Văn hóa - Giải Trí

Hotgirl, nghệ sỹ kiếm bộn tiền nhờ quảng cáo trên mạng xã hội

26/06/2020, 06:14

Công việc quảng cáo tại các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đã giúp nhiều nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu, hotgirl kiếm bộn tiền.

img
Trang fanpage của Fanny Tran có gần 740.000 người theo dõi

Số tiền mà họ kiếm được gấp rất nhiều lần cát-xê đóng phim, đi sự kiện hay chụp hình quảng cáo. Ngay cả những người có ảnh hưởng cũng ngày càng lấn sâu vào thị trường này. Ngày càng nhiều nhãn hàng tìm đến họ, trực tiếp góp phần khiến doanh thu quảng cáo trên báo chí sụt giảm nghiêm trọng.

Nghệ sĩ, hoa hậu đều lấn sân quảng cáo

Nhiều năm trở lại đây, truyền thông báo chí gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội về mặt thông tin cũng như mảng kinh doanh quảng cáo. Số người sử dụng Facebook, Instagram, YouTube, Blog… tại Việt Nam hiện lên đến 62 triệu người trong năm 2019, chiếm 64% dân số, tăng 7% so với năm 2018 (theo Vnetwork), đủ để thấy mạng xã hội lợi hại thế nào.

Cũng vì sự thuận tiện, hiệu quả và tính đo lường tương đối của quảng cáo KOL, Influencer nên báo chí truyền thông bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các kênh nhỏ lẻ này, đẩy các đơn vị báo chí vào thế ngày càng khó khăn.
Mạng xã hội là kênh quảng cáo lớn thứ ba trong năm nay, với 13% thị phần quảng cáo toàn cầu, sau truyền hình (29%) và tìm kiếm phải trả tiền (17%). Nếu như, trước đây nguồn thu quảng cáo chiếm tới trên 80% doanh thu của một tờ báo, nay rất nhiều tờ báo đặt ra chiến lược kiếm tiền từ độc giả.
Đây là xu thế chung của toàn thế giới, buộc báo chí chính thống phải sống chung với sự cạnh tranh của mạng xã hội. Tuy nhiên, báo chí chính thống tại Việt Nam vẫn có thể đua tranh bằng nội dung chất lượng cao, độc quyền.
Bà Lê Thị Ngọc Phương, chuyên gia marketing


Trong số 62 triệu người, có 5% là những người có ảnh hưởng, được gọi chung một cái tên KOL (Key Opinion Leader - người nổi tiếng có nhiều fan, có tầm ảnh hưởng, được nhiều người biết đến), Influencer (người có sức ảnh hưởng). Bà Chang Trần, Giảng viên thuộc chương trình của Google ở Việt Nam cho biết, xu hướng sử dụng KOL (hoặc Influencer) quảng cáo trên mạng xã hội phổ biến trong vài năm trở lại đây. Họ có thể là các nhà báo, nghệ sĩ, ngôi sao bóng đá đang được mến mộ, cũng có thể là một blogger, chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó. Họ đều sở hữu lượng tương tác “khủng” trên YouTube, Facebook, Instagram… và có lượng fan không hề nhỏ.

“Hình thức quảng cáo KOL qua mạng xã hội đa dạng, linh hoạt hơn, tiết kiệm và hiệu quả hơn rất nhiều so với hình thức quảng cáo truyền thống. Để quảng cáo trên báo chí, nhãn hàng phải chi ra từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng cùng với hàng loạt chiến dịch marketing khác nhau. Trong khi đó, chi phí quảng cáo trên mạng xã hội cũng tương tự nhưng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Hiệu quả quảng cáo cũng được đo lường cụ thể qua số lượng lượt xem, phản hồi của khách hàng”, bà Chang Trần cho hay.

Thực tế, công việc này giúp KOL kiếm bộn tiền hơn mức thu nhập chính của mình. Với các nhân vật sở hữu lượng follow và tương tác lớn, nguồn thu nhập có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chúng tôi đã thử cập nhật nhanh các kênh KOL và Influencer để biết mức giá đưa ra quảng cáo thương hiệu, thấy rất rõ con số lớn hơn hẳn các tin, bài quảng cáo lẻ tại chuyên mục của nhiều tờ báo lớn. Trang fanpage của Đàm Vĩnh Hưng sở hữu trên 3 triệu người theo dõi, anh ít khi chịu đăng bài (post) của một nhãn hàng nào trên fanpage này. Nhưng nếu có, cái giá có thể lên đến tiền tỉ, thậm chí đến gần 1 triệu USD. Tuy nhiên, có những bài đăng anh gần như miễn phí vì mối quan hệ bạn bè, lợi ích cộng đồng...

Bản thân người mẫu Ngọc Trinh, với hơn 1 triệu người theo dõi trên fanpage, giá cũng trên 7.000 USD/post (khoảng hơn 160 triệu đồng). Các nghệ sĩ thuộc dàn diễn viên “vàng” của VFC hay những nghệ sĩ phía Nam thường xuyên xuất hiện trên phim truyền hình tại thời điểm hot nhất, giá trung bình từ 30 - 70 triệu đồng/post, tùy vào độ yêu mến của khán giả và lượng người theo dõi trên Facebook cá nhân cũng như fanpage, Instagram, Youtube…

Với nghệ sĩ có tên tuổi, xuất hiện trên sóng truyền hình, họ thường là những đối tượng được các nhãn hàng quan tâm nhiều nhất. Họ phù hợp với nhiều nhãn hàng, nên độ phủ sóng truyền thông của các nghệ sĩ này rất cao. Họ như 1 kênh quảng cáo thương hiệu trực diện hiệu quả hơn báo chí.

Tuy nhiên, có nhiều nhân vật hotgirl, hotboy cũng tham gia thị trường quảng cáo này. Fanny Trần (tên thật Trần Y Phụng, SN 1997) là cái tên khá nổi trong cộng đồng streamer và cũng đang là hotgirl được nhiều nhãn hàng tin tưởng. Cô được dân mạng chú ý qua những Vlog hài hước, kèm theo đó là những bản cover khoe giọng hát ngọt ngào.

Trang cá nhân Facebook của cô có hơn 65.000 lượt theo dõi, 739.000 người theo dõi trên fanpage, hơn 87.000 người theo dõi trên Instagram và 783.000 người đăng ký trên Youtube. Mỗi bài chia sẻ của cô thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác. Hot girl 9x này cho biết, thu nhập của công việc này chiếm đến 80% tổng thu nhập của cô trong 1 tháng. Trung bình 1 tháng, cô nhận được khoảng 10 - 15 lời mời quảng cáo.

Trong khi đó, hot girl The Voice Juky San (tên thật Trần Dung, SN 1998) tiết lộ, thu nhập từ công việc quảng cáo trên trang cá nhân Facebook hơn 74.000 người theo dõi và một số trang mạng xã hội khác chiếm 40% so với tổng thu nhập của cô. Ngoài ra, cô gái 22 tuổi còn cho biết, cát- xê ý nghĩa hơn cô nhận được từ công việc này đó là niềm vui, có cơ hội được củng cố hình ảnh và trau dồi thêm các kỹ năng cần thiết của một nghệ sĩ.

Thấy rõ thị trường béo bở này, nhiều hotgirl có lượng theo dõi “khủng” trên mạng xã hội còn tự thành lập một đội ngũ ê-kíp riêng, chuyên để thực hiện công việc quảng cáo cho các nhãn hàng trên mạng xã hội.

Kiếm tiền của nhãn hàng không dễ

img
Juky San là một trong những hot girl kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo trên mạng xã hội

Nhiều hotgirl sở hữu lượng follow và fan lớn, vì thế nhiều doanh nghiệp, công ty tìm đến họ để ký kết hợp đồng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội. Công việc của các cô gái là sẽ viết status, đăng ảnh selfie cùng sản phẩm, livestream tương tác với khán giả hoặc quay video đánh giá sản phẩm, sau đó đăng tải lên mạng xã hội, YouTube.

Fanny Trần cho biết, dù nhận được nhiều lời mời quảng cáo nhưng cô chỉ đồng ý thực hiện khoảng 70% trong số đó. Bởi, cô không thể biến trang cá nhân thành một kênh bán hàng hay rao bán hàng. Chưa kể, cô cũng đã phải mất 1-2 tuần để trải nghiệm và tìm hiểu sản phẩm trước khi thực hiện một hợp đồng quảng cáo.

Fanny Trần cho biết, bước đầu tìm hiểu độ tin cậy của sản phẩm đã không dễ dàng. Việc lên kế hoạch thực hiện cũng khiến cô và ê-kíp đau đầu, sao cho sản phẩm vừa làm hài lòng nhãn hàng, vừa giữ được “chất” riêng của bản thân. Tùy vào mỗi hợp đồng và tính chất của hợp đồng sẽ có những bước thực hiện khác nhau. Mỗi đợt quảng cáo, nếu là post ảnh, cô phải đảm bảo từ 1 - 3 post, trong khi đó quảng cáo bằng hình thức video chỉ cần 1 sản phẩm - có thể là livestream hoặc quay video. Trong đó, hình thức livestream ít kỳ công hơn vì nhãn hàng cũng sẽ lên kịch bản sẵn, bản thân cô chỉ cần truyền tải lại sao cho tự nhiên, dễ hiểu nhất. Còn hình thức tự làm video sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Về cơ bản, để thực hiện một video quảng cáo, cô và ê-kíp phải lên kế hoạch cụ thể ở từng công đoạn.

“Mỗi lần thực hiện ê-kíp của tôi cần 3 - 4 người. Nhiều hợp đồng có deadline gấp thì chúng tôi phải làm việc nhiều hơn bình thường rất nhiều. Có khi ê-kíp phải chỉnh sửa phản hồi của khách rất nhiều lần hoặc phải đi chụp hoặc quay lại khá nhiều nhưng mọi người vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể để đúng với ý như các nhãn hàng mong muốn. Chi phí của mỗi lần quay và chụp thường rơi vào khoảng tầm 1 - 3 triệu đồng”, Fanny Trần cho hay.

Dễ thấy, dù công việc này không đơn giản, lắm rủi ro nhưng lại là thị trường kiếm tiền màu mỡ. Các hotgirl, nghệ sĩ, thậm chí hoa hậu cũng chịu đầu tư nhiều công sức để có dấu tick xanh với lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội hay đạt nút vàng, nút bạc trên YouTube để tăng cơ hội kiếm tiền và cát-xê quảng cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.