Xã hội

Hiện thực hóa “thành phố hai bên sông Hồng”

08/04/2022, 05:00

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được phê duyệt liên quan tới sinh kế của rất nhiều người Hà Nội.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đánh giá, đây là bước khởi đầu để hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên sông Hồng”.

Quy hoạch đột phá

Ý tưởng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng gắn với những khu đô thị văn minh, hiện đại từng được đặt ra từ cách đây hàng chục năm. Vì sao việc này lại khó khăn đến vậy, thưa ông?

Gần 30 năm trước, Hà Nội đã định hướng cải tạo diện mạo hai bên bờ sông. Hàng loạt bản quy hoạch đã được triển khai với mục đích xây dựng giao thông kết nối hai bờ sông, trị thủy nhưng tất cả đều lỡ dở.

img

Năm 1994, Dự án Trấn Sông Hồng được đề xuất xây dựng bởi nhà đầu tư Singapore, tại vị trí ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm: Nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí. Hà Nội cũng đã lập Ban Quản lý dự án.

Do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án không thể triển khai.

Đến năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án chia theo 4 khu vực với tổng diện tích 1.500ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 - 2020. Sau nhiều lần lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án dừng triển khai.

Cùng đó, cũng đã có một số doanh nghiệp trong nước tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng song cũng không khả thi.

Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của đồ án quy hoạch vừa được phê duyệt và công bố, với diện tích lên tới 11.000ha và trải dài 40km?

Đây thực sự là một bản quy hoạch mang tính đột phá.

Quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng.

Nội dung này có ý nghĩa hết sức thiết thực để ổn định đời sống nhân dân khu vực ngoài đê, đáp ứng được mong mỏi nhiều năm nay.

Những bài toán cần giải quyết

Theo ông, điều quan trọng nhất sau khi quy hoạch được phê duyệt là gì?

Đó chính là việc triển khai quy hoạch vào thực tiễn.

Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng, hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí.

Theo đó, các sở ngành chức năng, 13 quận huyện cần kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể danh mục những khu dân cư tập trung hiện có; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Một việc quan trọng khác là kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch; chống lấn chiếm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch.

Để các ý tưởng trong quy hoạch phân khu sông Hồng trở thành hiện thực, thành phố cần giải quyết những bài toán nào?

Thứ nhất là phải xác định nguồn lực. Từ những mục tiêu lớn trong đồ án, thành phố cần xây dựng các dự án chi tiết hơn, phân tích rõ những nguồn lực để thực hiện, sau đó phân loại để có thứ tự ưu tiên.

Theo tôi, vấn đề đầu tiên chúng ta phải làm là ổn định dòng chảy trước. Rất nhiều nghiên cứu của nước ngoài cũng nhận định như vậy.

Thứ hai là vấn đề hạ tầng kỹ thuật, tiếp đến là vấn đề kêu gọi đầu tư. Các khu vực cần được phân định rõ ràng, chẳng hạn như đầu tư chỉnh trang lại hệ thống đê điều, xây dựng khu công viên, khu thể thao, khu nghỉ dưỡng, khu văn hóa lịch sử hay các dự án giao thông, nâng cấp khu dân cư.

Rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các kế hoạch này, cơ bản là phải có những quy định cụ thể, rõ ràng.

Tham khảo Seoul hay Paris?

img

Theo thống kê, hiện có khoảng 243.670 người (khoảng 66.195 hộ) đang sinh sống hai bên sông Hồng, nằm trong phạm vị nghiên cứu đồ án. Ảnh: Tạ Hải

Trên thế giới đã có nhiều thành phố được xây dựng hai bên sông, theo ông Hà Nội nên tham khảo kinh nghiệm từ những thành phố nào?

Từ Paris của Pháp, London của Anh, New York của Mỹ hay Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, những thành phố được xây dựng ven sông đều cho thấy bài học kinh nghiệm về công tác quy hoạch không gian, đảm bảo sự thuận tiện về thủy lợi, nét hài hòa trong kiến trúc, cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

Hà Nội có thể tham khảo nhưng vấn đề đặt ra là phải tiếp thu có chọn lọc để tạo ra một bức tranh tổng thể về kiến trúc hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn mang bản sắc Việt Nam.

50 - 60 năm trước đây, người Hàn Quốc từng mơ “giấc mơ sông Hàn” và họ đã tạo được “kỳ tích sông Hàn”. Nếu Hà Nội quyết tâm làm và kêu gọi đầu tư, chắc chắn không thiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng hành. Từ đó một “kỳ tích” như sông Hàn sẽ hiện hữu tại Thủ đô Hà Nội.

Việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ tạo ra những lợi thế gì cho Hà Nội?

Với quy mô diện tích khoảng 11.000ha, kéo dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, ý tưởng đầu tiên của đồ án lần này là muốn tổ chức lại không chỉ không gian cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông một cách quy củ, rõ ràng, mà còn đảm bảo sinh kế cho hàng chục nghìn hộ dân ở đây.

Quỹ đất của hai bên sông Hồng gấp gần 2 lần của 4 quận nội thành. Với vị trí của trục trung tâm thì việc bố trí những công trình có tầm vóc quốc gia là hợp lý. Từ đây cũng tạo ra các điểm liên kết giữa Hà Nội cổ là Cổ Loa với Hồ Tây - trục không gian mới của Hà Nội, tạo động lực phát triển mới cho thành phố.

Đồ án quy hoạch này sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.

Kỳ vọng tạo đột phá giao thông thủy

Ông đánh giá thế nào về cách tiếp cận đối với vấn đề hạ tầng giao thông trong đồ án?

Trong quy hoạch lần này có đặt ra yêu cầu hạ tầng kỹ thuật nói chung, trong đó có đột phá quy hoạch về giao thông.

Điểm nổi trội ở đây là định hướng xây dựng mới hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng. Đây là nội dung mà 7 lần quy hoạch trước đây đã đặt ra nhưng còn vướng về thể chế.

Nhưng lần này thì hoàn toàn có thể giải quyết được. Chẳng hạn như hai trục bên sông Hồng có thể nâng chiều rộng mặt cắt ngang từ 40 - 60m, phục vụ cho 8 - 10 làn xe. Tuyến đê đi qua nội đô cũng được nâng lên 6 - 8 làn xe.

Bên cạnh đó, việc chỉnh trị đường dẫn giao thông thủy, bến cảng cũng sẽ giảm áp lực giao thông cho nội đô Hà Nội, tạo ra đột phá mới cho giao thông vận tải đường sông, phát triển dịch vụ du lịch. Quanh khu vực này có rất nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống hai bên sông.

Nhiều năm qua, các địa phương đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc người dân lấn chiếm, xuất hiện tình trạng xây dựng lộn xộn ven sông Hồng. Theo ông, vấn đề này cần được giải quyết thế nào?

Việc rà soát lại các khu dân cư, đặc biệt rà soát trong việc sử dụng đất là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất phức tạp. Rất nhiều khu vực bãi sông vừa qua đã được khai thác tạm thời sản xuất nông nghiệp, nhưng sắp tới chuyên thành các dự án thì cần phải có cơ chế phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Dù căn cứ vào các quy định chung, song cũng phải xem xét thực trạng của người dân đã ở đây như thế nào.

Có thể hình dung diện mạo Hà Nội ra sao quy hoạch được triển khai thành công, thưa ông?

Trong tổng số 11.000ha thuộc phạm vi nghiên cứu, ngoài diện tích dòng chảy, còn lại là quỹ đất 7.000ha.

Đây là cơ sở để tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian công cộng... một cách chủ động, không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư.

Đây cũng là cơ hội để Hà Nội tái thiết, chỉnh trang khu vực ngoài đê vốn phát triển rất lộn xộn, nhếch nhác, di dời các khu nhà ở hiện có xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ.

Đây cũng là điều kiện để hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử và cải tạo xây dựng lại hàng nghìn chung cư cũ đã xuống cấp tại 4 quận trung tâm Hà Nội.

Cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Viết Chức (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long):
Đột phá mang tính lịch sử

img

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một đột phá có tính lịch sử của Thủ đô. Trong đó, ý tưởng phát triển bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch rất đáng chú ý.

Bãi giữa sông Hồng như “viên ngọc” của Thủ đô, có hình hài như một con thuyền lớn, mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, lịch sử của mảnh đất “Rồng cuộn Hổ ngồi”, ngàn năm văn hiến. Rất tiếc là lâu nay mảnh đất này chưa được khai thác hết tiềm năng và giá trị.

Với quy hoạch này, tôi mong rằng, đừng ai nghĩ đến lợi ích trước mắt cho cá nhân hay một nhóm người, một công ty, doanh nghiệp, tổ chức nào đó. Cần tránh đánh đổi giá trị của khu vực này bằng kinh tế, đổi đất lấy công trình hay bán đất kiếm lợi nhuận. Và khi đã quyết tâm làm thì phải đầu tư trí tuệ, công sức sao cho xứng tầm.

P. Đô (Ghi)

Di dời dân cư ven sông theo lộ trình

Theo thống kê, hiện có khoảng 243.670 người (khoảng 66.195 hộ) đang sinh sống hai bên sông Hồng, nằm trong phạm vị nghiên cứu đồ án.

Liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch Thủ đô và quy hoạch đê điều thoát lũ, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị công bố Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng ngày 5/4, ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, hiện có điểm chưa thống nhất giữa Quy hoạch chung Thủ đô 1259/QĐ-TTg và Quy hoạch đê điều thoát lũ 257/QĐ-TTg.

“Chúng tôi đã làm việc với Bộ NN&PTNT, đề xuất các giải pháp và về cơ bản được Bộ đồng ý bằng văn bản. Giải pháp là lồng vào 2 quy hoạch thành phố đang triển khai là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cũng như điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô sắp tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Huy nói.

Về việc di dời dân cư ven sông Hồng, ông Huy cũng cho biết, Quy hoạch 257 xác định khu dân cư nào phải di dời thì đề án quy hoạch sẽ di dời để đảm bảo yếu tố an toàn.

Tuy nhiên, việc di dời sẽ có lộ trình, chính quyền địa phương sẽ thông báo cho người dân khu vực này nguy hiểm và trong tương lai sẽ phải di dời, tái định cư vào các khu lân cận khác đảm bảo an toàn.

Các khu được phép tồn tại sẽ bổ sung hạ tầng kỹ thuật để điều kiện sống người dân tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.