Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại hội trường phiên thảo luận hôm qua về dự thảo Luật về Hội |
Ngày 25/10, thảo luận dự thảo Luật về Hội tại hội trường, ĐBQH đã liên hệ câu chuyện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố thông tin nước mắm nhiễm asen khiến dư luận nổi sóng, từ đó đặt ra vấn đề Luật về Hội phải quy định rõ các Hội không được làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước.
Hội không được nhận tài trợ nước ngoài
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về Hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề cập đến một điểm đáng chú ý là trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật Nhà nước thì sau 5 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.
Dự thảo Luật cũng quy định, các Hội không được liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Ngoài ra, dự thảo Luật về Hội cũng quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội là phải tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động để hội thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao...
Một số quan điểm cho rằng dự thảo Luật quy định các “trường hợp đặc biệt” mới được nhận tài trợ nước ngoài có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin - cho, làm các thủ tục hành chính thêm phức tạp thêm.
Ở phía ý kiến đối lập, có quan điểm cho rằng quy định như vậy là cần thiết nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân...
Bày tỏ ý kiến về quy định này, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN lo ngại như vậy sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hội này, nhất là trong bối cảnh Hội phải tự chủ tài chính. Hơn nữa, hiện Hội Chữ thập đỏ VN là thành viên của 4 hội quốc tế, là thành viên của phong trào chữ thập đỏ quốc tế, như vậy sẽ vi phạm quy định theo dự thảo luật.
Đồng tình không nên quy định quá khắt khe việc này, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu thực tế, tình trạng các Hội nhận viện trợ, tài trợ từ nước ngoài, nhất là các Hội về khoa học, kỹ thuật và chuyên ngành khác hiện khá phổ biến.
Nghiêm cấm lợi dụng hoạt động Hội phương hại tới cá nhân, tổ chức
Trong khi đó, tham gia ý kiến về quyền và nghĩa vụ của Hội, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) liên hệ ngay tới câu chuyện mới đây Vinastas công bố khảo sát chất lượng nước mắm, thông tin nước mắm nhiễm asen khiến người tiêu dùng hoang mang, dư luận nổi sóng. Từ thực tế đó, ông Cương đề nghị quy định trong dự thảo Luật về Hội lần này phải chặt chẽ hơn.
“Điều quan trọng là việc công bố tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải của hội. Nghị định 45 của Chính phủ tại Điều 23 quy định về quyền của Hội không có bất cứ một khoản nào cho phép Hội công bố điều này. Bên cạnh đó, Điều 24 Nghị định 45 lại quy định không được lợi dụng hoạt động Hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”, ông Cương nêu quan điểm và cho rằng, hậu quả của việc công bố trái phép trên của Vinastas tới đây sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý và có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng qua vụ việc này đặt ra cho Luật về Hội một điều là cần phải xem xét, tiếp tục hoàn thiện quy định của Nghị định 45, không cho phép các hội làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước.
ĐBQH, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội nhận xét, thời gian qua, hoạt động của các Hội cơ bản đúng mục đích, có hiệu quả, song với sự phát triển mạnh về quy mô số lượng của các Hội, trong công tác quản lý nhà nước về Hội đã bộc lộ nhiều thiếu sót, sơ hở, xuất hiện nhiều biểu hiện phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Hội thành lập thực tế phải có nguồn gốc, khả năng tài chính, vì thế để có thể xử lý, giải quyết được tình trạng lợi dụng danh nghĩa hoạt động Hội để hoạt động phi pháp như rửa tiền, hối lộ, tài trợ khủng bố, luật cần quy định rõ theo hướng người thành lập Hội phải chịu trách nhiệm, phải khai báo rõ về tài sản, nguồn gốc tài sản của Hội với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các quy định về thu chi tài chính của Hội theo đúng pháp luật. Có vậy mới giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi huy động tài chính bất hợp pháp của các Hội, xử lý các hội, cá nhân vi phạm”, Đại tá Đào Thanh Hải góp ý.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ xin lùi thời gian trình Luật Kết thúc phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình thêm trước Quốc hội về dự thảo Luật. Ông Tân cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tổng kết các vấn đề mà các ĐB còn băn khoăn, làm rõ thêm các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ quy định kèm theo các Nghị định mà hiện nay chưa có dịp trình các ĐBQH. Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, vì còn nhiều ý kiến chưa có sự đồng tình cao, còn khác nhau và vấn đề chuẩn bị chưa được chu đáo, đầy đủ, các cơ sở dữ liệu cho đại biểu tham khảo nên cơ quan soạn thảo cho rằng cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các đối tượng được điều chỉnh, nhất là các ĐBQH. “Sau kỳ họp này, Ban soạn thảo xin ghi nhận thêm các ý kiến phát biểu của các ĐB chưa có điều kiện phát biểu tại hội trường. Chúng tôi sẽ cùng cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh dự thảo Luật và trình trong kỳ họp sau”, ông Tân nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận