Showbiz

Hoa hậu Ngọc Châu: Có những lúc kiệt sức, tưởng ngất xỉu khi đi tình nguyện

31/07/2021, 09:30

Trong 1 tháng miệt mài làm tình nguyện viên, hoa hậu Ngọc Châu có lúc đuối sức, tưởng chừng ngất xỉu nhưng cô vẫn cố gắng bám trụ.

Hơn 1 tháng qua, hoa hậu Ngọc Châu tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM. Dù vất vả và nhiều khó khăn, có lúc đuối sức, cô vẫn kiên trì cùng mọi người.

img

Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2018 Ngọc Châu

Tin quy trình làm việc đủ an toàn

Dường như, chị đã có nhiều trải nghiệm khi tham gia đội thiện nguyện hỗ trợ chống dịch trong thời gian qua?

Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là đi để hỗ trợ bớt gánh nặng cho tuyến đầu chống dịch. Tham gia rồi, đúng là mới thấy bao chuyện dở khóc dở cười. Thực ra, chúng tôi có rất nhiều công việc chứ không bó buộc trong một công việc cụ thể.

Chúng tôi hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ điều phối người dân để lấy mẫu xét nghiệm ở các khu cách ly, hỗ trợ những bếp ăn thiện nguyện để cung cấp đồ ăn cho khu cách ly hoặc bệnh viện dã chiến. Chúng tôi cũng có thể đi siêu thị giúp người dân mua một số đồ thiết yếu khi đang bị phong tỏa và họ không ra ngoài được.

Tôi thích việc điều phối, lấy mẫu, bởi tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với người dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ trong quá trình cách ly, hoặc nhận thức của họ về dịch bệnh Covid-19. Công việc này khá đơn giản, chỉ là để mọi người giữ khoảng cách an toàn. Họ cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin.

Tôi nhớ một tình huống trong khu cách ly có hai trường hợp dương tính Covid-19. Có một trường hợp chỉ cho địa chỉ và số điện thoại nhưng chúng tôi không thể nào liên lạc được.

img

Ngọc Châu tham gia tình nguyện vì muốn bớt gánh nặng cho tuyến đầu chống dịch

Tôi buồn vì nhiều người chưa nhận thức rõ ràng về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và đưa thông tin không đúng. Nếu không tìm được, không chỉ là ca bệnh đó mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Dịch bệnh lây lan còn khiến đội ngũ y tế mệt mỏi. Chúng tôi đã rất lo, cố gắng cùng địa phương để tìm ra người đó.

Ngoài ra, cũng có nhiều điều hay ho. Chúng tôi được tập huấn và được hướng dẫn những công việc như đọc bản mẫu, test nhanh. Chuyên môn của chúng tôi được nâng cao hơn, kiến thức về dịch bệnh cũng được nâng lên nhiều so với cái hồi mà em chưa đi chống dịch. Tôi cũng biết được nhiều lưu ý để bảo vệ bản thân.

Chị có thể chia sẻ, những lưu ý đó như thế nào?

Nếu không may bị dương tính, điều đầu tiên là phải bình tĩnh. Cần theo dõi rõ ràng tình trạng sức khỏe của bản thân vì Covid-19 sẽ phát triển tùy thể trạng, sức đề kháng của mỗi người chứ không phải là ai cũng giống ai.

Do đó, bản thân cũng cần chăm sóc sức khỏe của mình thật tốt, từ sức khỏe cho đến tinh thần. Trường hợp nhiễm bệnh, cần bình tĩnh ở nhà điều trị nghe theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

img

Ngọc Châu làm nhiều công việc từ điều phối lấy mẫu, nhập liệu thông tin người dân...

img

Ngọc Châu cảm phục, nể các bác sĩ, nhân viên y tế nhiều hơn khi làm tình nguyện viên

Khi đăng ký tham gia tình nguyện, chị có phải suy nghĩ nhiều?

Thực ra lúc đầu, tôi có biết đến đội tình nguyện này thông qua MC Quỳnh Hoa. Ban đầu, tôi còn do dự vì sống chung với một người bạn. Tôi lo nếu mình nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng tới những người xung quanh. Tôi cũng phải vượt qua tâm lý khi có chút lo ngại nếu nhiễm bệnh, bệnh tình tiến triển nhanh.

Tuy nhiên, khi chấp nhận đăng ký, nghĩa là chúng tôi cũng chấp nhận vượt qua nỗi sợ chết (Cười), Đội tình nguyện đến nay đã có khoảng 100 người tham gia. Khi làm việc, chúng tôi phải tiếp xúc với nhiều F0 nên có những người tâm lý chưa vững, luôn lo lắng và hồi hộp. Cứ 3 ngày, chúng tôi được kiểm tra 1 lần. Tuy nhiên, chúng tôi tin những quy trình mình làm đủ độ an toàn để đảm bảo sức khỏe, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Có điều, người lo lắng cho tôi nhiều hơn là gia đình. Ban đầu, mẹ tôi có ý ngăn cản. Tôi phải nói chuyện với mẹ nhiều, phân tích vấn đề cho mẹ hiểu. Sau vài hôm, mẹ cũng bắt đầu hiểu và chấp nhận, ủng hộ tôi. Mỗi lần dịch bệnh bùng, mẹ đều gọi tôi về quê nhưng tôi nói lần này đi chống dịch cùng mọi người.

Có ngày, chúng tôi nhận nhiệm vụ từ 10 giờ sáng và kết thúc lúc 1h đêm. 9 giờ sáng hôm sau lại bắt đầu nhiệm vụ mới. Mấy ngày đầu, tôi từng thắc mắc không hiểu sao mọi người có nhiều sức khỏe để đi chống dịch suốt ngày. Nhưng đi tình nguyện tôi mới hiểu. Đó là nỗi sợ nếu mình không làm, sẽ không ai hỗ trợ các nhân viên y tế, tuyến đầu chống dịch.

Đứng trong cái hoàn cảnh đó, chứng kiến mọi thứ mới biết nhân lực đang bị thiếu hụt rất nhiều. Chúng tôi có suy nghĩ rằng, nếu mình nghỉ làm, người khác sẽ phải gánh công việc của mình. Thế nên, mỗi người đều cùng cố gắng đồng hành để san sẻ công việc với mọi người.

Khi ở nhà, mình sẽ không không thể nào hiểu được thực trạng bác sĩ đang phải chiến đấu và đội ngũ chống dịch vất vả thế nào. Tôi thấy cảm phục, nể họ và muốn cống hiến nhiều hơn.

Bị “ăn” chửi khá nhiều

Chị gặp những khó khăn gì khi bắt đầu những công việc của mình?

Ban đầu, tôi có sự bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi bị “ăn” chửi khá nhiều khi tiếp xúc với người dân. Tâm lý của những người dân trong khu phong tỏa thường rất bức bối. Khi xếp hàng để lấy mẫu hay tiêm vaccine, nhiều người không muốn xếp hàng mà chỉ muốn nhanh chóng đến lượt, không nghe theo sự điều phối của các tình nguyện viên.

img

Ngọc Châu điều phối người dân đến tiêm chủng

img

Khi điều phối người dân, người đẹp bị... chửi khá nhiều

Cũng có những người không quan tâm đến hướng dẫn ở vòng ngoài, khi đến lượt chuẩn bị tiêm, họ không có tờ khai thông tin. Chúng tôi nhắc, họ bắt đầu to tiếng. Ngay ngày đầu tiên đi làm, tôi đã bị chửi té tát. Đến giờ, tôi cũng nghe chửi quen rồi (Cười).

Một điều nữa là bộ đồ bảo hộ cũng khá ngột ngạt. Có hôm, thể trạng của tôi thật sự không chịu nổi. Hôm đó thời tiết rất nóng, chúng tôi điều phối người dân đến tiêm từ 9h sáng đến 19h. tôi bắt đầu đuối và không thở được. Tôi gần như bị kiệt sức.

Một người bạn trực cùng ca đã khuyên tôi đi nghỉ vì nhìn mặt tôi tái nhợt. Nếu còn tiếp tục, có thể tôi sẽ ngất xỉu. Tôi phải đi ra ngoài, nghỉ khoảng 30 phút mới có thể quay lại làm việc tiếp. Rồi có ngày chúng tôi phải đứng suốt nên khi làm được nửa ca, tất cả mọi người đều đuối vì bộ đồ bảo hộ quá nóng và bí. Cả đội rệu rã rồi sau đó, chúng tôi phải chia nhau nghỉ, dù lúc đó người dân rất đông.

Từ trước đến nay, đã bao giờ chị trải qua sự gian khổ như vậy?

Tôi từng đi tình nguyện Mùa hè xanh, nhưng công việc lần này khó khăn hơn một chút vì phải hoạt động liên tục. Thêm nữa, mình phải mặc thêm quần áo bảo hộ và trong suốt quá trình làm việc, không thể ăn uống được.

Tuy nhiên, đó là điều tôi chấp nhận vì trước khi đi, tôi đã tìm hiểu và hỏi thăm mọi người. Mọi người chia sẻ những kinh nghiệm họ đã đi. Tôi thấy những vất vả nằm trong phần mình chấp nhận được. Khi đi, nhìn lại những việc mình đã làm, đã san sẻ được với tuyến đầu chống dịch, tôi thấy vui và tự hào.

img

Đội ngũ tình nguyện viên ngày càng đông, cùng nhau hỗ trợ tuyến đầu chống dịch

Đó là những cái giá trị cho đi. Còn giá trị chị nhận lại được là gì?

Có lẽ là sự yêu thương của tất cả mọi người. Dù nhiều khi, chúng tôi bị chửi nhưng vẫn có rất nhiều cô chú văn minh, nhiệt tình, đứng ra bảo vệ chúng tôi.

Cũng có nhiều người thấy chúng tôi làm việc khuya, họ nấu sẵn đồ ăn, mì, cháo… đợi đến khi chúng tôi kết thúc công việc thì mang ra để đội tình nguyện ăn. Những điều đó khiến tôi vô cùng xúc động và thấy được an ủi.

Đi tham gia tình nguyện suốt 1 tháng có ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và công việc của chị?

Thực ra thời điểm này, công việc của chúng tôi rất ít. Các sự kiện, chương trình đều dừng tổ chức. Vì vậy, tôi có được một quỹ thời gian để tham gia tình nguyện mà không ảnh hưởng đến công việc khác. Thêm nữa, tôi cũng thay đổi lối sinh hoạt của mình.

img

Người đẹp sinh năm 1994 thay đổi khá nhiều về cách sống, sinh hoạt khi dịch bệnh ập tới

Trước đây, tôi luôn thức rất khuya tới 1-2h sáng. Nhưng giờ, tôi hiểu được sự quan trọng của sức khỏe. Tôi sinh hoạt một cách khoa học hơn, đi ngủ sớm hơn và ăn uống đầy đủ hơn. Điều đó giúp tôi có đủ sức khỏe để tham gia cùng với mọi người.

Còn về cuộc sống, khi các hoạt động phải dừng, tôi bị mất một khoản thu nhập chính trong cuộc sống. Nhưng tôi là người thích nghi rất nhanh. Mất thu nhập, tôi phải cân bằng những thứ còn lại. Tôi giảm các nhu cầu mua sắm, biết cách chi tiêu hợp lý hơn. Trước đây, mình hay mua những xa xỉ phẩm thì giờ, tôi cắt phần đó để tiết kiệm. Bây giờ, mỗi khi chi tiêu thứ gì, tôi đều phải suy nghĩ kỹ.

Cảm ơn chị!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.