Mọi người biết đến Đại tá Nguyễn Đăng Giáp là một doanh nhân tài ba, mẫu mực, một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới sự nghiệp gắn liền với vai trò lãnh đạo một doanh nghiệp lớn của quân đội, với những bước thăng trầm để rồi phát triển lớn mạnh, vững chắc của tổng công ty. Nhưng, ông không chỉ là một doanh nhân lớn, mà còn là một con người của thơ ca.
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Tổng giám đốc Tổng Công ty 36 - CTCP đã đi từ thành công lớn trong lãnh đạo doanh nghiệp đến ghi dấu đậm nét qua những trang thơ mà ông chính là tác giả. Tôi chưa có điều kiện thống kê hết, nhưng được biết ông đã làm vài chục bài thơ, có cả những bài đậm chất trường ca. Tự sự có, triết lý có, cảm xúc cuộc sống có và cả những bài thơ mang tính “tổng kết” một chặng đường nhiều gian khó nhưng cũng đầy ắp vinh quang của chính mình. Nhưng dù ở góc độ nào, chủ đề nào, thơ của Nguyễn Đăng Giáp vẫn có hai yếu tố căn bản nhất đó là cảm xúc thơ và ý nghĩa bài thơ.
Thực ra, câu chuyện doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp làm thơ không phải “chuyện bây giờ mới kể”, bởi điều đó có từ khá lâu rồi. Ông làm thơ đơn giản là để ghi lại những chuyện đời, những công việc, những suy nghĩ bằng cảm xúc thực của mình, phục vụ cho chính nỗ lực vươn lên, trui rèn ý chí và đúc rút kinh nghiệm sống và làm việc. Thơ đồng thời như người bạn tâm tình để ông bày tỏ cảm xúc của mình về quê hương, đất nước, con người, gia đình, đồng đội… gửi gắm tình cảm với bạn bè, những vùng đất, những làng quê mà ông đã đến, một thời gắn bó, cơ duyên... Thơ giúp ông thanh thản, gần gũi mọi người hơn. Đó là một trong những nét đẹp trân quý ở ông, một con người tài ba. Trên một vài trang báo, thật khó có thể nói đầy đủ và sâu sắc về “góc thơ” trong con người ông, nhưng qua một lát cắt về cảm xúc thơ ấy, có thể cảm nhận được cái tinh túy và hồn thơ ở ông.
“Nắng ấm giữa mùa đông Hà Nội” là một trong những bài thơ đầy ý nghĩa của doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp. Trong quy luật của đất trời, của tự nhiên, mùa đông đồng nghĩa với sự khắc nghiệt về thời tiết và thường hàm chứa cảm giác “buồn bã”, với bầu trời u ám, mưa phùn, gió bấc lạnh thấu xương. Còn trong lòng người, cảm giác lạnh lẽo thường tượng trưng cho sự cô đơn, cho nỗi buồn canh cánh… Chính trong “mùa đông” lạnh lẽo ấy, nếu có chút nắng ấm sẽ cảm thấy vô cùng đáng quý và sẽ không còn cảm thấy buồn, cô đơn nữa. Ý nghĩa sâu xa đó đã được thể hiện trong bài thơ Nắng ấm giữa mùa đông Hà Nội.
Khổ đầu của bài thơ mang đến chút cảm giác có thực đó, khi mà “Hoa cúc sắp tàn cho bàng trút lá”, cho “sông Hồng trở gió” và… “Những con tàu xuôi ngược về đâu?”. Có chút… bâng khuâng khi thu hết, đông về. Nhưng, với Nguyễn Đăng Giáp, nỗi bâng khuâng ấy thực sự không kéo dài, cũng không phải cứ ngồi đó mà chịu trận để cho nỗi buồn gặm nhấm. Nếu không có được nắng ấm thì ông tìm cách tạo ra nắng ấm ngay giữa mùa đông. Đương nhiên, để có thể làm được như vậy, con người cần có bản lĩnh, trí tuệ và niềm lạc quan. Cái gốc ở đây như tác giả lý giải đó chính là tình yêu với vùng đất mình đã gắn bó bấy lâu (Hà Nội).
“Hà Nội với tôi là mối tình đầu” và “cho những công trình nhuốm bụi thời gian”. Có như vậy mới yên lòng “dâng hết những tháng ngày còn lại”, để vẫn cảm nhận được nắng ấm giữa mùa đông, mới có được cái cảm giác “đông về” mà “con tim ta vẫn cháy” làm nên ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn. Nắng ấm có được giữa mùa đông ở Nguyễn Đăng Giáp còn vì ông đã có những năm tháng vất vả, gian truân, nhuộm màu sương gió, để lẽ đời thêm đậm nỗi truân chuyên. Những năm tháng dài tận lực cống hiến, tận tâm dâng đời những trái ngọt của sự nghiệp một doanh nhân. Dẫu là “Thời trai qua đi như trút lá vàng”, như con tằm rút ruột nhả tơ, nhưng ông không tiếc nuối, mà có thể tự hào về hành trình dài như thế.
Để giờ đây ông có được “Ân nghĩa thủy chung đong đầy năm tháng” và cho ông “hiểu thêm thế thái nhân tình”. Những cái được ấy thật sự vô giá trong đời người. Nhờ thế mà ngay giữa mùa đông lạnh giá này, ông vẫn có được “…niềm vui bất tận/như mặt trời thắp lửa giữa ngày đông”. Luật nhân quả là vậy. Với Nguyễn Đăng Giáp, mọi người vẫn nhìn nhận về tính cách “bạch thoại”, thẳng thắn mà chân tình của ông.
Cảm xúc trong thơ của Nguyễn Đăng Giáp luôn gắn liền với cái thực của cuộc sống ông trải qua, cái thực ấy được gieo vào hồn thơ để ông có được những bài thơ sâu lắng và xúc động không chỉ cho riêng mình. Cảm xúc ấy đã làm ấm con tim để tim ông ngân lên “bản giao hưởng sông Hồng” rạo rực. Đó là cái kết quý giá của tinh thần lạc quan, của phong cách người lính cách mạng, của con người Nguyễn Đăng Giáp bấy lâu nay.
Không chờ “hết mưa lại nắng hửng lên thôi”, mà ngay trong “mưa” ông vẫn biết tạo ra cho mình sự “ấm nóng” của tình người, của niềm lạc quan vốn đã thành bản lĩnh. Vì thế mà với ông, đến cái lạnh của tự nhiên cũng không thể đọng lại lâu được, để nhường chỗ nắng ấm giữa mùa đông: “Sương giá Tây hồ sẽ qua rất vội/Mở lối ta về nắng ấm mùa xuân”. Mùa xuân là mùa vui, mùa của sự tươi mới, trẻ trung.
BẾN ĐỜI !!!
Nguyễn Đăng Giáp
(Làm trong đêm nhận giải Doanh nhân thế giới)
“Hồng kông thuở ấy” - bây giờ
Doanh nhân thế giới bến bờ rạng danh
Hành trình Tam Tạng lấy kinh
Biết bao ma quỷ yêu tinh ngáng đường
* *
*
Đi từ đất mẹ Nghi Trường
Thư sinh gác bút lên đường chiến chinh
Cho dù cỏ chẳng hề xanh
Công thành danh toại có dành đợi ta?
* *
*
Chiến trường 3 nước từng qua
Vào sinh ra tử xông pha chẳng sờn
Một thời bom đạn Trường Sơn
Lên đèo xuống vực không chồn chân anh
* *
*
Chăm Pa một thuở tung hoành
Mường Phìn Xa Vẳn nghĩa tình keo sơn
Như máu thắm chảy về tim
Hà thành điểm hẹn anh em một nhà
* *
*
Thương trường địa võng thiên la
Trăm nghìn phép thử để ta hiểu đời
Mới hay đen bạc đời người
Nghĩa tình còn mãi - vàng thời phôi pha
* *
*
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Nhân gian đâu muốn dùng tài
Chữ tài đánh đổi chữ tai nhiều lần
* *
*
Phúc phần - Nhân quả - Tổ tiên
Cho ta gặp được thánh hiền quý nhân
Hiên ngang trong cõi vô thường
Đối nhân xử thế minh tường dưới trên
* *
*
Làm trai đứng giữa cõi trần
Ân - Uy - Trí - Tín mười phân vẹn mười
Thuyền nay đã cập bến đời
Nhiễu điều xin gửi lại người ta yêu
* *
*
Ngẫm ra trời đã về chiều
Thời gian nghiệt ngã chẳng chiều lòng ai
Mong cho ngày rộng tháng dài
Để ta trả hết những ai nợ nần
* *
*
Có là áo mũ đai cân
Thì ta vẫn cứ chữ nhân cương thường
Đã đi gần trọn đoạn trường
Từ không đến có rạng hồng ánh dương
* *
*
Cuộc đời trăn trở gió sương
Vinh quang đã trải đau thương đã từng
Đi qua thang bậc cửu trùng
Giờ đây chính quả bách tùng hiên ngang.
Hồng Kông 15/11/2018
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận