Thời sự

Hợp nhất các bộ, cân nhắc nhiều thứ

21/02/2020, 06:48

Thông tin Viện Khoa học tổ chức nhà nước (thuộc Bộ Nội vụ) vừa qua đề xuất hợp nhất một số bộ, giảm một phó thủ tướng được dư luận khá quan tâm.

img

Báo chí đưa tin tại Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026”, lãnh đạo Viện Khoa học tổ chức Nhà nước đề xuất nên rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thành Bộ Tài chính - Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.

Viện cũng đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số bộ, cơ quan ngang bộ, như thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi tên thành Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo; điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo; thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa, Thể thao và Thanh niên.

Viện này cũng cơ cấu nhân sự của Chính phủ gồm Thủ tướng, giảm một Phó Thủ tướng.

Nhiều độc giả đã gửi thư, bình luận về Báo Giao thông cho rằng phân tích của Viện khá phù hợp với xu thế của thế giới.

Bạn đọc Lê Hồng Linh (Hà Nội) viết: Các nước lớn trên thế giới như Nga, Trung Quốc cũng chỉ có lần lượt 21 và 25 bộ, Mỹ 15 bộ… Việt Nam cũng nên giảm gọn đầu mối, bớt số lượng công chức nhà nước, tăng thu nhập cho cán bộ.

Bạn đọc Tuấn Vũ (TP HCM) lại cho rằng, quan trọng nhất là giảm các khâu trung gian, tăng trách nhiệm của cán bộ với các quyết định thuộc lĩnh vực được giao phụ trách. Giảm số Bộ ngành chưa chắc đã hay bằng tinh giản bộ máy của từng Bộ. Miễn sao hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên.

Bạn đọc Hoài An (Đà Nẵng) thì cho rằng, phải cân nhắc thật thận trọng trước khi hợp nhất các bộ. Mỗi lần thay đổi tổ chức là xáo trộn nhân sự, bộ máy gây ra nhiều hệ lụy. Nếu không có căn cứ, cơ sở khoa học mà thay đổi vì thấy bộ này to quá, bộ kia nhỏ quá thì cuối cùng vẫn chồng chéo nhiệm vụ, không hiệu quả.

Bạn đọc Lý Anh Tuấn (Bình Dương) lại đề xuất ngoài hợp nhất các bộ ngành nên sáp nhập các tỉnh. Việt Nam có quá nhiều tỉnh bé, không có nguồn lực để phát triển. Chỉ cần 20-30 tỉnh và chính quyền thành phố là vừa.

Không chỉ có bộ máy bộ ngành cần thu gọn mà phải tiếp tục giảm đầu mối cơ sở chính quyền địa phương, nhiều tỉnh thu không đủ chi có giỏi điều hành đến mấy cũng khó thoát được những hạn hẹp vốn có từ địa giới hành chính, tài nguyên của tỉnh mình - bạn đọc Lý Anh Tuấn viết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.