, đã thành lập Hội đồng GPMB, tái định cư, công tác kiểm đếm và dự thảo phương án đang được tiến hành.

Đối với tỉnh Hưng Yên, công tác cắm mốc GPMB và bàn giao cho UBND các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, công tác cắm mốc GPMB cũng đã hoàn thành. Các huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ và TP Bắc Ninh đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang thực hiện các thủ tục trong công tác GPMB (đo đạc bản đồ địa chính, thống kê quy chủ sử dụng đất, công khai bản đồ trích đo hiện trạng…).

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm: hơn 103km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Công tác GPMB được thực hiện theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh bề rộng 90-135m. Đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với bề rộng 17m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m.

Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được GPMB theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh, bề rộng 90-135m, gồm: 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành (đường đô thị) hai bên cùng các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TƯ tham gia dự án khoảng 28.173 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 28.193 tỷ đồng. Vốn BOT khoảng 29.447 tỷ đồng.

Riêng dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 56.536 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TƯ khoảng 18.313 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 8.776 tỷ đồng; Vốn nhà đầu tư huy động là 29.447 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.