Nhiều hạng mục xuống cấp
Cảng HKQT Liên Khương là một trong 22 cảng hàng không do ACV quản lý đầu tư và khai thác, được Pháp xây dựng từ năm 1933 và Mỹ tu sửa, nâng cấp từ năm 1956.
Năm 1997, cảng được nâng cấp kéo dài đường băng từ 1.480m lên 2.354m đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 3C (theo tiêu chuẩn của ICAO).
Theo ACV, năm 2003-2007, cảng được đầu tư xây dựng dự án "Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường HCC, đường lăn, sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Liên Khương" đảm bảo khai thác được các loại máy bay dân dụng như A320, A321 và tương đương, đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2.
Giai đoạn 2007-2023, sản lượng hàng không qua cảng tăng trưởng trung bình 25,6%. Riêng năm 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng hành khách thông qua sân bay Liên Khương đã giảm mạnh đến -44,04%, chỉ đạt 0,975 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, hiện nay, khi đại dịch Covid đã được kiểm soát, lượng hành khách thông qua Cảng đã có sự phục hồi mạnh mẽ (năm 2023, sản lượng hành khách đạt đến 2,548 triệu hành khách/năm).
Cảng HKQT Liên Khương hiện có 1 đường cất hạ cánh (CHC), kết cấu bằng bê tông nhựa được xây dựng từ năm 2005-2007.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm định, đánh giá hiện trạng đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Liên Khương cho thấy đường cất hạ cánh đã bị xuống cấp, hết tuổi thọ theo thiết kế.
Mặt đường bê tông nhựa đã xuất hiện các loại hư hỏng như bề mặt bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe; nứt dọc, nứt rạn chân chim, nứt rạn da cá sấu; bong bật cốt liệu bê tông nhựa... theo vệt lăn càng trước và càng sau của máy bay, gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn khai thác.
ACV đánh giá, kết cấu mặt đường cất hạ cánh (CHC), đường lăn đã khai thác vượt tần suất khai thác và tuổi thọ thiết kế. Do đó, mặt đường hiện thường xuyên xảy ra các tình trạng hư hỏng.
Tuy nhiên, việc sửa chữa hiện nay với giải pháp không thay thế, bổ sung kết cấu của nền móng chỉ khắc phục được hư hỏng các lớp kết cấu bề mặt phía trên, không xử lý triệt để các lớp kết cấu phía dưới, nên chỉ đảm bảo duy trì khai thác.
Việc khai thác vượt tần suất đối với kết cấu mặt đường bê tông nhựa đã hết tuổi thọ thiết kế dẫn đến khó kiểm soát tình trạng hư hỏng, bong bật mặt đường đột xuất khi tàu bay lăn, cất hạ cánh, có thể tạo ra vật thể lạ nguy cơ va chạm vào tàu bay, gây hư hỏng, cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn bay.
Vì vậy, việc sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn để đảm bảo an toàn khai thác là hết sức cần thiết và cấp bách.
Khắc phục triệt để hư hỏng
Theo đề xuất của ACV, sẽ sửa chữa đường cất hạ cánh hiện hữu kích thước 3250x45m và sân quay đầu 9 đường lăn E1, E2, đường lăn song song. Sửa chữa hệ thống lề vật liệu đường CHC, đường lăn đồng bộ.
Cùng đó, sửa chữa dải hãm phanh hai đầu đường CHC, kích thước 100x60m và sửa chữa dải bảo hiểm đầu, dải bảo hiểm sườn đồng bộ.
Ngoài ra, bổ sung hệ thống thoát nước (rãnh biên, cống...) đồng bộ; sơn kẻ tín hiệu đảm bảo đồng bộ theo quy định; sửa chữa hệ thống đèn hiệu, biển báo hàng không, hệ thống ILS (giữ nguyên cấu hình tiếp cận CAT I) đồng bộ.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.045 tỷ đồng với thời gian thi công dự kiến khoảng 6 tháng. Nguồn vốn sẽ sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý.
Theo quy hoạch, Cảng HKQT Liên Khương giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chỉ có 1 đường CHC.
Do đó, ACV kiến nghị lựa chọn giải pháp kết cấu mặt đường là bê tông xi măng lưới thép để khắc phục triệt để sự hư hỏng xuống cấp của đường CHC, đường lăn, kết hợp đào hạ cao độ, sửa chữa đường lăn song song, đảm bảo kết nối vào sân đỗ mở rộng để đảm bảo tuổi thọ khai thác dài hạn. Đồng thời, hạn chế các điều kiện bất lợi của thời tiết có thể ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu mặt đường.
Từ đây, ACV kiến nghị Bộ GTVT xem xét thống nhất phương án, chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Liên Khương, để ACV có cơ sở sớm triển khai các thủ tục tiếp theo, nhằm khắc phục triệt để những hư hỏng trên đường CHC, đường lăn, đảm bảo cảng được khai thác an toàn, ổn định và lâu dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận