Hạ tầng

Hệ thống ITS trên cao tốc Bắc - Nam được đầu tư thế nào?

08/07/2021, 06:21

Với chiều dài hơn 100km, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư hệ thống ITS, giúp kiểm soát mọi hoạt động dọc tuyến và kịp thời xử lý...

img

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tuy đã được đầu tư hệ thống ITS nhưng nhiều công việc vẫn phải làm thủ công

11 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai sẽ được đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) ứng dụng trí tuệ nhân tạo đồng bộ, khắc phục những hạn chế của hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc đang khai thác hiện nay...

ITS hiện nay mới chỉ “thông minh một nửa”

Với chiều dài hơn 100km, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư hệ thống ITS, giúp kiểm soát mọi hoạt động dọc tuyến và kịp thời xử lý các tình huống giao thông.

Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (VIDIFI) cho hay, ngay từ khi lập dự án, chủ đầu tư đã thuê tư vấn thiết kế để triển khai, ứng dụng hệ thống ITS gồm nhiều thành phần như: Quản lý giao thông, camera quan sát, camera dò xe, biển báo thông tin thay đổi, giám sát tải trọng xe, thu phí.

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, hệ thống này dù mang lại nhiều hiệu quả nhưng vẫn cần nhân sự theo dõi, phát hiện sự cố. “VIDIFI đang nghiên cứu nâng cấp thêm phần mềm, áp dụng trí tuệ nhân tạo tự động báo sự cố như các xe đi lùi, đi ngược chiều, TNGT trên cao tốc”, ông Tú nói.

Nhìn nhận về hiện trạng hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc hiện nay, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Công nghệ Trí Nam cho hay, những hệ thống này mới chỉ “thông minh một nửa”.

Chẳng hạn, vẫn cần có nhân lực theo dõi hình ảnh camera gửi về qua hệ thống màn hình. Khi phát hiện sự cố, phải nhập thủ công để thông báo lên màn hình VMS cảnh báo đến chủ phương tiện. Vì vậy, tính kịp thời không đảm bảo.

Nguyên nhân được ông Dân chỉ ra là do các phân hệ ITS của các tuyến cao tốc đang hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết. Đơn cử, mỗi phân hệ VMS, VDS, CCTV, phân hệ thời tiết, sử dụng phần mềm khác nhau để điều khiển, hiển thị thông tin. Chính vì các phân hệ hoạt động độc lập nên hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc chưa giao tiếp được về dữ liệu.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, hiện mới chỉ có 6 trong tổng số 21 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS là: Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.

Theo ông Toàn, hệ thống ITS đã được lắp trên các tuyến cao tốc chỉ có một số phân hệ cơ bản nhất của hệ thống giao thông thông minh như: Hệ thống truyền dẫn, hệ thống camera quan sát, hệ thống dò đếm xe, hệ thống biển báo điện tử, hệ thống thu phí, hệ thống liên lạc nội bộ.

“Các tuyến đều có trung tâm điều hành ITS, làm nhiệm vụ giám sát tình trạng giao thông, tình trạng hoạt động của các thiết bị trên tuyến, cảnh báo khi có sự cố giao thông, đồng thời tương tác, điều khiển các thiết bị trên tuyến để xử lý sự cố. Tuy nhiên, các phân hệ ITS lại hoạt động độc lập, sử dụng các phần mềm riêng để thực hiện giám sát thủ công, không có sự giao tiếp, chia sẻ thông tin, cơ chế vận hành, tương tác tự động. Hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc hiện nay chưa đồng bộ, chưa được kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tuyến với nhau và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Toàn cho biết.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để ITS thông minh đúng nghĩa

Tới đây, tất cả 11 dự án trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều sẽ được đầu tư hệ thống ITS. Câu hỏi đặt ra, việc đầu tư đồng bộ hệ thống ITS trên cao tốc Bắc - Nam có đảm bảo tính kết nối, phục vụ hiệu quả quản lý trên từng đoạn tuyến và trên toàn tuyến, có khắc phục được những bất cập của các tuyến cao tốc trước đây?

Đề cập vấn đề này, ông Tô Nam Toàn cho hay, Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng trình Bộ GTVT đề án quản lý, vận hành hệ thống ITS. Theo đó, mô hình ITS trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được triển khai một cách đồng bộ, ứng dụng những công nghệ mới, phù hợp với tình hình Việt Nam.

Hệ thống ITS sẽ được triển khai theo mô hình phân cấp theo quy mô và phạm vi chức năng quản lý, được kết nối, chia sẻ dữ liệu cũng như nhất quán trong nghiệp vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì.

Tổng cục Đường bộ VN sẽ lập Quy hoạch tổng thể hệ thống ITS quốc gia, trình Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình quản lý, vận hành khai thác, bảo trì hệ thống ITS và triển khai xây dựng Trung tâm Quản lý ITS Quốc gia. Đến giai đoạn 2025-2030 sẽ kết nối các trung tâm ITS đoạn tuyến về Trung tâm Quản lý ITS Quốc gia và vận hành Trung tâm Quản lý ITS Quốc gia trên phạm vi toàn quốc.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN)


Đồng thời, ITS sẽ sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông.

“Khắc phục các bất cập hiện nay, hệ thống ITS của cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ được bổ sung thêm các tính năng của trí tuệ nhân tạo (AI). Phần mềm tự động xử lý đếm xe, phân tích mật độ giao thông, dự báo đông xe, tắc đường, cập nhật các vấn đề thời tiết, phục vụ tối ưu hoá giám sát và xử lý các sự cố giao thông, tự động đưa ra những cảnh báo cho người ra quyết định đưa ra phương án điều tiết và giải tỏa thích hợp. Hệ thống ITS cũng sẽ cung cấp thông tin giao thông, các tiện ích trên đường trực tuyến cho người dân thông qua màn hình trên tuyến và ứng dụng di động, tìm đường giúp người tham gia giao thông có lựa chọn hợp lý khi đi lại”, ông Toàn cho hay.

Theo ông Đỗ Bá Dân, mấu chốt của ITS là các phân hệ phải liên thông được với nhau hay nói cách khác là các thiết bị trên một hệ thống phải được quản lý bằng một phần mềm.

Ví dụ, khi camera phát hiện một xe có chiều cao vượt chiều cao cho phép đi qua hầm hay vật thể rơi, thông qua phần mềm quản lý chung, thông tin sẽ được hiển thị trên biển báo VMS cảnh báo cho chủ phương tiện và người tham gia giao thông.

Hệ thống ITS cao tốc Bắc - Nam sẽ khắc phục được các bất cập trên các tuyến cao tốc hiện nay nếu có sự liên thông giữa các phân hệ trong cùng một tuyến và kết nối được liên tuyến.

Có nghĩa, các tuyến phải “giao tiếp” được với nhau về thông tin một cách tức thời. Thông tin giao thông trên các tuyến sẽ được truyền về trung tâm quốc gia, dữ liệu được liên thông. Khi xảy ra sự cố giao thông trên tuyến nào đó, các tuyến trong khu vực đều được cảnh báo để gửi đến chủ phương tiện.

“Trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán chính xác tình hình giao thông tại các tuyến đường, đoán trước hiện tượng ách tắc trên bất kỳ con đường nào. Khi hệ thống ITS tổng thể liên kết được với nhau, sự cố trên tuyến lập tức sẽ được gửi đến cho người ra quyết định một cách tức thời. Chỉ cần người ra quyết định nhấn nút hệ thống sẽ tự ra các quy trình để xử lý sự cố. Lúc này, người ra quyết định ngồi một chỗ có thể điều hành được hệ thống cao tốc cả nước”, ông Dân nói.

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng đường bộ cao tốc Việt Nam có 21 tuyến với tổng chiều dài hơn 6.400km. Đến nay, cả nước có hơn 1.160km. Dự kiến, đến năm 2023 sẽ hoàn thành hơn 900km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên hơn 2.000km.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.