Thời sự Quốc tế

Học giả Trung Quốc cảnh báo Mỹ - Hàn liên minh để kiềm chế Bắc Kinh

Hai học giả của Trung Quốc cảnh báo, Mỹ - Hàn có thể mở rộng quan hệ liên minh để kiềm chế Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh cần sẵn sàng đối phó.

Kịch bản tồi tệ nhất với Trung Quốc

Ngày 1/11, tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) công bố phân tích của hai học giả làm việc tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) – một trong những viện nghiên cứu chính sách ngoại giao có ảnh hưởng và lớn nhất Trung Quốc.

Trong đó, học giả Sun Ru, Phó Giám đốc CICIR cho rằng, kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Nhà trắng đã thúc đẩy hợp tác rộng hơn với Hàn Quốc trên nhiều mặt, bao gồm lĩnh vực sản xuất, 5G, chất bán dẫn, chuỗi cung ứng…

Vì có yếu tố địa chính trị nên liên minh quân sự Mỹ và Hàn Quốc là vấn đề đặc biệt nhạy cảm với Bắc Kinh.

img

Hàn Quốc là nơi có lực lượng Mỹ đồn trú ở nước ngoài nhiều nhất. Ảnh - AFP

Theo các chuyên gia từ Viện nghiên cứu trên, kịch bản tồi tệ nhất mà Trung Quốc có thể đối mặt đó là Hàn Quốc (nơi có hơn 26.000 quân Mỹ đồn trú, một trong những lực lượng ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ) có thể phối hợp với Washington khi xung đột liên quan tới căng thẳng Đài Loan nổ ra.

Mỹ đang nắm trong tay quyền chỉ huy quân đội Hàn Quốc nếu nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Tuy cả hai bên đang đàm phán để trả quyền chỉ huy về Seoul trong năm tới nhưng trong bối cảnh Mỹ đang ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa sâu sắc, thì Mỹ lại càng muốn mở rộng liên minh quân sự với Hàn Quốc.

Năm 2019, đã có một số báo cáo cho biết, Mỹ muốn mở rộng hướng dẫn quản lý khủng hoảng chung giữa Washington – Hàn Quốc cho phép Mỹ có thể tăng cường yêu cầu hỗ trợ hoạt động quân sự tại các khu vực như Trung Đông, Biển Đông hoặc Eo biển Đài Loan.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn 1 nguồn tin cho biết, Hàn Quốc đã khước từ đề nghị này nhưng theo thời gian, tất cả lựa chọn và kịch bản có thể vẫn được đưa lên bàn đàm phán.

Nỗi lo tên lửa Hàn Quốc

Hồi tháng 5, Mỹ và Hàn Quốc cũng đồng ý nâng giới hạn tầm bắn tên lửa mà Seoul có thể sở hữu, cho phép nước này có thể phát triển tên lửa tầm bắn xa hơn, nhắm tới các mục tiêu nằm ngoài bán đảo Triều Tiên.

Chỉ 4 tháng sau, Hàn Quốc xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, trở thành quốc gia phi hạt nhân đầu tiên sở hữu năng lực này.

Phân tích của hai học giả Trung Quốc chỉ ra: “Qua việc nâng giới hạn phát triển tên lửa, cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung và xa, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sử dụng liên minh với Seoul để kiềm chế Trung Quốc”.

img

Hệ thống tên lửa Hyunmoo-3 và Hyunmoo-2 của Hàn Quốc. Ảnh - Reuters

Tại thời điểm công bố vụ phóng, Hàn Quốc khẳng định, năng lực tên lửa của họ chỉ để phòng Triều Tiên nhưng ông Song Zhongping, bình luận viên các vấn đề quân sự của quân đội Trung Quốc nghi ngại, tên lửa của Hàn Quốc là mối đe dọa với Trung Quốc.

“Tuy Hàn Quốc khó có thể chọn giữa Trung Quốc và Mỹ nhưng đây là điều họ bắt buộc phải làm nếu chiến tranh nổ ra và theo quan hệ liên minh, quân đội Hàn Quốc sẽ nằm dưới quyền chỉ huy của Mỹ”, ông Song nói.

CICIR cảnh báo, Hàn Quốc có thể đi theo cách thức của Nhật Bản. Theo tờ Financial Times, Tokyo đã xây dựng kế hoạch dự phòng trong trường hợp nổ ra xung đột tại Đài Loan từ năm 2019.

“Trong trường hợp xung đột tại Eo biển Đài Loan nổ ra, Hàn Quốc khó có thể từ chối quyết định huy động lực lượng từ Mỹ”, theo CICIR.

Tháng 5 vừa qua, sau cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in bác bỏ thông tin cho rằng, Seoul đang bị áp lực phải có lập trường cứng rắn về vấn đề Đài Loan.

Ông Moon khẳng định hai nước đồng ý về tầm quan trọng của khu vực, đặc biệt cân nhắc về những yếu tố Trung Quốc và Đài Loan.

Vì những nghi ngại trên, trong báo cáo, hai học giả Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh gửi tín hiệu rõ ràng kịp thời tới Mỹ và Hàn Quốc và có biện pháp cần thiết để chống lại và đưa ra cái giá Mỹ - Hàn Quốc phải trả khi xây dựng quan hệ liên quan tới Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.