Maradona từng là cầu thủ và sau này là huấn luyện viên trưởng cho đội bóng Gimnasia de la Plata của Argentina Primera Division. Ông ra đi vào ngày 25 tháng 11 năm 2020 tại Buenos Aires, gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới, đặc biệt là những người yêu bóng đá.
Đầu tháng 11/2020, ông có dấu hiệu mệt mỏi, ốm yếu. Sau khi nhập viện, ông được phát hiện có cục máu đông trong não. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và xử lý thành công cục máu đông. Đến ngày 12 tháng 11, Maradona được xuất viện và điều trị ngoại trú với sự giám sát của bác sĩ.
Tuy nhiên, bi kịch ập đến khi ông đang hồi phục sức khỏe tại nhà của mình gần Tigre, phía bắc Buenos Aires. Trên các phương tiện truyền thông của Argentina, cái chết của Maradona được xác định là do một cơn đau tim gây ra. Các bác sĩ không thể cứu được ông dù đã rất cố gắng. Huyền thoại của làng túc cầu đã ra đi mãi mãi ở tuổi 60.
Đau tim là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, nó xảy ra khi một phần cơ tim không nhận đủ lưu lượng máu dẫn đến tổn thương. Dưới đây là những thông tin bạn cần biết về căn bệnh này:
1. Bệnh động mạch vành (CAD) là nguyên nhân của phần lớn các cơn đau tim
Sự tích tụ mảng bám (hình thành từ sự tích tụ cholesterol và viêm nhiễm) trong thành động mạch cung cấp máu cho tim là nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành.
Mảng bám bị tích tụ khiến bên trong động mạch bị thu hẹp theo thời gian, gây ra tắc nghẽn lưu thông máu. Bên cạnh đó, cặn cholesterol có thể tràn vào động mạch và gây ra cục máu đông.
2. Các cơn đau tim gia tăng đều đặn ở thanh niên dưới 40 tuổi
Nhóm tuổi này có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các cơn đau tim, bao gồm:
+ Bệnh tiểu đường
+ Cholesterol cao
+ Huyết áp cao
+ Hút thuốc
+ Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, bao gồm cả cần sa và cocaine. Những người trẻ bị đau tim thường lạm dụng các chất này.
3. Các cơn đau tim thường đi kèm với 5 triệu chứng chính
Các triệu chứng phổ biến nhất là:
+ Đau ngực hoặc khó chịu
+ Cảm thấy yếu, mệt mỏi hoặc ngất xỉu
+ Đau hoặc khó chịu ở hàm, cổ hoặc lưng
+ Đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay, vai
+ Khó thở, đổ mồ hôi hoặc buồn nôn
4. Sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đau tim
Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng xấu đến tim và mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim, chẳng hạn như xơ vữa động mạch và đau tim. Đặc biệt, thuốc lá điện tử cũng có tác hại tương tự.
5. Huyết áp cao là một “thủ phạm” của bệnh tim
Huyết áp cao xảy ra khi áp lực của máu trong các mạch máu quá cao khiến động mạch bị cứng lại.
Bạn có thể giảm huyết áp bằng cách thay đổi lối sống như giảm lượng muối nạp vào cơ thể hoặc dùng thuốc để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
6. Mức cholesterol trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Cholesterol là một chất giống như sáp do gan tạo ra hoặc được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Cholesterol dư thừa có thể tích tụ trong thành động mạch, khiến chúng trở nên hẹp và giảm lưu lượng máu đến tim, não và các bộ phận khác của cơ thể.
7. Uống quá nhiều rượu là tác nhân của một cơn đau tim
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp và khiến nhịp tim không đều. Vì vậy, hãy cố gắng hạn chế loại đồ uống này, không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ.
8. Đau tim phổ biến hơn chúng ta nghĩ
Ở Hoa Kỳ, cứ 40 giây lại có một người bị đau tim.
9. Một khi đã bị đau tim, bệnh sẽ có nguy cơ tái phát cao
Khoảng 20% người lớn từ 45 tuổi trở lên từng bị đau tim sẽ bị một cơn đau tim khác trong vòng 5 năm.
10. Một số yếu tố gây đau tim không thể thay đổi
Chúng ta có thể lựa chọn lối sống của bản thân, nhưng không thể kiểm soát các yếu tố bệnh có liên quan đến di truyền hoặc tuổi tác, bao gồm:
+ Tuổi cao
+ Giới tính nam
+ Di truyền từ cha mẹ
11. Có thể giảm thiểu khả năng bị đau tim
Chuyên gia khuyến nghị các phương pháp làm giảm nguy cơ đau tim dưới đây:
+ Bỏ thuốc lá
+ Có chế độ ăn lành mạnh
+ Giảm căng thẳng
+ Thay đổi lối sống để giảm thiểu các tác nhân gây đau tim
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận