Huế xây dựng mô hình “thành phố không tiếng còi xe”

08/08/2017, 13:17

Huế ấp ủ kế hoạch trở thành thành phố “không tiếng còi xe” đầu tiên tại Việt Nam để giảm ô nhiễm tiếng ồn...

14

Huế đang ấp ủ mô hình thành phố không còi xe (ảnh lớn) Logo tuyên truyền chương trình “Huế không tiếng còi xe” (ảnh nhỏ)

Ô nhiễm tiếng ồn từ còi xe vô tội vạ

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại các tuyến đường chính trên địa bàn TP Huế, tình trạng sử dụng còi xe vô tội vạ diễn ra phổ biến. Vào giờ cao điểm, các phương tiện đổ dồn ra trục đường chính Lê Lợi, Hùng Vương, Lê Duẩn… khiến các giao lộ trở nên ùn ứ cục bộ. Ô tô, xe máy chen lấn lưu thông. Tiếng còi từ các phương tiện phát ra inh ỏi. Người xin đường, xin vượt, thậm chí không ít người điều khiển phương tiện vô tư bấm còi dù không cảnh báo các phương tiện khác.

Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ kinh doanh trên đường Hùng Vương (TP Huế) cho hay: “Ở đâu cũng thế thôi, không riêng Huế, nạn còi xe diễn ra phổ biến. Mình sống ngay mặt đường nên ngày nào cũng lĩnh đủ thứ âm thanh này. Một số người đi xe lên vỉa hè, vào quán cũng bấm còi chỉ để “chào nhau”.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn (trú tại phường An Cựu, TP Huế), nhà gần chợ nhưng người đi chợ chưa đông mà các thành viên trong gia đình đã phải tỉnh giấc vì phương tiện qua lại bấm còi liên tục. “Theo tôi, sử dụng phương tiện giao thông nói chung và sử dụng còi nói riêng cần phải có văn hóa, lịch sự, đúng mức và hợp lý, khi đó sẽ phát huy hiệu quả cao”, ông Toàn nói.

Không phải ngẫu nhiên tại buổi Tọa đàm “Doanh nghiệp vận tải với văn minh đô thị” do Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức mới đây, câu chuyện còi xe lại được các chuyên gia giao thông, nhà quản lý tập trung thảo luận. Theo các chuyên gia, có một thực trạng “vô hình” đang là nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường từ tiếng ồn tại TP Huế và làm cho giao thông trở nên lộn xộn hơn, đó là tiếng còi xe, tiếng động cơ rú... Thậm chí, dưới nhiều góc độ, ô nhiễm tiếng ồn có hại cho sức khỏe và có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng hiện tượng bạo lực trong giao tiếp. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp cãi cọ, xích mích vì tiếng ồn.

Những vấn đề đó xuất phát từ cách hành xử chưa hợp lý, thiếu ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân. TP Huế không phải là đô thị có dân số thuộc dạng quá đông ở Việt Nam, tuy nhiên các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, ô tô liên tục tăng bởi nhiều lý do dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn...diễn ra thường nhật.

Lộ trình dài hơi lập "trật tự còi xe"

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, đơn vị phối hợp triển khai cuộc vận động “Huế không tiếng còi xe” nhằm mục đích kêu gọi người tham gia giao thông trên địa bàn TP Huế sử dụng còi xe hợp lý, hạn chế tiếng ồn trong đô thị, nâng cao văn hóa ứng xử trong giao thông, hướng đến mục tiêu xây dựng TP Huế trở thành đô thị du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Đặc biệt, chương trình được UBND tỉnh chấp thuận, khuyến khích triển khai.

Theo đó, Huế sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể như: Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hưởng ứng chương trình “Huế không tiếng còi xe”; Thiết kế, xây dựng và in ấn logo, biểu tượng, băng rôn; Triển khai trang trí logo, biểu tượng chương trình trên các phương tiện tham gia giao thông thuộc các cá nhân, đơn vị mình…

Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, bản thân ông 6 tháng qua đã thử lái xe với thói quen không bấm còi và thấy thật sự đổi khác. “Tôi lái chậm hơn, cẩn thận hơn, biết nhường nhịn đường hơn, đi đúng đường hơn, mỗi lần lỡ đà theo thói quen cũ cắt đường của ai đó lại thấy mình có lỗi. Tất nhiên, cũng có lúc phải bấm còi trong trường hợp cần thiết. Nhưng tự thấy mình có thay đổi rất tích cực trong văn hóa tham gia giao thông”, ông Định chia sẻ.

Ông Trung cho rằng, cần hiểu chính xác thông điệp “không tiếng còi xe” không có nghĩa là không còn dùng đến còi xe nữa. Trong những tình huống cần thiết để đảm bảo ATGT, còi xe vẫn là điều cần thiết. “Ở đây, cuộc vận động hướng đến kêu gọi mọi người hãy sử dụng còi xe văn minh, biết hạn chế tiếng còi xe ở những trường hợp không cần thiết để giảm thiểu tiếng ồn”, ông Trung nói.

Thống kê bước đầu đã có khoảng 2.500 logo biểu tượng “Huế không tiếng còi xe” được các đơn vị như doanh nghiệp vận tải, taxi Huế... nhận về để phổ biến trong đơn vị mình. Các đơn vị đều cho thấy tinh thần ủng hộ rất cao đối với chương trình vận động này. Bản thân mỗi người khi đồng ý dán biểu tượng lên phương tiện của mình cũng có nghĩa họ đã hiểu và có trách nhiệm hơn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cũng theo ông Hoàng Việt Trung, so với các đô thị khác, TP Huế vẫn có nhiều thuận lợi khi tính cách người dân Huế tương đối ôn hòa, ý thức chấp hành văn hóa giao thông khá tốt. Hiện tại, ở Huế vẫn chưa xảy ra tình trạng tắc đường vượt quá tầm kiểm soát như các đô thị lớn Hà Nội, TP.HCM. Vì vậy, việc triển khai cuộc vận động dù bước đầu có khó khăn nhưng rất khả thi. Việc làm này nên thực hiện từ bây giờ là thích hợp, trước khi giao thông trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát.

“Thuận lợi là cuộc vận động này không tốn kém nhiều kinh phí mà phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi người, vì vậy để đạt hiệu quả tốt cần phải có thời gian và sự chung tay của cả cộng đồng”, ông Trung chia sẻ.

Theo ông Võ Văn Tươi, Phó giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, chương trình đòi hỏi sự kiên trì, một lộ trình dài hơi để rèn luyện, tạo thói quen, xây dựng ý thức lâu dài cho người tham gia giao thông. Gần đây, ngành GTVT triển khai khá nhiều giải pháp để người tham gia giao thông ý thức hơn như treo, dán các khẩu hiệu tuyên truyền: “Sử dụng còi đúng quy định” hoặc đi ban đêm bật đèn cốt chứ không bật đèn pha...

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho rằng, Huế là một trong những thành phố yên tĩnh, đó là một giá trị cần duy trì và phát triển. Cuộc vận động “Thành phố không tiếng còi xe” rất thiết thực, tăng thêm nhiều giá trị và hình ảnh cho thành phố du lịch cố Đô. Ông Trung đồng quan điểm: “Nếu Huế trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam không có tiếng còi xe sẽ là một sự độc đáo. Điều này không chỉ góp phần đưa Huế trở thành đô thị du lịch văn minh, yên bình, thân thiện mà còn hứa hẹn sẽ tạo ra một sự khác biệt để quảng bá hình ảnh du lịch, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.