UBND tỉnh Sơn La vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức đối tác công tư (PPP). Vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.
Cảng hàng không Nà Sản
Địa phương đã sẵn sàng
Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh ký cho biết, cảng hàng không Nà Sản được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236 và đã được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 249.
Đây là cảng hàng không nội địa cấp 4C và sân bay quân sự cấp I, là loại sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, công suất đến năm 2030 đạt 1,5 triệu hành khách/năm.
Dự kiến sẽ cần khoảng 2.000 tỷ đồng đầu tư xây mới sân bay này. Trong đó, phần vốn Nhà nước sẽ do tỉnh Sơn La cân đối, bố trí (khoảng 300 tỷ đồng) từ nguồn vốn đầu tư công, chủ yếu phục vụ cho công tác GPMB và tái định cư.
Khu vực thực hiện dự án Cảng hàng không Nà Sản đã được cắm mốc giới theo quy hoạch chi tiết được duyệt, đã cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.
Tỉnh sẽ ưu tiên dùng nguồn lực của địa phương để thực hiện GPMB và đã xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức đối tác công tư (PPP). Địa phương cũng đề nghị được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Kêu gọi nhà đầu tư có dễ?
Theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không rất lớn, do vậy cần thiết phải huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư.
“Xu thế chủ đạo trong huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không trên thế giới là mô hình PPP/nhượng quyền. Theo đó, Chính phủ chỉ giữ quyền sở hữu/kiểm soát các cảng hàng không lớn, đầu mối, có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia”, vị này nói và cho biết thêm, do kết cấu hạ tầng cảng hàng không có vai trò quan trọng và nhạy cảm với an ninh quốc phòng nên việc thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cần xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình, hình thức đầu tư và đối tác tham gia đầu tư phù hợp.
Theo đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), trong Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Nà Sản được xếp vào nhóm 3, cùng với Điện Biên, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Đây là các cảng hàng không ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm.
“Theo Đề án, Bộ GTVT chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Trường hợp địa phương không tiếp nhận, Bộ GTVT và ACV tiếp tục thực hiện quản lý, khai thác và đầu tư”, vị này cho hay.
Với Nà Sản, Chủ tịch tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh cho biết, hiện đã có các nhà đầu tư như Công ty CP Him Lam Thủ đô, Công ty CP Tập đoàn FLC… quan tâm nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức BOT.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia hàng không kỳ cựu cho biết, cho dù tiền đầu tư có thể của Nhà nước, có thể của tư nhân nhưng đều là nguồn lực của quốc gia. Mà muốn biết được có hiệu quả hay không, cần phải tính toán thật kỹ.
Được biết, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của UBND tỉnh Sơn La và đang trong quá trình lấy ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trả lời UBND tỉnh Sơn La.
Sân bay Nà Sản nằm cạnh QL6 thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La khoảng 20km về phía Nam.
Sân bay này được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1950. Đến đầu thập niên 1960 khôi phục hoạt động nhưng sau một thời gian đã dừng khai thác do hành khách ít. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khai thác trở lại, đến tháng 5/2004 thì đóng cửa vì hệ thống cơ sở hạ tầng không đáp ứng được các yêu cầu khai thác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận