Ông Trần Hữu Diệt (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời |
Còn qua góc nhìn của những chiến sĩ cảnh vệ - lực lượng thầm lặng đóng góp vào “cuộc đấu trí lịch sử”, có rất nhiều “chuyện chưa kể” thú vị của phái đoàn nước ta gần 5 năm trên đất khách.
Bảo đảm phòng mật
45 năm đã trôi qua, trong số 42 sĩ quan cảnh vệ (lần lượt trong 5 năm) được giao trọng trách bảo vệ hai phái đoàn của Việt Nam tham dự Hội nghị Paris ngày ấy, phần nhiều giờ không còn nữa, một số ít những người còn sống hiện đều đã ở tuổi xưa nay hiếm.
Theo chân Trưởng ban liên lạc sĩ quan hưu trí Cảnh vệ, Đại tá Trần Hữu Diệt tới thăm nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ (sau là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) Trần Văn Lại, chúng tôi được biết, ở tuổi 95, cụ Lại đang phải nhờ tới sự chăm sóc hoàn toàn từ con cháu. Dù vẫn nhận ra người cán bộ Hữu Diệt nhưng cụ Lại hầu như không nói được rõ lời.
Còn người lính Cụ Hồ quê Quảng Nam sau được tuyển dụng vào ngành Công an Trần Hữu Diệt cũng đã ở tuổi 86, da nổi rõ nhiều vết đồi mồi và tóc thì bạc trắng từ lâu. Thế nhưng, ông chính là kho tư liệu sống động về những câu chuyện xoay quanh “cuộc đấu trí lịch sử và cam go” của dân tộc Việt Nam.
Ông Diệt kể, lúc bấy giờ, các cán bộ cảnh vệ được phân công thành hai đoàn: Đoàn A bảo vệ phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn B bảo vệ phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông Diệt không thể quên được một ngày thu năm 1968: “Tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam) sang đàm phán Hiệp định Paris. Cảm xúc lúc đấy của tôi vừa vinh dự, tự hào, vừa lo lắng. Lo lắng vì vốn tiếng Pháp của tôi chỉ mới có “toa” với “moa”. May mắn là, phái đoàn ta đã tìm được một giáo viên người Pháp gốc Việt để dạy tiếng Pháp cho nhiều người trong đoàn. Sau một thời gian tranh thủ học và ôn luyện, chúng tôi đã đảm bảo được giao tiếp cơ bản trong thời gian làm nhiệm vụ nơi đất khách”.
Được chỉ huy bởi Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay đã mất), các chiến sĩ cảnh vệ luôn thay phiên nhau canh gác 24/24h, có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các vị lãnh đạo (tại trụ sở, trong các buổi tiếp xúc đoàn, trước khi ra hội trường), bảo mật tài liệu tuyệt đối, bảo mật thông tin các cuộc trao đổi, họp bàn của phái đoàn ta, rồi bảo mật công tác dịch, chuyển tài liệu về nước, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm...
Ông Diệt kể, khó khăn nhất vẫn là làm sao bảo đảm tuyệt đối các thông tin họp bàn của phái đoàn ta trong thời gian đàm phán. Mới đầu, phái đoàn ta thuê khách sạn sang trọng Lutestia (quận 6, Paris) để lưu trú. Nhưng khi kiểm tra an ninh thì phát hiện có đến 16 máy nghe trộm ở nhiều vị trí trong các phòng; riêng phòng của Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán có tới 6 cái.
Trong thời gian chưa chuyển được địa điểm, bộ phận cảnh vệ đã tham mưu cho Trưởng đoàn đề ra qui định: Tất cả mọi người không được trao đổi công việc tại phòng riêng, muốn trao đổi phải viết ra giấy rồi hủy luôn, ra vườn trao đổi hoặc đến cơ quan Tổng đại diện nước ta ở phố LeVerrer để giữ được bí mật.
Nói đến đây, vị Đại tá về hưu hào hứng hẳn: “Điều thú vị và cũng là bất ngờ nhất mà phái đoàn bạn không ngờ tới chính là căn phòng bí mật chống nghe trộm của đoàn Việt Nam được lắp đặt ngay trong căn hộ chung cư ở thị trấn Massy, gần Verrieres-le-Buisson!”.
Căn phòng mật, tất nhiên đã được nhiều cơ quan báo chí khai thác, nhưng là một trong những người phụ trách kỹ thuật cũng như xây dựng nó thì Đại tá Võ Thế, nguyên Phó trưởng phòng Cảnh vệ, là người nắm rõ tường tận. Ông Thế kể lại: “Gỗ ván và thợ mộc được bí mật chuyển từ Việt Nam sang. Căn phòng gỗ hình hộp 6 mặt được dựng lên ngay trong căn phòng lớn chỉ trong vài ngày, bên trong phủ kín rèm nhung. Giữa các lớp gỗ, chúng tôi chèn bông thủy tinh để cách âm. Không những thế, mỗi lần các đồng chí lãnh đạo ta họp bàn, chúng tôi ở ngoài vừa canh phòng, vừa bật đài cát-sét ở khắp các hướng, nhằm phát tiếng ồn, gây nhiễu”.
Còn ông Diệt thì tủm tỉm khi nhớ về những kỷ niệm vui về căn phòng bí mật này: “Căn phòng kín và an toàn tới mức, mỗi lần họp xong, đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt, Lãnh đạo đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhiều đồng chí khác mồ hôi ướt đẫm áo như vừa tắm xong. Vì thế, chúng tôi gọi vui đây là “phòng hạnh phúc”. Cũng nhờ vậy, trong suốt gần 5 năm đàm phán, tất cả các trao đổi về kế hoạch tác chiến đấu tranh ngoại giao đều được đảm bảo tuyệt đối bí mật”.
Ông Diệt cho hay, việc đảm bảo an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cùng nhân viên của cả hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng không phải dễ dàng. Hàng trăm phóng viên báo chí thế giới với nhiều xu thế chính trị khác nhau, mỗi người một nhu cầu, mục đích riêng, thường xuyên “bám riết” hai phái đoàn Việt Nam, kể cả bảo vệ, nhân viên cấp dưỡng... để khai thác thông tin và tìm hiểu xem “Việt cộng” có lối sống như thế nào. Ông Diệt kể, có lần họp báo có tới 400 phóng viên tới dự, họ chen lấn xô đẩy để ghi âm, ghi hình, đổ cả tường rào, vỡ cả cửa kính, rất may là không lần nào xảy ra sự cố gì lớn.
Gần 5 năm trên đất bạn, ông Diệt cũng như các cán bộ bảo vệ đã luôn “đi trước, về sau”, thường xuyên thay phiên nhau canh gác nhiều đêm để bảo vệ tài liệu mật vào những thời khắc quan trọng. “Trách nhiệm và lòng tự hào khi thực hiện nhiệm vụ đã nâng đỡ tinh thần và tạo nguồn sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”, ông bồi hồi.
Ông Diệt tới thăm cụ Trần Văn Lại, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ |
“Ấn tượng về Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Thị Bình”
Đại tá Hữu Diệt nhớ lại: “Ngày 4/11/1968, bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn trù bị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng có mặt tại Paris làm cánh báo chí phương Tây lùng sục săn tìm”. Sự xuất hiện của một nữ chính khách duyên dáng ở độ tuổi 40, luôn ăn mặc giản dị trong bộ áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam được miêu tả dưới ngòi bút của báo chí phương Tây bằng những ngôn từ như “Bà hoàng Việt cộng”, Madam Nguyễn Thị Bình, “Sứ giả Việt cộng ở châu Âu”...
Đồng hành và cũng là bảo vệ thân cận của Madam Bình trong suốt thời gian ở Paris là nữ cảnh vệ Lê Thị Thanh Minh (bí danh Minh Hằng). Là nữ cảnh vệ duy nhất trong đoàn cảnh vệ năm ấy, bà Minh vẫn nhớ như in ấn tượng nhất về nữ đàm phán nổi tiếng.
Bà Minh kể rằng, Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình là một người phụ nữ có phong thái lanh lẹ, lịch thiệp, ăn nói nhẹ nhàng thuyết phục. Người phụ nữ này có lòng thủy chung son sắt với đất nước được thừa hưởng từ gia đình truyền thống của cụ Phan Chu Trinh. “Tôi nhớ có một học giả nước ngoài bị hút hồn khi người phụ nữ miền Nam Việt Nam tới Paris và viết rằng “Ở đâu có bà Bình, người ta không nhìn thấy ai khác, khi bà Bình nói, người ta không muốn nghe ai khác... người phụ nữ này bí ẩn đến tinh tế”, cựu nữ chiến sĩ cảnh vệ 74 tuổi xúc động kể.
“Còn về lối ứng khẩu trong hội nghị và họp báo, tôi cũng như phần đông những người chứng kiến luôn ngưỡng mộ và thán phục bởi những câu trả lời sắc sảo và đanh thép của “Madam Bình” bằng tiếng Pháp”, ông Diệt kể và chia sẻ thêm: “Những đóng góp nhỏ bé đã được ghi nhận của những chiến sĩ cảnh vệ ở Hội nghị Paris là động lực, hành trang cho cả một thế hệ chúng tôi tiếp nối khi trở về làm nhiệm vụ trong nước. Đó cũng như một mạch nguồn ký ức vẫn còn lưu luyến mãi trong tâm trí chúng tôi!”.
Đại tá Trần Hữu Diệt, nguyên Trưởng phòng Hậu cần, Bộ Công an, sinh năm 1932 tại Quảng Nam. Năm 1945, ông học thiếu sinh quân ở Đà Nẵng và trở thành bộ đội ở Quảng Ngãi. Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông được Bộ Công an tuyển dụng và được cử đi học ở Học viện An ninh Nhân dân (trường C500) ở Hà Đông. Sau đó, ông công tác tại Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) tới khi nghỉ hưu. Sau 5 năm đàm phán, từ 15/3/1968 - 27/1/1973, tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Văn kiện pháp lý quốc tế này là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất, trong lịch sử hơn 50 năm của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi cực kỳ to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận