Xã hội

Hồ hay rừng?

08/09/2023, 09:19

Nếu nhất quyết lo cho dân, chọn cái lợi cho dân thì sớm hay muộn người dân cũng ủng hộ.

Bình Thuận có kế hoạch chuyển 619ha rừng thành hồ chứa nước nhằm giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước cho vùng đất luôn khô cằn.

Dư luận lập tức lên tiếng, đương nhiên là trái chiều.

photo-1694100408426

Rừng đặc dụng tại Bình Thuận.

Không ít người thấy chặt hàng trăm ha rừng, đặc biệt là hơn 137ha rừng đặc dụng thì phản đối. Sao không chọn nơi khác, nhất nhất phải chặt rừng?

Người thì ủng hộ, rừng đương nhiên cần nhưng Bình Thuận cần hồ nước hơn. Hồ Ka Pét sức chứa hơn 51 triệu m3 sẽ giúp nhiều khu vực luôn khô cằn ở Hàm Thuận Nam và rộng hơn nữa có nước tưới tiêu.

Việc có tranh luận là dễ hiểu và cần thiết. Bởi qua đó sẽ rõ ràng, tường minh các thông tin về dự án.

Dù dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 như giờ đây khi triển khai vẫn cần truyền thông rõ ràng để dân hiểu.

Các chuyên gia cũng có thể tham góp ý kiến công khai.

Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm của Bí thư Bình Thuận Dương Văn An trả lời báo chí: "Giữ rừng cho dân, xây hồ giữ nước cũng là cho dân. Rừng có thể trồng lại được nhưng nước thì không tự làm ra được".

Bí thư An khẳng định "Mất rừng ai cũng tiếc nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước. Trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân, theo quy hoạch tỉnh sẽ xây thêm 12 hồ thủy lợi. Kế hoạch trồng rừng thay thế với diện tích gấp 3 diện tích phá bỏ cũng sẽ hoàn thành vào năm 2025".

Thiết nghĩ, nếu tỉnh đã công khai, minh bạch, người dân, chuyên gia được tham góp, phản biện thì không có gì đáng lo ngại. Bởi không có gì thập toàn thập mỹ, chúng ta chỉ cần cân nhắc chọn thứ tích cực nhiều hơn.

Nếu nhất quyết lo cho dân, chọn cái lợi cho dân thì sớm hay muộn người dân cũng ủng hộ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.