Khi con người bị xem là món hàng mua đi bán lại, hệ luỵ rất khủng khiếp
Thảo luận tại hội trường ngày 8/11 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng còn một số tồn tại, hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Trong số nhiều loại tội phạm giảm rõ rệt, một số loại tội phạm lại tiếp tục gia tăng, đó là nhóm các loại tội phạm về trật tự xã hội liên quan đến sự suy đồi đạo đức, xuống cấp đạo đức xã hội.
Đại biểu Nga lấy dẫn chứng như tội cưỡng dâm người từ 13 đến 16 tuổi, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, tội giết người, tội giết người thân, mua bán người… tăng cả số vụ và số đối tượng.
Đặc biệt, trong các vụ mua bán người, không hiếm những vụ mua bán trẻ em mà người thực hiện hành vi bán trẻ em lại chính là các bậc cha mẹ của các em.
"Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối. Khi tính mạng của con người bị coi thường; khi nhân phẩm của con người bị chà đạp, khi con người bị một số đối tượng hám lợi trước mắt bất chấp quy định và đạo đức mua đi bán lại như một món hàng thì hệ lụy khủng khiếp, không chỉ nằm ở chỗ gây thiệt hại về kinh tế, về tính mạng con người mà còn là những tác động vô cùng xấu tới đạo đức và tâm lý xã hội", bà Nga nói.
Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quan tâm đẩy mạnh những giải pháp toàn diện nâng cao hiệu lực, hiệu quả của những quy định về bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em và bạo hành trẻ em càng ngày càng trở nên nhức nhối.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho biết, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động.
Đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân.
Từ thực tế trên, đại biểu Xuân kiến nghị xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Đặc biệt, cần tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc bảo vệ các em.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn)
Băn khoăn gia tăng các vụ giết người do mâu thuẫn tình ái
Cũng quan tâm đến tình hình tội phạm, dẫn chứng hàng loạt vụ án nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, con giết bố, chồng giết vợ, anh giết em, gần đây nhất là vụ việc 3 cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) băn khoăn là do những giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam không còn được coi trọng, hay là do các quy định của pháp luật còn chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Thái cho biết, tội phạm giết người thời gian qua đã tăng 13,17%, đặc biệt xảy ra một số vụ giết người mà nạn nhân là người thân tăng 4,83%.
Theo bà Thái, các cơ quan cần đánh giá hình phạt với tội giết người đã đủ sức răn đe hay chưa. Nhiều vụ giết người xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày, nhất là có người lạm dụng rượu bia gây mất kiểm soát, gây ra các vụ án thương tâm. Những người này phải được đưa vào diện thường xuyên theo dõi.
"Lực lượng công an xã cần kịp thời hòa giải các tranh chấp ngay từ đầu. Cơ quan chức năng cần lựa chọn một số vụ án giết người điểm để xét xử lưu động, nhằm giáo dục, cảnh tỉnh", bà Thái đề xuất.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ bất an khi có loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình... Ông kiến nghị đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội.
Trong khi đó, đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) lại lo ngại trước tình trạng đối tượng phạm tội là người bị tâm thần chiếm tỷ lệ tương đối cao. Loại tội phạm này chủ yếu xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe như tội cố ý gây thương tích và tội giết người. Tuy nhiên sau khi khởi tố vụ án để điều tra, thường phải đình chỉ vì lý do không cấu thành tội phạm.
"Nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm này gia tăng chủ yếu là do người tâm thần bị gia đình ruồng bỏ, xã hội không quan tâm, đặc biệt là sự quản lý không chặt chẽ của cấp chính quyền địa phương", ông Huấn nói và đề nghị Chính phủ ban hành quy định về cơ chế quản lý đối với người tâm thần, các cơ quan kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu phát bệnh và tham mưu cho chính quyền địa phương ra quyết định bắt buộc chữa bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận