Bất động sản

Vành đai 4 đặt kỳ vọng gia tăng giá trị bất động sản

21/01/2023, 19:23

Đầu tư đồng bộ, chạy qua nhiều địa phương, vành đai 4 ngoài phát triển kinh tế vùng, nó còn được kỳ vọng gia tăng giá trị bất động sản.

Vành đai 4 chạy qua nhiều dự án bất động sản

Tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long).

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, tuyến đường này đi qua địa phận của 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.

img

Đường vành đai 4 chạy qua Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19,3km, Bắc Ninh 25,6km

Theo đó, qua huyện Mê Linh, nó sẽ cắt và tiếp giáp nhiều dự án bất động sản như: Khu đô thị Thanh Lâm Đại Thịnh II, Khu đô thị Hana Garden City Mê Linh, Hà Phong, Cienco 5 Mê Linh, Tiền Phong, Rose Valley Mê Linh.

Được biết, huyện Mê Linh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm làm Trưởng ban.

Sau 2 tháng chuẩn bị, đến ngày 9/1/2023, huyện Mê Linh đã tổ chức bồi thường đợt 1 phục vụ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án vành đai 4 với số tiền 268 tỷ đồng.

Kết quả trên, ngoài chỉ đạo kịp thời của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm còn vai trò không nhỏ của Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn.

Ông Tuấn trực tiếp làm việc với lãnh đạo xã, đối thoại với dân, bảo đảm tối đa các nguyện vọng chính đáng của người dân.

Được biết, tuyến đường vành đai 4, đoạn đi qua huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km. Mê Linh phấn đấu bàn giao từ 60% đến 70% diện tích đất đã GPMB xong trước tháng 6/2023 và bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công xong trước tháng 12/2023.

Tương tự trên địa bàn huyện Đan Phượng, vành đai 4 cách dự án Vinhomes Wonder Park khoảng 2km (đi theo đường Hạ Mỗ - Tân Hội), Dự án The Phoenix Garden quy mô 45ha, thuộc địa bàn thị trấn Phùng và xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Từ khu đô thị này, vành đai 4 giao với đường 32, điểm giao cắt này cách các khu đô thị trên đường 32 như: Tân Tây Đô, cách Khu đô thị Lideco khoảng 2,5km đến 3km.

Tại huyện Hoài Đức, vành đai 4 cắt đại lộ Thăng Long đoạn cầu vượt Song Phương. Từ điểm giao cắt trên Đại lộ Thăng Long hướng về nội đô trong khoảng từ 2-4km có hàng loạt dự án như: Khu đô thị Splendora Bắc An Khánh, Hà Đô, Vinhomes Smart City, Dự án khu đô thị Vườn Cam, An Lạc Green Symphony, Kim Chung - Di Trạch...

Từ đại lộ Thăng Long, vành đai 4 hướng về khu đô thị Đô Nghĩa, đường Nguyễn Văn Trác. Khu vực này cũng có nhiều dự án như Đô Nghĩa, Xuân Mai...

Về phía Hà Đông, vành đai 4 hướng về xã Cự Khê, Thanh Oai. Tại xã này, khu đô thị Thanh Hà cách vành đai 4, khoảng 2km về phía Tây.

Đáng chú ý, vành đai 4 đoạn qua huyện Thanh Oai cũng tiếp giáp trực tiếp với khu đô thị Mỹ Hưng.

Ngoài ra còn nhiều dự án khác thuộc địa phận các tỉnh như: Hưng Yên, Bắc Ninh...

Giá trị bất động sản gia tăng theo tỷ lệ đầu tư hạ tầng, giao thông

Với quy mô đầu tư lớn, bài bản và thông thương nhiều địa phương, vành đai 4 được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế vùng và gia tăng giá trị bất động.

Anh Nguyễn Công Thắng (Đống Đa) cho biết, hơn năm nay, anh vẫn đi tìm mua những thửa đất có pháp lý tốt, đầy đủ xung quanh trục quy hoạch đường vành đai 4.

Với kinh nghiệm của mình, anh Thắng cho rằng, từ giờ tới khi vành đai 4 hoàn thành, giá đất vùng ven vẫn còn gia tăng giá trị. Đặc biệt là những khu vực có thể mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ như: ăn uống, dừng nghỉ, cây xăng...

img

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm việc với các địa phương về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Cùng chung quan điểm, anh Trần Văn Thái, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Tây Land (Đan Phượng) cho hay, theo kinh nghiệm của anh, từ khi dự án giao thông bắt đầu triển khai đến khi đưa vào sử dụng, giá bất động sản xung quanh sẽ tăng bình quân từ 10-30%. Anh kỳ vọng, đường vành đai 4 cũng không ngoại lệ. Nó sẽ giúp phát triển tốt các hoạt động dịch vụ, thương mại, và giá trị bất động sản.

Ghi nhận thực tế của PV, dù dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội mới đang ở những giai đoạn ban đầu, thế nhưng bất động sản tại một số vị trí quy hoạch dự án đi qua đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Đơn cử như giá đất tại dự án Tân Tây Đô, Phoenix (Đan Phượng) đang được rao bán từ 65 - 75 triệu đồng/m2, những vị trí tốt đến cả trăm triệu/m2. Đất ngõ ô tô ra vào được hoặc mặt đường chính cũng từ 65 - 80 triệu đồng/m2. Một số môi giới khu vực này cho biết, mức giá hiện tại cao hơn nhiều hồi năm 2020 - 2021, ít nhất là từ 5 - 7 triệu đồng/m2.

Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đã tổ chức đấu giá dự án khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh, mức giá trúng thầu ở dự án này từ 45 - 60 triệu đồng/m2, vị trí đắc địa cũng được chào bán trôi nổi trên dưới 100 triệu/m2.

Dù vậy, các chuyên gia bất động sản vẫn khuyến cáo về những rủi ro mà nhà đầu tư cần nhìn nhận trước khi đầu tư ăn theo hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hạ tầng này phải mang tính dài hạn. Nhà đầu tư cần thận trọng, tìm hiểu kỹ về thị trường, nắm rõ về quy hoạch, tính thanh khoản để tránh rủi ro chôn vốn.

Ông Đính cũng cho rằng, khi quyết định rót vốn, nhà đầu tư phải nắm rõ hai yếu tố là dư địa tăng giá và tiến độ triển khai hạ tầng bởi một số khu vực quanh tuyến đường vành đai 4 đi qua đã có hiện tượng gom hàng, đẩy giá bất động sản lên cao.

Đồng quan điểm trên, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, điều kiện phát triển hạ tầng cũng là một cơ sở tất yếu để kiểm tra tính hợp lý của giá. Hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích đô thị thường là một trong những yếu tố có thể tác động tới giá trị của bất động sản.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, một công trình hạ tầng giao thông thường được triển khai trong nhiều năm, theo từng giai đoạn nhất định nên nhà đầu tư cần nắm rõ hiện trạng quy hoạch và tiến độ hoàn thiện của các dự án thành phần để đưa ra quyết định rót vốn sáng suốt nhất.

Được biết, tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua Hà Nội là 58,2km. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch cho dự án, hết năm 2023 sẽ bàn giao 100%.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bí thư thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cho biết, Ban chỉ đạo xác định GPMB, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm”, phải đi trước.

Do đó, Bí thư Dũng yêu cầu, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thành phố phải tiên lượng các vấn đề có thể phát sinh, còn khó khăn, vướng mắc để đề ra chính sách phù hợp, cần thiết; nhanh chóng có hướng dẫn bổ sung, thống nhất từ trên xuống dưới, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho các quận, huyện thực hiện việc đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.