Tài chính

Hệ thống ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất

12/05/2023, 19:46

Vietcombank, VPBank và TPBank là những ngân hàng mới nhất tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất huy động từ hôm nay (12/5).

Ồ ạt giảm lãi suất

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng với khách hàng cá nhân, trong đó giảm ở nhiều kỳ hạn.

img

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại Vietcombank giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm

Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 3 tháng của ngân hàng này giảm từ 5,4% xuống còn 5,1%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống 7,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng vẫn 5,5%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng vẫn 6,5%/năm.

Cùng với Vietcombank, VPBank và TPBank cũng thông báo giảm lãi suất huy động.

Biểu lãi suất niêm yết mới nhất áp dụng từ ngày 12/5 của VPBank cho các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,2%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng giảm còn 7,2%/năm.

TPBank cũng giảm đến 0,2% lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được nhà băng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền trực tuyến kỳ hạn 12 tháng.

img

TPBank giảm 0,2% lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên

Trước đó, một loạt nhà băng khác cũng đã giảm lãi suất huy động như Agribank, HDBank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank…

Agribank giảm đồng loạt 0,2-0,3% ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tại quầy kỳ hạn trên 12 tháng còn 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 4,9% và 3-5 tháng còn 5,1%/năm.

Trước đó, ngày 9/5, HDBank giảm 0,3% lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 8,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng dưới hình thức gửi tiết kiệm online.

Với các kỳ hạn 1-5 tháng, HDBank hiện đưa ra mức lãi suất kịch trần Ngân hàng Nhà nước cho phép là 5,5%/năm, áp dụng với cả kênh quầy và trực tuyến; tại kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất gửi tại quầy cố định 6,8%/năm và gửi trực tuyến là 6,9-8,3%/năm; ở kỳ hạn dài 18 tháng trở lên, các mức lãi suất với kênh quầy và trực tuyến lần lượt là 6,8-7%/năm và 6,9-7,1%/năm.

OCB giảm tới 1,2% lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6 tháng trở lên; CBBank giảm lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng, từ 9,7%/năm xuống 9,05%/năm; ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động của nhà băng này giảm từ 9,8%/năm xuống 9,15%/năm.

KienlongBank giảm 0,4% lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn. Với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất huy động hiện ở mức 7%/năm với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn dài hơn, lãi suất xoay quanh mức 7,6-7,75%/năm.

NHNN cân nhắc giảm lãi suất điều hành

Ngày 11/5, phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN không có chủ trương thắt chặt tín dụng đồng thời sẽ tiếp tục nỗ lực trong điều hành lãi suất.

img

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ nỗ lực trong điều hành lãi suất

Bốn tháng đầu năm nay, thanh khoản tại các hệ thống tín dụng đã được cải thiện, tỷ giá tương đối ổn định, NHNN đã có 2 lần giảm lãi suất điều hành. NHNN rất muốn giảm lãi suất điều hành, nhưng giảm đến mức nào và giảm như thế nào để phù hợp với kinh tế vĩ mô là điều quan trọng.

“Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất chậm lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, tỉ giá ổn định, NHNN sẽ cân nhắc, đánh giá các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành. NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới", Thống đốc NHNN nói.

Bà Hồng cũng lưu ý, cùng là một doanh nghiệp, nhưng vay ở ngân hàng có tình hình tài chính tốt thì được giảm lãi suất nhiều còn vay ở ngân hàng có tình hình tài chính không được tốt lắm thì lãi suất cho vay giảm không đáng kể, thậm chí có những doanh nghiệp không được giảm lãi suất.

Lý do là ngân hàng có tình hình tài chính không tốt lắm mà giảm mạnh lãi suất thì họ sẽ rơi vào tình trạng suy yếu về tài chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.