Y tế

Hút thuốc lá tăng nguy cơ nhiễm virus, dễ mắc Covid-19

12/11/2021, 07:34

Trong bối cảnh dịch Covid-19, người hút thuốc càng thêm nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tử vong.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn đường hô hấp. Trong bối cảnh dịch Covid-19, người hút thuốc càng thêm nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tử vong.

img

Hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ nhiễm Covid-19. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Hút thuốc lá nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 39% nam giới và 9% nữ giới hút thuốc lá. Trong đó, hơn 70% trong số 1,3 tỷ người hút thuốc lá trên toàn thế giới thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ cần thiết để cai nghiện thành công.

“Việc thiếu tiếp cận các dịch vụ cai nghiện lại càng trở nên trầm trọng hơn khi lực lượng y tế đã được huy động để xử lý đại dịch Covid-19”, WHO đánh giá.

Một thông tin đáng ngạc nhiên khi WHO khuyến cáo, người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 gấp 1,5 lần. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người nhiễm Covid-19 có nguy cơ tử vong cao hơn.

PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) giải thích lý, do virus tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi mắc Covid-19.

Đồng thời, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh bày tỏ lo ngại tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong khi tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam lại đang ở mức cao; giá bán thuốc lá quá thấp, thuế thuốc lá chưa tăng đáng kể, người hút thuốc dễ dàng tiếp cận sản phẩm…

Các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... đang tìm mọi cách xâm chiếm thị trường với những chiêu trò quảng cáo tinh vi.

“Chất nicotin có trong thuốc lá rất dễ gây nghiện và tạo ra sự phụ thuộc. Nghiện thuốc lá có thể là nghiện hành vi, tâm lý... Chúng tôi khảo sát và nhận thấy, người nghiện thuốc lá có tâm lý sẽ hút thuốc lá khi uống cà phê cùng bạn bè để tìm cảm giác sảng khoái; hút thuốc lá trước khi bước vào giải quyết một tình huống căng thẳng, nguy hiểm… Tất cả những điều đó đang khiến người hút thuốc khó bỏ thói quen này”, ông Khuê thông tin.

Xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá

Cuộc điều tra do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Trường Đại học Y tế Công cộng phối hợp thực hiện, báo cáo kết quả trước Hội đồng Khoa học nghiệm thu của Bộ Y tế mới đây cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% xuống 21,7%, song đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ hút thuốc gia tăng hơn.

Cụ thể, 42% nam giới hút thuốc lá, giảm khoảng 3% so với năm 2015; tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, trong khi năm 2015 chỉ 1,1%. Đây là kết quả điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc lá thụ động) ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Y tế Công cộng cũng đưa ra cảnh báo, thuốc lá gây ra khoảng 25 bệnh khác nhau, trong đó có những bệnh nghiêm trọng như: Ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ...

Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non. Với phụ nữ mang thai, hít khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo với phụ nữ và cho rằng, khói thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam và nhiều nước.

“Cuộc điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá này sẽ làm cơ sở đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới, với những biện pháp can thiệp phù hợp trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam thời gian tới”, ông Khuê nói đồng thời kêu gọi những người chưa hút thì không hút thuốc lá, những người đang hút hãy bỏ thuốc.

Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà mọi người có thể làm cho sức khỏe của chính mình và người thân để giảm nguy cơ mắc Covid-19 và nhiều bệnh tật nguy hiểm khác.

Năm 2021, WHO chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá. Thông qua chủ đề này, kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.