Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và Liên Bang Nga về thúc đẩy thanh toán song phương hai nước bằng nội tệ (RUB và VNĐ), BIDV là Ngân hàng Việt nam duy nhất được chỉ định là đầu mối xây dựng Kênh thanh toán song phương Việt-Nga.
Tháng 11/2015, kênh thanh toán song phương Việt Nga giữa BIDV và VTB được thành lập và chính thức hoạt động trên cơ sở thiết lập hệ thống tài khoản song phương và ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai ngân hàng. Việc xây dựng kênh thanh toán song phương Việt - Nga góp phần khơi thông khó khăn trong thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước đã tồn tại trong suốt gần 30 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn Mỹ và Phương Tây đang áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga.
Sau hơn hai năm triển khai, giao dịch qua kênh thanh toán song phương đã nhận được sự quan tâm của nhiều Khách hàng Doanh nghiệp, những ưu điểm vượt trội của kênh thanh toán đã được khẳng định, cụ thể như: Giao dịch không qua Ngân hàng trung gian do đó tiết kiệm được thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn, thời gian xử lý nhanh (2 giờ là khoảng thời gian tối đa kể từ khi ngân hàng nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ từ người chuyển đến khi tiền được ghi có vào tài khoản của người nhận (tại BIDV), và tương tự với chiều ngược lại, chuyển từ BIDV sang VTB); đảm bảo tỷ giá với chi phí hợp lý (sản phẩm mua bán ngoại tệ kết hợp với các sản phẩm mua bán kỳ hạn, bảo hiểm tỷ giá); dịch vụ trọn gói bao gồm dịch vụ thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, thanh toán lương….
5 tháng đầu năm 2018, kết quả triển khai kênh thanh toán song phương Việt Nga tại BIDV đạt kết quả đáng khích lệ: doanh số giao dịch tăng 90% so với cùng kỳ năm trước, số lượng khách hàng tăng gấp đôi so với năm 2017. Bên cạnh các Khách hàng doanh nghiệp thường xuyên sử dụng kênh thanh toán song phương như: European Plastics JSC, Công ty Hợp Thành, Công ty Kotyk Larina, Công ty An phat-Yen bai Mineral and Plastics…, các khách hàng cá nhân, công ty du lịch, tổ chức chính trị, xã hội có nhu cầu thanh toán RUB với thị trường Nga đã dần quen với việc thực hiện qua kênh thanh toán này.
Kết quả triển khai khả quan nói trên cho thấy các Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến kênh thanh toán này nhớ tính tiện ích và hiệu quả kinh tế mang lại, dự kiến trong thời gian tới, đây sẽ là kênh thanh toán chủ yếu giữa 2 nước. Theo tính toán sơ bộ, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch hai chiều của hai bên sẽ tăng bình quân 18-20%/năm, đạt khoảng 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020, ước tính xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%.
Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi kích thích thương mại hai nước phát triển, là cơ sở để đẩy mạnh triển khai kênh thanh toán song phương, nhằm hỗ trợ thanh toán xuất nhập khẩu, giải quyết được điểm nghẽn trong giao thương giữa hai nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận