Dịch vụ PV Gas

Huấn luyện ATVSLĐ cho người làm công tác quản lý

30/06/2016, 09:56

Ngày 28-29/6/2016, Ban An toàn - Sức khỏe - Môi trường đã tổ chức huấn luyện cho 150 cán bộ quản lý PV GAS.

IMG_9769

PV GAS tổ chức huấn luyện ATVS lao động cho người làm công tác quản lý

Trong các ngày 28 và 29/6/2016, Ban An toàn - Sức khỏe - Môi trường (ATSKMT) PV GAS đã phối hợp Cục An toàn lao động (thuộc Bộ lao động Thương Binh xã hội) tổ chức các lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho gần 150 cán bộ quản lý của PV GAS và các đơn vị trực thuộc thành viên, từ cấp Trưởng – Phó các phòng/ban, Lãnh đạo các đơn vị. Giảng viên đứng lớp huấn luyện là ông Nguyễn Trung Sơn – Nguyên Phó Ban Chính sách Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngày 25/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật An toàn, Vệ sinh Lao động số 84/2015/QH13 (sau đây gọi là Luật ATVSLĐ năm 2015). Ngay sau đó, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 12/2015/L-CTN ngày 9/7/2015 công bố Luật ATVSLĐ năm 2015. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Kế thừa, phát triển pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Chương IX Bộ Luật Lao động năm 1994 đã tập hợp, hoàn thiện và điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực ATVSLĐ. Đến Bộ luật Lao động năm 2012, tại Chương IX đã bổ sung thêm về nội dung ATVSLĐ, nhằm góp phần ổn định sản xuất, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa và ổn định... Sau gần 20 năm thi hành các quy định ATVSLĐ của Bộ luật Lao động cơ bản, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp cũng như kỹ thuật công nghệ mới, thì những yêu cầu về đảm bảo ATVSLĐ và phúc lợi xã hội đã đặt ra những thách thức mới.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về ATVSLĐ và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ. Tuân thủ các quy định tại các Công ước của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập, việc nội luật hóa các quy định tại Công ước phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam cũng là một yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, việc xây dựng Luật ATVSLĐ năm 2015 là hết sức cần thiết.

IMG_9833

 

Luật được xây dựng dựa trên cơ sở thi hành Hiến pháp năm 2013, thể chế hoá mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; định hướng bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác ATVSLĐ.

Luật mới đặc biệt chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác ATVSLĐ; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất; gắn ATVSLĐ với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về ATVSLĐ; đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định, tư vấn kỹ thuật ATVSLĐ; đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thông qua các hoạt động phòng ngừa, bảo đảm quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chia sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động và xã hội.

Đây cũng là văn bản pháp lý được tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng Luật an toàn, vệ sinh lao động của một số quốc gia trong khu vực và thế giới; Tuân thủ các thông lệ quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

IMG_9775

 

Tại Lớp tập huấn, các cán bộ quản lý PV GAS đã được giới thiệu, tham gia tìm hiểu sâu về Luật ATVSLĐ năm 2015 gồm 7 chương, 93 điều, các Nghị định hướng dẫn kèm theo (nghị định 37/2016/NĐ-CP, nghị định 39/2016/NĐ-CP, nghị định 44/2016/NĐ-CP), đặc biệt nhấn mạnh đến những nội dung điều chỉnh, bổ sung, đổi mới và chi tiết hóa các vấn đề chuyên sâu. So với nội dung ATVSLĐ trong Bộ luật Lao động năm 2012, Luật mới này quy định bao quát và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ; ngoài quy định về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, còn quy định về tổ chức công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...; đặc biệt là điều chỉnh cả đối tượng thực thi Luật.

Qua lớp huấn luyện, các học viên nhận thấy cùng với Luật mới được triển khai, Chính sách của Nhà nước về ATVSLĐ được quy định toàn diện, từ chủ động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng cơ chế đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt, hỗ trợ huấn luyện cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động..., đến việc tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong quá trình lao động…; yêu cầu nghiêm về việc tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.

Vai trò của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp; vai trò của các cấp lãnh đạo trong đơn vị, doanh nghiệp cũng được nhấn mạnh trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.

Tại Lớp tập huấn đã diễn ra nhiều phương thức truyền đạt như thảo luận, tìm hiểu các ví dụ thực tế thông qua hình ảnh, đoạn phim tình huống... Đây là cách tiếp cận hợp lý với thông tin Luật mới, nhằm hỗ trợ việc triển khai Luật ATVSLĐ năm 2015 tại PV GAS được thông suốt và hiệu quả trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.