Theo hãng thông tấn DW (Đức), tình trạng này cũng giống như một thất bại trong quá khứ của Mỹ và tương phản với các chính sách khoan dung hơn ở các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàng ngàn người chết vì ngộ độc trong thời kỳ cấm rượu của Mỹ. Ảnh: Picture Alliance
Thành phố New York, Giáng sinh năm 1926: Hơn 80 người chết sau khi uống phải rượu độc. Đó là đỉnh cao của sự cấm đoán, lệnh cấm rượu trên toàn nước Mỹ bắt đầu từ năm 1920.
Trong cuốn sách "The Poisoner's Handbook" xuất bản năm 2010, tác giả Deborah Blum viết, vào những năm 20 của thế kỷ trước, ngoài lệnh cấm rượu, chính phủ Mỹ đã thực hiện một biện pháp cực đoan là thêm một lượng lớn methanol vào rượu với hy vọng mọi người sẽ bỏ qua sau khi nếm thử. Nhưng những người nghiện rượu không nản lòng, và hậu quả là hàng nghìn người đã chết. Các báo cáo chỉ ra rằng ít nhất 10.000 người đã chết do lệnh cấm rượu trên toàn nước Mỹ.
Cuối cùng, lệnh cấm đã thất bại và nó bị bãi bỏ vào năm 1933.
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran nghiêm cấm uống rượu, với những hình phạt nghiêm khắc từ đánh đòn, phạt tiền đến nguy cơ phải ngồi tù. Nhưng điều đó không ngăn cản mọi người uống rượu. Giống như ở Mỹ, lệnh cấm đã dẫn đến việc hình thành các mạng lưới ngầm để sản xuất và cung cấp rượu.
“Đôi khi uống rượu là lý do duy nhất để chúng ta hạnh phúc và là cơ hội nhỏ để tạo niềm vui”, Mahsa*, 25 tuổi, nói với DW. Mặc dù vậy, sau khi ít nhất 300 người phải nhập viện và 40 người chết vì ngộ độc rượu trong những tuần gần đây, cô đã bỏ rượu.
Ngộ độc rượu gia tăng
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng lệnh cấm rõ ràng không có tác dụng.
"Thật không may, trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng khoảng 20-30% mỗi năm về số người bị ngộ độc hoặc có các phản ứng phụ (có hại) do uống rượu chứa methanol", Mohammad Kazem Attari - bác sĩ, nhà nghiên cứu người Iran đang làm việc tại Mỹ - nói với DW.
Attari nói: “Vì ngộ độc rượu rất phổ biến ở các thành phố vào thời điểm đó, nên có nghi ngờ rằng đó là cố ý, hay đúng hơn là lỗi của một nhà sản xuất địa phương đã thêm tạp chất vào đồ uống trong quá trình sản xuất”.
Iran cấm rượu từ năm 1979. Ảnh: AFP
Hiểm họa từ rượu không rõ nguồn gốc
Erfan, 27 tuổi, cho biết: “Tôi luôn nghe nói về ngộ độc và tử vong do methanol, nhưng tôi thực sự không bao giờ tin điều đó có thể xảy ra với mình”.
Thông thường, Erfan chỉ uống rượu được mua từ một đại lý mà anh ấy quen biết qua bạn bè. Nhưng tại một bữa tiệc vào một buổi tối, Erfan đã uống một loại đồ uống có pha methanol không rõ nguồn gốc. Khi Erfan bị mất thị lực và cảm thấy các triệu chứng đáng sợ khác, bạn bè đã vội đưa anh đến một trung tâm y tế.
Rượu có thể ảnh hưởng đến thị lực, tiêu hóa, não và gây ra khuyết tật vĩnh viễn hoặc gây tử vong. Nhưng thật may mắn, Erfan chỉ bị mất thị giác tạm thời.
"Tôi mắc chứng sợ hãi trong một thời gian dài, nhưng giờ tôi cố gắng cẩn thận hơn. Cha tôi và tôi thậm chí còn bắt đầu nấu rượu cho riêng mình", anh nói.
Thổ Nhĩ Kỳ: Thỏa hiệp giữa truyền thống và hiện đại
Theo DW, các quốc gia đạo Hồi khác linh hoạt hơn khi bán rượu theo quy định. Ví dụ, ở Thổ Nhĩ Kỳ, người lớn có thể dễ dàng mua rượu một cách hợp pháp. Trong tháng lễ Ramadan, người ta thường thấy mọi người ngồi trong quán bar thưởng thức loại đồ uống có cồn ưa thích của họ.
Raki - đồ uống quốc gia - là một phần không thể thiếu trong văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù dễ tiếp cận, người Thổ Nhĩ Kỳ chỉ uống trung bình 1,5 lít rượu mỗi người mỗi năm.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được tự do uống rượu. Ảnh: Picture Alliance
Nhà xã hội học người Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Arslan nói với DW: "Thổ Nhĩ Kỳ không theo đuổi chủ nghĩa cấm đoán mà theo chủ nghĩa tự do khi nói đến rượu. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mà cấu trúc xã hội học nên độc lập với luật pháp. Trong khi các cửa hàng bán rượu ở một số tỉnh đóng cửa trong tháng lễ Ramadan và đêm thánh Kandil, thì ở các tỉnh khác không đóng cửa. Thực tế này không được xác định bởi luật pháp mà bởi cấu trúc xã hội học".
Đồng thời, cũng theo ông Arslan, giá rượu ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn ở mức cao so với một số nước EU. Chi phí, bao gồm các khoản thuế khổng lồ, cũng như khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến sự phát triển của hoạt động sản xuất rượu lậu. Như ở Iran, điều đó có thể gây chết người: Mỗi năm có khoảng 100 người Thổ Nhĩ Kỳ chết vì ngộ độc rượu.
“Nhưng lệnh cấm rượu không phải là chủ đề thảo luận chính ở Thổ Nhĩ Kỳ”, Arslan nói.
Ông so sánh các quy định về quán bar, uống rượu ở nơi công cộng và thời điểm bán rượu cũng như lệnh cấm quảng cáo rượu với các biện pháp tương tự ở châu Âu. Chúng được ban hành vì lợi ích sức khỏe cộng đồng, chứ không phải để cấm đoán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận