Kê đơn vượt, mập mờ quy định nhận thuốc thừa

12/09/2017, 07:44

Ngoài điều trị theo phác đồ, các bệnh nhân đều "được" bác sĩ kê thêm các loại thuốc hỗ trợ điều trị khác...

16

Hóa đơn mua thuốc từ năm 2005 và 2017 của BV đều ghi rõ “Thuốc sau khi ra khỏi quầy miễn trả lại”, trái với quy định cho trả lại trong 7 ngày của BV Xanh Pôn

Phản ánh của một số bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn cho thấy, có tình trạng mập mờ trong việc thực hiện quy định cho phép người bệnh hoàn lại thuốc - được kê đơn vượt nhu cầu điều trị trước đó.

Bác sĩ không dặn, nhà thuốc “miễn trả”

Mới đây, do bị sốt cao đột ngột, anh Trịnh Minh H. (ngõ Thông Phong, Đống Đa, Hà Nội) tới BV Đa khoa Xanh Pôn khám bệnh và được bác sĩ xác định sốt xuất huyết (SXH). Đến ngày sốt thứ 5, bệnh nhân nhập viện. Bên cạnh phác đồ điều trị nội trú SXH, bác sĩ có kê đơn thuốc gồm: Glutathione (10 lọ), Thioserine (2 hộp - 40 ống) và sirô Aldermis (2 hộp - 40 ống), với tổng giá tiền thuốc hơn 3 triệu đồng.

Sau 5 ngày điều trị, anh H. xuất viện với “hành trang” là nguyên một hộp Thioserine và một hộp Aldermis (Hàn Quốc) đều mua tại nhà thuốc của BV. Chẳng biết làm gì với số thuốc ngoại giá trên 700.000 đồng, 8 ngày sau, anh H. quay lại nhà thuốc hỏi có mua lại với giá giảm 50% không? Một dược sĩ từ chối với lý do bất ngờ: Chỉ nhận lại thuốc, hoàn lại tiền trong vòng 7 ngày sau khi mua.

"Trong điều trị SXH, tùy thuộc bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương cơ quan nội tạng nào sẽ được bác sĩ điều trị kê thêm đơn thuốc hỗ trợ cho bộ phận đó. Bệnh nhân cũng nên có sự trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để xem có cần thiết phải dùng đến thuốc hỗ trợ điều trị hay không”.

BS. Nguyễn Trung Cấp
BV Bệnh nhiệt đới T.Ư

Trả lời Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Hùng (Phòng Quản lý chất lượng - BV Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: “Trên thực tế, diễn biến bệnh SXH thường từ 5-10 ngày nên bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân 10 ngày. Tuy nhiên, tùy cơ địa, bệnh nhân có thể đáp ứng miễn dịch khác nhau. Do vậy, bác sĩ kê đơn cho một liệu trình điều trị thông thường. Nếu bệnh nhân hồi phục sau 5 ngày điều trị, được chỉ định dừng thuốc mà vẫn còn dư thuốc, bác sĩ sẽ ký nhận đơn thuốc và bệnh nhân có thể hoàn trả lại cho nhà thuốc BV”.

Giải thích về trường hợp bệnh nhân H. mua thừa một lượng thuốc lớn gây tốn kém, lãng phí, ông Hùng nói: “Đây là do thiếu thông tin về việc trả lại thuốc đến từ hai phía. Bác sĩ có sơ suất không giải thích với người bệnh về việc được trả lại thuốc và bệnh nhân cũng không trao đổi lại với bác sĩ khi thừa thuốc”.

Trái lại, anh H. cho rằng, đại diện BV giải thích không thỏa đáng, bởi quy định của bệnh viện là thế, nhưng trên tất cả hóa đơn thu tiền thuốc mà nhà thuốc phát ra đều in đậm dòng chữ “Thuốc sau khi mang khỏi quầy xin miễn trả lại”? Anh H. còn lấy làm khó hiểu vì trong một thời gian dài, nhà thuốc công khai phát hành nội dung dễ gây hiểu nhầm trên, thành ra “vô hiệu hóa” quy định của BV mà phía BV không phát hiện ra?

Giải đáp thắc mắc nữa của anh H. “tại sao bác sĩ không kê một lượng thuốc vừa đủ cho một đợt điều trị, dùng hết sẽ mua thêm để tránh lãng phí”, một nhân viên Phòng Quản lý chất lượng cho biết, một trong những lý do là “để tránh cho bệnh nhân một lúc lại xuống đi mua thuốc lẻ”(!).

10 năm không biết quy định trả thuốc

Theo tìm hiểu của PV, đa phần bệnh nhân điều trị SXH tại BV Đa khoa Xanh Pôn, ngoài điều trị theo phác đồ, cũng đều được bác sĩ kê thêm các loại thuốc hỗ trợ điều trị khác.

Sau khi phản ánh thông tin tới Báo Giao thông, anh H. cho biết, một nhân viên Phòng Quản lý chất lượng - BV Đa khoa Xanh Pôn đã giải thích cho anh hiểu: Do bệnh nhân trong dịch SXH quá đông nên bác sĩ “quên” hướng dẫn anh trả lại thuốc. Người này xác nhận, khi bệnh nhân vắng và cường độ làm việc không căng thẳng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân nếu thừa thuốc thì hoàn lại thế nào.

Tuy nhiên, một số người trực tiếp hoặc đưa người thân tới khám, chữa bệnh tại BV Đa khoa Xanh Pôn từ 6-10 năm nay khẳng định “đây là thông tin quá… lạ”. Chị Nguyễn Hà, phóng viên một tạp chí giáo dục tại Hà Nội cho biết, từ năm 2011, mỗi lần con đau ốm chị đều đưa tới điều trị và mua thuốc tại BV Đa khoa Xanh Pôn, song chưa bao giờ thấy bác sĩ hướng dẫn quy trình, điều kiện trả lại thuốc thừa. Đưa ra một hóa đơn thu tiền thuốc phát hành tháng 4/2015 in đậm dòng chữ “Thuốc sau khi mang khỏi quầy xin miễn trả lại”, bà mẹ hai con này cho biết, không bao giờ hỏi bác sĩ thủ tục trả thuốc thừa làm gì.

Sau vài lần mua đúng số lượng thuốc như bác sĩ kê và đều thừa nhiều, chị Hà rút kinh nghiệm bằng cách hỏi kỹ dược sĩ tác dụng từng loại thuốc rồi chỉ mua 50% số lượng mỗi loại thuốc bổ và không bao giờ phải quay lại mua thêm. Đồng thời, chị Nguyễn Hà đề nghị BV cần công bố rộng rãi điều kiện, thời hạn trả lại thuốc cho bệnh nhân biết rõ.

Ông Nguyễn Trọng Hùng cho biết: “Để tránh hiểu lầm đáng tiếc, thời gian tới chúng tôi sẽ trình Khoa Dược và Hội đồng thuốc BV xem xét việc bổ sung thêm nội dung “bệnh nhân được trả lại thuốc kê nếu dùng không hết, sau khi có xác nhận của bác sĩ điều trị”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.