Misophonia hay còn được gọi là nhạy cảm âm thanh chọn lọc, thường được mô tả là phản ứng cảm xúc mạnh mẽ đối với một số âm thanh thường do con người tạo ra, như âm thanh của ai đó cắn vào thức ăn giòn, tiếng ồn, tiếng gõ cửa, thậm chí thở.
Những phản ứng phổ biến nhất ở những người mắc bệnh này là họ sẽ cảm thấy tức giận, lo lắng thậm chí là ghê tởm. Những cảm xúc mãnh liệt này gây ra các triệu chứng đi kèm như tăng nhịp tim, run rẩy, đổ mồ hôi…
Margot Noel (28 tuổi), một người mắc bệnh misophonia ở vương quốc Anh gần đây được nhắc đến trên đài BBC đã có một buổi chia sẻ mọi thứ liên quan tới căn bệnh kỳ lạ này. Những âm thanh khiến cô cảm thấy khó chịu là tiếng nhai thức ăn giòn, tiếng thì thầm, chép lưỡi, tiếng bấm bút… Không chỉ khó chịu với âm thanh mà cô còn cảm thấy không thể chịu đựng được những người đang gây ra âm thanh đó.
Vì đây là một căn bệnh rất hiếm gặp nên cô thường xuyên phải giải thích cho bạn bè, người thân hiểu rằng đó không phải là lỗi của họ và họ không nên cảm thấy tội lỗi khi tạo ra những tiếng động bình thường nhưng lại gây khó khăn cho cô.
“Đôi lúc họ nghĩ rằng tôi đang chỉ trích họ nhưng thực tế không phải vậy. Vì bản thân có vấn đề nhưng lại rất khó để yêu cầu mọi người xung quanh làm giảm tiếng ồn. Điều đó thật khó khăn”, Margot nói thêm.
Margot chỉ biết rằng cô mắc bệnh misophonia khoảng 3 năm trước, trong một vở kịch cô đột nhiên cảm nhận được hơi thở của người bạn bên cạnh như có vẻ sắp chết, điều đó khiến cô mất tập trung vào vở kịch. Sau đó, cô về nhà và tìm kiếm bất kỳ những đề cập nào liên quan tới triệu chứng tương tự như của mình, khi đọc về hội chứng misophonia, cô cảm thấy nhẹ nhỏm vì ít nhất bản thân hiểu được những gì đang xảy ra.
Sau khi biết về một nghiên cứu misophonia đang được tiến hành ở Newcastle, Margot đã liên lạc với một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu và cuối cùng được mời tham gia vào. Cô đã phải trải qua một bài kiểm tra gồm 6 giai đoạn để đo lường phản ứng của mình với một số tác nhân nhất định, nhưng cô chỉ vượt qua được 2 trong số chúng trước khi tất cả trở nên quá sức chịu đựng.
Trong cuộc sống hàng ngày của mình, Margot đeo nút tai hoặc tai nghe để chặn những âm thanh khiến cô phát điên. Khi xem phim, cô bịt tai mỗi khi nghe thấy âm thanh kích hoạt phản ứng cảm xúc không thể kiểm soát như một nụ hôn nồng cháy chẳng hạn.
Margot nói rằng ngoài việc phát triển một phương pháp điều trị bệnh misophonia, cô hy vọng rằng nhiều người sẽ biết về tình trạng bất thường này để cô không phải cảm thấy khó chịu khi yêu cầu họ không gây ra tiếng động.
Cô hy vọng rằng trong những trường hợp có những âm thanh khiến cô cảm thấy quá mức chịu đựng, lúc đó cô sẽ nói: "Tôi xin lỗi, bạn có thể cố gắng không làm ồn không, tôi mắc chứng misophonia," và họ sẽ trả lời, "Ồ tôi thực sự xin lỗi".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận