Chuyện dọc đường

Hình dung được không: Dầu ăn sẽ thay thế xăng!

24/04/2024, 19:00

Vâng, chính xác! Cuối 2023, hãng hàng không Virgin Atlantic (Anh) đã thực hiện thành công chuyến bay từ Luân Đôn đến Amsterdam (Hà Lan), bằng nhiên liệu hỗn hợp 20% dầu dừa và dầu babassu trộn với 80% nhiên liệu thông thường.

Đây là cuộc cách mạng trong ngành hàng không hướng đến loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch vào năm 2050 (Net Zero), theo mục tiêu của Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA).

Hình dung được không: Dầu ăn sẽ thay thế xăng!- Ảnh 1.

Máy bay của hãng hàng không Singapore Airlines đang tiếp nhiên liệu SAF. Ảnh: ExxonMobil

Hỗn hợp nhiên liệu hướng tới loại bỏ nhiên liệu hoá thạch được gọi là SAF (Sustainable Aviation Fuel): nhiên liệu hàng không bền vững. SAF được hiểu là nhóm các loại nhiên liệu hàng không thay thế xăng dầu có nguồn gốc hoá thạch.

Sau Virgin Atlantic, thì Air France (Pháp) là hãng hàng không đặt kế hoạch trong năm 2024 sẽ dùng 50% SAF. Cận kề chúng ta, Singapore đã là quốc gia ứng dụng SAF từ năm 2017, ở mức thử nghiệm.

Những thông tin trên được công bố tại Hội thảo khoa học "Nhiên liệu hàng không bền vững & Giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không" ngày 22/4 tại TP.HCM, do Công ty CP Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapetco) cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI) tổ chức, có sự đồng hành của Báo Giao thông. Các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về ngành hàng không đã cùng dự.

SAF là gì? Đó là loại nhiên liệu được sản xuất có thể từ dầu ăn đã sử dụng, rác thải đô thị, mạt cưa gỗ, cỏ voi hoặc các phụ phẩm nông nghiệp… Những sinh khối này giúp giảm phát thải carbon tới 80% so với nhiêu liệu thông thường. 

Giảm phát thải carbon là xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững mà nhân loại tiến bộ đang hướng đến, để bảo vệ hành tinh xanh cho các thế hệ con cháu.

Hình dung được không: Dầu ăn sẽ thay thế xăng!- Ảnh 2.

Các chuyên gia hàng không tại Hội thảo khoa học "Nhiên liệu hàng không bền vững & Giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không" ngày 22/4 tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng

Trên thế giới, nhiều nước đã bắt đầu có chính sách đưa SAF vào hoạt động hàng không, vận tải nói chung (Mỹ, Canada…). Nhiều quốc gia có chiến lược và chi tiền hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng như thiết kế động cơ máy móc phù hợp với SAF, coi sử dụng SAF là xu hướng bắt buộc trong tương lai.

Ở Việt Nam, ông Nguyễn Phước Thắng (Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường, Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, chúng ta cũng đã có lộ trình cho việc ứng dụng SAF, bao gồm sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ… mà tiên phong là Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/07/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT.

Trong đó nêu rõ: "Từ 2027 nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần trong nhiên liệu hàng không".

Tuần tự theo đó, "từng bước dùng nhiên liệu SAF thay thế cho những chuyến bay ngắn với tỉ lệ thích hợp; cho 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay".

Mục tiêu là đến năm 2050, chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm lượng phát thải carbon về 0 mà Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) đang hướng tới.

Việt Nam có gặp trở ngại gì trong quá trình ứng dụng SAF không như: giá thành, tính an toàn, khả năng sản xuất, vận chuyển và thói quen của người tiêu dùng?... Câu trả lời là có!

Theo ông Trần Trọng Khôi Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Công ty CP Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapeco), về nguyên liệu sản xuất, đó là việc đầu tư trồng các sinh khối ra sao (như cỏ voi) thế nào; nguyên liệu đầu vào khác như dầu ăn đã sử dụng, sinh khối gỗ… cũng được sử dụng cho các ngành công nghiệp khác (nên chắc chắn sẽ thiếu). Bên cạnh đó công nghệ pha chế cũng khá phức tạp.

Ngoài ra, giá thành SAF còn cao. Ông Maxim Breugelmans, giám đốc điều hành hãng nhiên liệu Betterfuels toàn cầu xác nhận: máy bay dùng 100% SAF thì hành khách phải trả thêm 50% giá vé. Vì vậy, cần tăng dần tỉ lệ máy bay sử dụng nhiên liệu SAF để giảm giá thành.

Ông Kevin Lee, Phó chủ tịch IATA đề xuất: chính phủ các quốc gia và các hãng cần nỗ lực nâng cao nhận thức cho hành khách để họ thấu hiểu và chia sẻ về ý nghĩa của SAF. "Đây là phương pháp mà Singapore đã thực hiện trước khi bắt buộc về tỉ lệ SAF", ông cho biết.

Khó, nhưng thế giới đang chuyển động, Việt Nam không thể không vào cuộc. Không vào cuộc, thì sẽ đứng ngoài cuộc. Mà thế giới ngày nay, không ai có thể đứng ngoài cuộc, nếu không muốn "chơi một mình".

Trong cuộc đua về hướng văn minh SAF toàn cầu, Bộ GTVT đang là đơn vị tiên phong trong nước tham gia. SAF còn là khái niệm mới mẻ. Còn lạ lẫm. Còn gây hoài nghi…

Những người đi tiên phong luôn gặp phải điều đó. Nhưng không đi thì sẽ tụt lại. Chỉ có đi thì mới tìm ra con đường. Và "con đường" luôn là sứ mạng của ngành Giao thông vận tải, trong lĩnh vực SAF còn là trách nhiệm với thế giới và tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.