Tiếc nuối làng cổ
Những ngày trung tuần tháng 7, tìm về làng Việt Cổ - Cố Viên Lầu (thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) - nơi mệnh danh là "làng quê Bắc Bộ thu nhỏ", PV Báo Giao thông không khỏi ngạc nhiên bởi dù nằm ngay cạnh bến thuyền Tam Cốc nhộn nhịp, ken cứng khách du lịch, nơi đây lại xác xơ, vắng vẻ.
Những ngôi nhà trong khuôn viên bỏ hoang bị xuống cấp, xập xệ.
Theo quan sát, các công trình ở Cố Viên Lầu đã bị mai một, hư hỏng, chưa được sửa chữa. Ngôi nhà được phục chế nguyên bản từ ý tưởng "nhà chị Dậu" với cấu trúc ba gian chính và hai buồng, mái lá, nền đất, vật liệu chủ yếu dựng nhà là đất và rơm rạ kết hợp với tre, luồng… đã mục nát, thủng lỗ chỗ. Nhiều ngôi nhà mái ngói đã rơi vỡ tứ tung, cỏ cây mọc um tùm. Số khác dùng để cho dê trú ngụ, chứa đồ dùng, vật liệu…
Anh Nguyễn Anh Tú (38 tuổi), một du khách chia sẻ: "Tôi tìm hiểu qua sách báo thấy Cố Viên Lầu là một làng quê điển hình Bắc Bộ thì ghé thăm. Đến đây mới thấy tiếc nuối bởi những cảnh vật, ngôi đình, nhà cổ, đồ vật dụng xưa cũ vẫn còn bóng dáng đó, nhưng không được bảo quản, giữ gìn nên cũ nát, hỏng hóc".
Dê ở trong những ngôi nhà bỏ hoang tại Cố Viên Lầu.
Bà Nguyễn Thị Bí, ở xã Ninh Hải cho biết, khu Cố Viên Lầu từng là niềm tự hào của người dân nơi đây, bởi vẻ đẹp mang đậm chất làng quê Bắc Bộ với không gian xưa.
"Ở đây có 20 ngôi nhà cổ theo 20 lối kiến trúc khác nhau của từng vùng, từng được coi là điểm tham quan du lịch, phim trường, rất nhiều người tìm đến chụp ảnh, thăm quan. Thế nhưng, khoảng 5 - 6 năm nay, nơi này tạm dừng hoạt động xây dựng nên lâm vào cảnh hoang tàn", bà Bí tiếc nuối.
Thời hoàng kim chỉ còn trong ký ức
Theo các tài liệu còn lưu trữ, làng Việt cổ - Cố Viên Lầu có diện tích khoảng 22.000m2, lưu giữ hơn 20 nếp nhà cổ có tuổi đời từ thế kỷ XVIII – XX và nhiều cổ vật có giá trị văn hóa gắn với lịch sử phát triển của dân tộc.
Cố Viên Lầu nhìn từ trên cao.
Những căn nhà cổ được quy tụ từ nhiều làng quê ở Đồng bằng Bắc Bộ, mỗi ngôi nhà cổ đều mang những câu chuyện riêng. Trong đó, có thể kể đến như nhà cổ Nông Cống năm 1847, nhà cổ Ý Yên năm 1883, nhà cổ Thọ Xuân năm 1802, nhà cổ Văn Hải năm 1853, nhà cổ Khánh Hòa, nhà cổ Lưu Phương, đình cổ Thanh Liêm, lầu Nghênh Tân Các và làng cổ nông thôn… Bên trong những ngôi nhà cổ còn rất nhiều cổ vật có niên đại từ trước công nguyên, niên đại từ thời Đinh, Lý, Trần…
Những căn nhà cổ được doanh nghiệp Minh Thoa sưu tầm từ khắp nơi, phục dựng từ năm 1990, tuy nhiên khi đó làng cổ chưa hình thành. Đến năm 2007, với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị của khu làng cổ, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao hơn 9.000m2 đất cho doanh nghiệp Minh Thoa với hình thức cho thuê đất để triển khai thực hiện dự án Cố Viên Lầu.
Dự án nhằm giới thiệu, quảng bá, trưng bày các cổ vật, khôi phục các nếp nhà cổ, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống và kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Sau đó, do cần vốn để phát triển, doanh nghiệp Minh Thoa đã thế chấp dự án này để vay tiền của ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không trả được nợ nên từ năm 2018 đến nay, Cố Viên Lầu đã dừng hoạt động để giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Sẽ chuyển đổi sang kinh doanh
Theo ông Vũ Huy Toàn, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, gần 20 năm tồn tại, Cố Viên Lầu đã trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình. Nơi đây, cũng là phim trường từng quay rất nhiều bộ phim nổi tiếng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Long Thành cầm giả ca; Đường đến thành Thăng Long và nhiều bộ phim khác.
Trong diện tích 9.000m2 vẫn còn lưu giữ những nếp nhà xưa, mang vẻ đẹp hồn quê Đồng bằng Bắc Bộ.
"Tuy nhiên, do tranh chấp giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Cố Viên Lầu phải đóng cửa. Vì đóng cửa quá lâu nên nhiều hạng mục của Cố Viên Lầu đã xuống cấp nghiêm trọng", ông Toàn cho hay.
Theo ông Toàn, đến nay, do không có khả năng chi trả nên ngân hàng đã phát mại dự án Cố Viên Lầu và đã có đơn vị mới trúng phát mại. Tuy nhiên, doanh nghiệp trúng phát mại muốn chuyển đổi sang hình thức kinh doanh, khai thác khác nên không muốn sửa chữa, đầu tư phục dựng lại các hạng mục nhà cổ.
"Cố Viên Lầu đã từng được doanh nghiệp dày công phục dựng các nếp nhà xưa tạo không gian tham quan cho du khách. Khi các công trình bị mai một, hoang tàn cũng là điều khiến người dân và địa phương cũng thấy buồn và tiếc nuối", ông Toàn nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: "Cố Viên Lầu là công trình của doanh nghiệp địa phương đầu tư. Họ đã đi khắp nơi mua và đem những ngôi nhà cổ về phục dựng lại rất tỉ mỉ.
Tuy công trình này không phải là di tích văn hóa, lịch sử nhưng đã lưu giữ được hình ảnh cổ xưa, tạo nên điểm nhấn ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Tiếc rằng trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác, doanh nghiệp có thế chấp ngân hàng. Sau đó, do không trả được nợ nên ngân hàng đã phát mại".
Cố Viên Lầu là một trong các điểm du lịch nằm trong vùng đệm của Quần thể di sản thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình). Năm 2008, khu nhà cổ Cố Viên Lầu được ngành Văn hóa - Du lịch Ninh Bình bổ sung vào khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Những ngôi nhà cổ ở Cố Viên Lầu chủ yếu được xây dựng từ thời nhà Nguyễn trở lại đây, thể hiện được nét văn hóa độc đáo và đặc trưng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận