Vận tải

Hộ kinh doanh cá thể không được chạy xe liên tỉnh

29/03/2016, 06:57

Đây là một trong những quy định được đề xuất tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh...

1
Những hộ kinh doanh cá thể tới đây sẽ không được tham gia vận tải khách liên tỉnh - Ảnh: Khánh Linh

Chồng giám đốc kiêm lái xe, vợ kế toán kiêm quản lý ATGT

Cụ thể dự thảo quy định, hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch, hàng hóa chỉ được vận chuyển trong phạm vi địa phương nơi phương tiện được cấp phù hiệu. Theo Ban Soạn thảo, quy định này để hạn chế các hộ kinh doanh vận tải nhỏ lẻ, đồng thời hướng các hộ kinh doanh vận tải tham gia vào các hợp tác xã hoặc liên kết thành lập doanh nghiệp vận tải để hình thành bộ máy về điều hành đáp ứng yêu cầu quản lý.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, quy mô của “hộ kinh doanh cá thể” khống chế không quá 10 lao động. Vì thế, theo ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN), quy định giới hạn phạm vi hoạt động đối với các hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch, hàng hóa nhằm mục tiêu phân loại và phân vùng hoạt động. Việc này sẽ hạn chế những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, giảm được nạn xe dù, đặc biệt là tình trạng đơn vị chỉ có một, hai đầu xe hợp đồng nhưng chạy khắp đất nước, từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đây cũng là biện pháp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa xe hợp đồng và xe chạy tuyến cố định, đồng thời là hàng rào kỹ thuật để hạn chế phát triển hộ kinh doanh vận tải và hướng họ tham gia vào các HTX để hình thành bộ máy điều hành đáp ứng yêu cầu quản lý.

"Chỉ có tích tụ lại, doanh nghiệp vận tải mới đáp ứng được mục tiêu “Văn minh, hiện đại, an toàn”. Điều này cũng như đánh bắt hải sản, năng lực tàu yếu, chỉ nên chạy ven biển, còn tàu khỏe thì mới vươn khơi”.

Ông Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Hiệp hộiVận tải ô tô VN

“Hiện các đơn vị vận tải bất kể quy mô thế nào đều được hoạt động như nhau. Hộ kinh doanh cá thể hợp đồng nhỏ lẻ, không có tiềm lực, bộ máy quản lý, bộ phận theo dõi ATGT. Nhiều trường hợp chỉ có một xe cũng chạy quốc tế như đơn vị có nhiều xe, có bộ phận quản lý ATGT đầy đủ. Xe hợp đồng điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép rất đơn giản, không có bộ phận điều hành vận tải, không có bộ phận theo dõi quản lý ATGT, là rất bất hợp lý”, ông Bình nói.

Là đơn vị thuộc diện bị tác động của quy định trên, ông Phạm Đức Hùng, Giám đốc Doanh nghiệp vận tải Hà Hùng cho biết: “Doanh nghiệp vừa thành lập, chỉ có 3 đầu xe hoạt động nhưng đầu tư đến gần chục tỷ đồng. Quy định này là rất khắt khe. Nếu chúng tôi muốn liên kết lại để thành lập doanh nghiệp lớn thì cần có sự đồng thuận giữa các doanh nghiệp nhỏ và mất thời gian khá lâu, không phải ngày một ngày hai là được”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN lại cho rằng, quy mô doanh nghiệp vận tải hiện đang rất manh mún, không có sức cạnh tranh. “Không đâu như ở ta. Một gia đình có một xe cũng lập công ty vận tải. Chồng là giám đốc, kiêm lái xe, vợ là kế toán kiêm cán bộ quản lý ATGT. Đó là nguyên nhân khiến xe khách thiếu an toàn, khó quản lý như hiện nay. Xe dù, bến cóc cũng từ đây mà ra. Bà con nông dân được đền bù ít tiền đất, mua ô tô, cho con đi học lấy bằng, thế là cầm vô lăng chạy”, ông Thanh gay gắt.

2
Việc quy định cụ thể phạm vi hoạt động của hộ kinh doanh vận tải, kể cả vận tải theo tuyến cố định và xe hợp đồng để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp vận tải - Ảnh: Dương Linh

Hướng doanh nghiệp liên kết làm ăn

Trái ngược với các nhà xe nhỏ, các doanh nghiệp có quy mô lớn lại rất đồng tình với quy định trên. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định này sẽ “loại” những nhà xe hoạt động nhỏ lẻ, hoạt động vận tải sẽ đi vào nền nếp hơn. Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên cho rằng, quy định hộ kinh doanh cá thể không được chạy xe liên tỉnh là cần thiết để đảm bảo cho hoạt động vận tải ổn định, an toàn hơn. “Trong kinh doanh vận tải, tính an toàn và hiệu quả luôn đặt lên hàng đầu. Quy định này còn ngăn chặn được tình trạng tranh giành khách giữa các nhà xe, hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc”, ông Xuyên nêu quan điểm.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự thảo vẫn giữ nguyên quy mô đối với hộ kinh doanh du lịch, hợp đồng như Nghị định 86. Tuy nhiên, có đưa vào giải pháp mạnh là hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương mình đăng ký kinh doanh. Quy định về phạm vi hoạt động là rào cản để các đơn vị kinh doanh phải tích tụ vào doanh nghiệp hoặc HTX để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý. “Quy định phạm vi hoạt động sẽ hạn chế doanh nghiệp chỉ có một vài xe chạy tuyến đường dài”, bà Hiền chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, dù Nghị định 86 cũng quy định số lượng xe tối thiểu mới được cấp phép kinh doanh, nhưng hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất phân tán, phát triển theo chiều rộng, quản lý lỏng lẻo, chất lượng dịch vụ thấp, hiệu quả kinh doanh kém, quản lý nội bộ doanh nghiệp đơn giản.

“Để nâng cao hiệu quả nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cần quy định phạm vi hoạt động của hộ kinh doanh cá thể. Nếu hộ kinh doanh cá thể muốn hoạt động ngoài địa phương phải vào HTX”, ông Huyện khẳng định.

Cũng theo ông Huyện, không thể kéo dài tình trạng mỗi nhà một chiếc xe kinh doanh mãi được. Hộ cá thể chạy liên tỉnh không có ai giám sát, không có người theo dõi tốc độ, không có ai nhắc nhở lái xe. Quy định này không phải cấm xe chạy liên tỉnh, nhưng nếu muốn chạy phải đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải, phải có bộ phận theo dõi ATGT, phải giám sát được tốc độ, giám sát được luồng tuyến. “Việc quy định cụ thể phạm vi hoạt động của hộ kinh doanh vận tải, kể cả vận tải theo tuyến cố định và xe hợp đồng còn để tích tụ vận tải, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải trước xu thế hội nhập quốc tế”, ông Huyện nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.