Quán karaoke chỉ được mở cửa đến 0 giờ sáng
Nghị định 59/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường sẽ có hiệu lực từ 1/9/2019 với cả người Việt Nam, nước ngoài. Theo Nghị định, việc kinh doanh 2 loại hình trên không được làm phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Về diện tích, phòng hát phải đạt từ 20m2 trở lên, phòng vũ trường phải rộng trên 80m2, không tính công trình phụ. Riêng vũ trường phải cách xa trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử trên 200m.
Cũng theo Nghị định 59, phòng karaoke không được hoạt động từ 0h đến 8h; vũ trường không hoạt động từ 2h – 8h và không được phục vụ người dưới 18 tuổi. Với các nhân viên phục vụ tại quán hát, chủ cơ sở phải cung cấp trang phục, biển tên cho họ.
Tự ý cho thuê xe ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng
Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kể từ ngày 01/9/2019 sẽ được áp dụng theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị định 63, hành vi mua sắm tài sản công khi không được phép sẽ bị phạt từ 1 – 50 triệu đồng; đầu tư, mua sắm vượt định mức, tiêu chuẩn bị phạt từ 1 – 100 triệu đồng; đi thuê tài sản sai quy định bị phạt từ 1 – 10 triệu đồng…
Đáng chú ý, việc dùng ô tô phục vụ các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe; dùng xe hoặc máy móc, tài sản công cho mục đích cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 1 – 20 triệu đồng. Trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.
Tương tự, hành vi cho mượn tài sản công sai quy định sẽ bị phạt từ 1 – 60 triệu đồng…
Trong việc chống lãng phí, hành vi chi tiếp khách, xăng dầu, sách báo, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị… vượt định mức sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh không đúng danh mục bị phạt từ 1 – 100 triệu đồng.
Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm trước 2018
Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết về Tội gian lận bảo hiểm xã hội sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Theo đó, không xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
Nếu chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu đã xử phạt vi phạm hành chính mà bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Tăng trợ cấp với quân nhân xuất ngũ
Thông tư 106/2019 của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ 8/9/2019 để hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hằng tháng với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ.
Theo thông tư, quân nhân, người làm cơ yếu được hưởng trợ cấp hằng tháng tùy theo năm công tác. Cụ thể, người đủ từ 15 – 16 năm được nhận 1.891 nghìn đồng/tháng; đủ 16 – 17 năm được 1.977 nghìn đồng/tháng; từ 17 – 18 năm nhận 2.064 nghìn đồng/tháng; đủ 18 – 19 năm nhận 2.150 nghìn đồng/tháng và đủ từ 19 – 20 năm được nhận từ 2.235 nghìn đồng/tháng.
Tập trượt băng, leo núi bắt buộc phải có người hướng dẫn
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tại Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL.
Theo đó có 09 bộ môn thể thao bắt buộc phải có người hướng dẫn khi tập luyện, thi đấu, gồm: Leo núi nhân tạo; Trượt băng; Đua ngựa; Đấu kiếm thể thao; Bắn súng; Bắn cung; Thể dục dụng cụ; Thể dục nhào lộn và Đua thuyền.
Cũng tại Thông tư này, Bộ công bố Danh mục 10 hoạt động thể thao mạo hiểm, trong đó có: Dù lượn; Diều bay; Leo núi tự nhiên; Lặn biển thể thao giải trí; Mô tô nước trên biển…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
9 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B phải cách ly
Tại Thông tư 17/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/9/2019, Bộ Y tế đề cập đến Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế.
Danh mục gồm 09 loại bệnh, trong đó có: Bạch hầu; Ho gà; Sở; Rubella; Than; Viêm màng não do não mô cầu; Tay chân miệng; Thủy đậu; Quai bị.
Cũng theo Thông tư, đối tượng giám sát dịch bệnh, dịch bệnh là những người bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận