Đường bộ

Hơn 60% thanh thiếu niên đi xe máy trái phép, cách nào đảm bảo an toàn?

01/02/2023, 16:21

Tỷ lệ sử dụng xe máy trái phép trong thanh thiếu niên tại TP. HCM là 61%, các chuyên gia cho rằng cần có các biện pháp để ngăn chặn kịp thời.

Chưa đủ tuổi vẫn ngang nhiên đi xe máy

TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, ông cùng các cộng sự mới đây đã thực hiện xong cuộc khảo sát với 832 phụ huynh có con vị thành niên (độ tuổi từ 16-18 tuổi) tại TP. HCM về tỷ lệ sử dụng xe máy của thanh thiếu niên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sử dụng xe máy trái phép trong thanh thiếu niên TP. HCM là 61%.

img

Tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội

Trong đó, những thanh thiếu niên lớn lên trong các gia đình có điều kiện kinh tế có xu hướng sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi nhiều hơn. Các bậc phụ huynh cũng cho rằng việc các con điều khiển xe máy là hữu ích, dễ sử dụng. Số khác thì chiều theo sở thích của con và cho rằng lực lượng chức năng ít có sự kiểm tra, xử lý.

Theo thống kê, tính đến năm 2020, có hơn 70 triệu xe máy đã đăng ký tại Việt Nam, khoảng 55 triệu trong số đó đang hoạt động. Đối với người trưởng thành, việc sở hữu xe máy gần như phổ biến.

Báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (năm 2021) nhấn mạnh rằng gần 2/3 số vụ va chạm giao thông liên quan đến xe máy, tỷ lệ tử vong cũng cao, ở mức 26,4 người chết trên 100.000 người (theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018).

Đáng chú ý, trong số hơn 11.000 vụ va chạm được ghi nhận trong năm 2020 có 10,3% số vụ liên quan đến trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) đi xe hai bánh.

“Chúng tôi còn tiến hành khảo sát cả những phụ huynh hiện chưa có con điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi thì ¼ trong số họ cũng có ý định cho phép con cái làm điều này trong tương lai nếu khoảng cách di chuyển trên 3,4km và đòi hỏi phải sử dụng phương tiện cơ giới để đi lại”, TS Hiếu nhấn mạnh và cho biết, qua nghiên cứu còn cho thấy nhận thức về việc thực thi Luật Giao thông đường bộ của các thanh thiếu niên cũng như phụ huynh còn kém cũng là một yếu tố khiến rủi ro xảy ra va chạm giao thông trong quá trình các em học sinh điều khiển xe máy nhiều hơn.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định, trẻ em dưới 16 tuổi không được phép tự đi xe máy và thanh thiếu niên từ 16 tuổi đến 18 chỉ được đi xe hai bánh có động cơ dưới 50 cc. Khi đủ 18 tuổi, thanh niên đủ điều kiện để thi và lấy bằng lái xe mô tô. Thanh thiếu niên đi xe không có giấy phép (cũng như người giao xe cho điều khiển) sẽ bị phạt tiền và có thể bị gửi thông báo về trường học để nhắc nhở, kỷ luật và bị lực lượng CSGT tịch thu phương tiện.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thanh thiếu niên điều khiển xe máy trái phép vẫn đang diễn ra tràn lan khắp các thành phố của Việt Nam. Tại các nước thu nhập thấp và trung bình khác ở Châu Á và Châu Phi cũng gặp phải vấn đề tương tự. Ví dụ, ở Thái Lan, trẻ em 9 tuổi đã đi xe máy đến trường.

img

Các chuyên gia đề xuất cần sửa Luật quy định từ 16 tuổi được điều khiển xe máy và phải thi GPLX một cách nghiêm ngặt

Cách nào đảm bảo an toàn?

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng cần phải có ngay những can thiệp và giải pháp ngăn chặn việc sử dụng xe máy trái phép của thanh thiếu niên hiện nay, mục tiêu là cải thiện sự an toàn cho lứa tuổi này khi tham gia giao thông, thay vì xử phạt vi phạm.

TS Hiếu cho biết, việc lực lượng chức năng cần thực thi nghiêm việc tuần tra kiểm soát vi phạm giao thông, đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên là cần thiết nhưng khó khả thi trong điều kiện giao thông đông đúc như vào giờ cao điểm ở TP. HCM hay Hà Nội.

Từ đó cho rằng đề xuất hợp lý và hiệu quả hơn cả đó là sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cho phép thanh thiếu niên dưới 16 tuổi được điều khiển xe máy nhưng phải trải qua một khoá đào tạo kỹ lưỡng và thi Giấy phép lái xe một cách nghiêm ngặt.

Bởi mục tiêu hàng đầu đó là đảm bảo an toàn cho lứa tuổi này tham gia giao thông, muốn thế, bản thân người điều khiển phải nắm được Luật GTĐB và có kỹ năng xử lý các tình huống có thể xảy ra trên đường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, cơ quan quản lý nên nghiên cứu việc cấp chứng chỉ lái xe dành cho học sinh từ 16-18 tuổi. “Có thể xây dựng bộ câu hỏi và bài thi thực hành riêng, tập trung vào những kiến thức cơ bản, đơn giản phù hợp với lứa tuổi thanh, thiếu niên”, TS. Tạo nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.