Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế và khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong hai năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Vậy, đề xuất này có đủ hấp dẫn?
Lo phải "mua" thêm nhiều thủ tục
Là một hộ kinh doanh 20 năm trong ngành xi măng sắt thép, anh Nguyễn Văn Luyện (Yên Thành, Nghệ An) đã rất nhiều lần tìm hỏi thủ tục để chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp nhằm thuận lợi trong việc xuất hóa đơn đỏ cho những đối tác lớn. Tuy nhiên, ngay cả với ưu đãi mới này, anh Luyện cũng từ chối "lên" doanh nghiệp.
Lý do được anh Luyện giải thích là sau khi tìm hiểu thấy có quá nhiều thủ tục phải thực hiện nếu là doanh nghiệp. Đơn cử như phải thực hiện chế độ kế toán, phải đóng bảo hiểm cho người lao động…
"Chúng tôi phải thuê thêm lao động làm văn phòng, tức là cũng phải lập các phòng ban, lo sổ sách, lo phục vụ thanh tra, kiểm tra. Doanh thu, lợi nhuận có thêm được đồng nào không thì chưa thấy, nhưng thấy ngay là phải "mua" thêm cả loạt thủ tục, tốn thời gian, chi phí", anh Luyện lo lắng.
Trong khi đó, hiện nay, hộ kinh doanh của anh Luyện chỉ phải đóng thuế khoán đơn giản, mỗi năm 300 nghìn đồng thuế môn bài và 200 nghìn đồng/tháng cho loại thuế khoán kinh doanh.
"Trước đây cán bộ thuế ở huyện sẽ đến thu theo tháng, nhưng nay nhân viên bưu điện sẽ đến thu", anh Luyện nói và cho biết, không có bất kỳ quy định nào phải thực hiện như khi là doanh nghiệp.
Anh Luyện chỉ là một trong số rất nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh cá thể sang thành doanh nghiệp.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng thể hiện, hộ kinh doanh không phải thực hiện quyết toán thuế năm, không lo thanh kiểm tra thuế những năm sau đó như doanh nghiệp. Đối tượng này cũng không ký hợp đồng với lao động nên không đóng bảo hiểm xã hội… Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp của Việt Nam khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
Cần có giải pháp quản lý doanh thu
Cho rằng chúng ta đang đi giải quyết phần ngọn mà không triệt để phần gốc, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) không kỳ vọng đề xuất trên sẽ tạo cú huých để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
"Hết 2 năm hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp chắc chắn sẽ quay lại hộ kinh doanh nếu không thay đổi phần gốc", bà Thảo nhận định.
Phần gốc được bà Thảo nhắc ở đây chính là giải pháp quản lý doanh thu của hộ kinh doanh. Từ đó mới đưa ra mức thuế khoán đúng, đủ.
"Có như vậy, hộ kinh doanh mới có động lực để so sánh với cái lợi khi lên doanh nghiệp", bà Thảo nói và đặt vấn đề: Thời gian qua, việc quản lý doanh thu ở các hộ kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng hiện nay chúng ta đã có công cụ rất hữu hiệu thông qua máy tính tiền. Hàng chục nghìn cây xăng còn làm được, vì sao không áp dụng cho hộ kinh doanh.
Hiện Việt Nam có hơn 800 nghìn doanh nghiệp, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 đã thất bại. Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp… Vì thế, bà Thảo cho rằng, mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đột phá, quyết liệt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hội DN TP.HCM cũng cho rằng, cần có giải pháp triệt để hơn.
Ông Nghĩa cho rằng, có những hộ kinh doanh có doanh thu trên chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng… Do đó, cần phân loại và đánh giá tác động của chính sách để có giải pháp cụ thể.
Ông Nghĩa cũng kiến nghị, nâng số năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 4 năm thay vì 2 năm, 9 năm tiếp theo cũng nên giảm thuế. Điều này tương đương với chính sách ưu đãi đối với những dự án đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận