Chuyện dọc đường

Hiệu quả từ cổ phần hóa

17/01/2017, 07:05

Nếu như trước đây, vẫn còn những e ngại về hiệu quả của cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp (DN) giao thông...

2

Tổng công ty Thăng Long dự kiến trả cổ tức ở mức 12% (Trong ảnh: Tổng công ty Thăng Long thi công cầu Rạch Chiếc)

Nếu như trước đây, vẫn còn những e ngại về hiệu quả của cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp (DN) giao thông thì hai năm trở lại đây, bằng những kết quả kinh doanh tương đối khả quan, cổ đông của các DN này đã có thể vững tin với lối đi được xác định là tất yếu, không thể khác này.

Năm 2016 dù kinh tế đã phần nào được cải thiện song đây vẫn tiếp tục là một năm khó khăn với nhiều DN. Thực chất, nhiều DN lớn đã và tiếp tục phải đối mặt với thua lỗ. Có thể kể đến Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) với mức lợi nhuận dự kiến năm 2016 âm 806 tỷ đồng.

Gần đây nhất, CTCP Lilama 45.4 đã phải dời ngày chi trả cổ tức năm 2012 và 2013 bằng tiền mặt từ ngày 29/12/2016 qua ngày 29/12/2017 do khó khăn trong nghiệm thu, thanh quyết toán tại các công trình mà công ty đang thực hiện mất nhiều thời gian vì tiến độ dự án kéo dài, thu hồi vốn chậm. Ngoài ra, công ty cũng đang đối mặt với các khoản nợ tồn đọng, các khoản phải nộp ngân sách như thuế, bảo hiểm…

Trong bối cảnh làm ăn khó khăn, ngày càng nhiều DN báo lỗ, không chi trả cổ tức thì các DN giao thông đã thực sự “cất cánh” sau CPH.

Thực tiễn hoạt động của nhiều DN giao thông sau CPH thời gian qua cho thấy nhiều DN gần như “thay máu” với những kết quả kinh doanh đáng ngạc nhiên, dần khẳng định vai trò, vị thế, thương hiệu của mình, góp phần cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trong lúc nhiều DN khác còn rất khó khăn, các DN giao thông xây dựng cơ bản đều đạt mức tăng trưởng đáng nể với tỷ lệ chia cổ tức ở mức 2 con số. DN hàng không dẫn đầu là TCT cảng hàng không VN (ACV) đạt lãi khủng với hơn 4 nghìn tỷ đồng trong khi đó “ông lớn” Vietnam Airlines cũng lập kỷ lục với hơn 2.500 tỷ đồng tiền lãi.

Khó khăn dù vẫn còn ở lại với các DN cổ phần đường sắt song cơ hội phát triển không phải không có khi CPH đã trở thành giải pháp quan trọng, chủ yếu để cơ cấu lại, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. CPH giúp thay đổi bản chất của công tác quản lý, chuyển từ DNNN thành công ty cổ phần. Sau CPH, hoạt động của  DN chịu sự giám sát hết sức chặt chẽ của các cổ đông vì họ có tiền và quyền lợi gắn với DN, họ sẽ thực hiện giám sát. DN vì thế mà hoạt động hiệu quả hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.