Xã hội

Hoạt động chất vấn của HĐND nhiều nơi vẫn còn hình thức

06/04/2022, 15:56

Ngày 6/4, tại An Giang, diễn ra hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, đánh giá cao tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục từ cơ chế, chính sách đến việc tổ chức thực hiện.

"Đơn cử là tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo chậm, hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức, công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít.

Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức. Hay việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.

img

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức kỳ họp của HĐND nội dung phải chủ động từ sớm, từ xa, tránh “bị động, lúng túng”.

Việc điều hành kỳ họp phải linh hoạt, khoa học, hợp lý, giảm thời gian báo cáo, tăng thời gian thảo luận, tập trung vào những vấn đề mới, còn có ý kiến khác nhau, khó và chưa có tiền lệ. Đồng thời, bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu để triển khai hoạt động có hiệu quả.

img

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND.

Theo ông Lê Văn Nưng, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang, ĐBSCL có vị trí địa lý, kinh tế, chiến lược quan trọng, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; xuất khẩu 95% lượng gạo và 60% lượng cá của cả nước...

Đây còn là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, giao thương quốc tế… Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Riêng An Giang đã tận dụng tốt tiềm năng và lợi thế của vùng đất đầu nguồn của 2 con sông Tiền và sông Hậu, để từ đó tập trung phát huy tối đa, khai thác có hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.

“Nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã diễn ra được hơn 1 năm, đây là thời điểm HĐND các tỉnh, thành cùng đánh giá, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm mới, hiệu quả để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2021 - 2026”, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.