Cách đây mấy ngày, truyền thông đăng tải clip người dân chen nhau, đỗ xe giữa lòng đường để lấy những chậu hoa trang trí phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều trên tuyến phố Kim Mã (quận Ba Đình). Không chỉ người đi bộ, đi xe máy, mà cả chủ nhân của những chiếc “xế hộp”, thậm chí cả xe tải cũng ngang nhiên đỗ xe ngáng đường lao vào lấy hoa.
Đây không phải chuyện xảy ra lần đầu. Trước đó, vào tối 28/2, ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, quanh khách sạn mà đoàn ngoại giao Mỹ ở cũng xảy ra cảnh người dân đổ xô “hôi” hoa trang trí.
Hành vi “hôi” hoa này gây phản cảm, bị cộng đồng lên án. Chậu hoa bé xíu, đang làm đẹp thủ đô, đáng bao nhiêu tiền mà tranh nhau lấy?
Trên báo, lãnh đạo Công ty Cây xanh còn đề nghị trích xuất camera xử lý người vi phạm. Họ nói, hoa trang trí đường phố đâu chỉ dùng một lần sẽ vứt, dùng xong còn được thu gom mang đi nơi khác, dùng cho mục đích khác.
Nhưng mọi chuyện có đơn giản như thế, người dân có đáng lên án đến vậy?
Người Hà Nội có thể tùy tiện, bẻ hoa, bẻ cành, ừ thì đã từng diễn ra ở các lễ hội, đường hoa đó thôi. Nhưng nếu bảo họ có thể lao vào giữa những phố lớn như Kim Mã, Giảng Võ để phá tan các tiểu cảnh, để ùn ùn bê chậu hoa về thì tôi không tin. Bởi lẽ, người Hà Nội còn rất sợ công an. Ở đâu chống người thi hành công vụ, chứ Hà Nội, tôi không thấy.
Suy nghĩ kỹ về việc này, chỉ có thể có một lý do, mà vài người bạn tôi là người chứng kiến cũng đồng quan điểm: Có sự tắc trách của những người quản lý chỉnh trang cây xanh cho thủ đô.
Để không phải dọn dẹp hàng chục ngàn chậu hoa trên đường phố, chỉ cần “nói nhỏ” cho người dân “hoa này có thể lấy, cứ mang về mà trưng, mà trồng”. Thì chỉ sau đó một chút thôi, người dân với thói quen “người ta lấy được thì mình cũng lấy được” sẽ dọn sạch sẽ toàn bộ những gì trên hè phố. Nếu không tin, đề nghị Công ty Cây xanh trích xuất camera dọc tuyến Kim Mã hôm đấy, họ sẽ thấy công nhân của mình nhét những chậu hoa vào túi ni lông ra sao và rút êm thế nào khi người dân đổ xô vào lấy hoa. Trong khi đáng ra, họ phải đứng ra ngăn cản mới đúng phận sự.
Công ty Cây xanh hẳn đã nhận chi phí cho gói thầu trang trí đường phố bao gồm cả việc thu dọn hậu thượng đỉnh. Nhưng hãy nhìn cái cách mà họ thực hiện chức phận của mình. Tôi đồ rằng, nhiều tuyến phố vừa được trồng mới hàng loạt cây kia rồi sẽ lại rơi vào tình cảnh tương tự nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời.
Điều đáng tiếc ở đây, là dù lỗi của ai, thì Hà Nội đã tạo nên những ấn tượng không đẹp. Sự thanh lịch, văn minh cần có của người thủ đô đã bị vấy bẩn.
Chớ coi thường “chậu hoa” là nhỏ. Lấy được “chậu hoa” sẽ sẵn sàng lấy những gì có thể, dù đó không phải là của mình.
Trong tốc độ đô thị chung, không gian phát triển, diện mạo Hà Nội đã có đột biến lớn. Trước hết, về quy mô, nếu năm 1954, Hà Nội có diện tích khoảng 152 km2 thì đến nay Hà Nội đã mở rộng diện tích gần 3.340 km2, là đô thị có diện tích lớn nhất cả nước và là một trong 12 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới.
Đường mở đến đâu, các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp mở đến đó, nhưng không gian văn hóa, sự thanh lịch văn minh của cư dân thủ đô dường như không theo “tỷ lệ thuận”. Hà Nội đang đau đầu về rác thải, về ô nhiễm, ùn tắc… trong đó có cả nguyên nhân từ cơ quan quản lý lẫn cách ứng xử của người dân.
Hà Nội đã từng khởi xướng và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử nhưng khi đưa ra lại không nhận được sự đồng thuận cao. Và câu chuyện “hôi hoa” là một ví dụ điển hình cho sự lúng túng của Hà Nội.
Cơ quan Nhà nước không chuẩn mực, người dân thiếu ý thức, tự khắc hình ảnh của Hà Nội sẽ xô bồ, nhếch nhác, không xứng với diện mạo thủ đô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận