Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ: Châu Á ảnh hưởng thế nào? |
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện đang ở giai đoạn vô cùng quan trọng khi người dân nước này chỉ còn một ngày duy nhất để bầu chọn cho người mà mình yêu thích. Kết quả cuộc bầu chọn ra người đứng đầu Nhà Trắng sẽ được công bố vào sáng 9/11 (giờ Việt Nam).
Hiện tại, không chỉ người dân Mỹ mà cả thế giới đều đang mong chờ kết quả từ cuộc bầu chọn này bởi nó có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị-xã hội toàn cầu .
Với riêng châu Á, thắng lợi trong cuộc đua song mã giữa Hillary Clinton-Donald Trump được đặc biệt quan tâm bởi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ tác động đến vấn đề thương mại và địa chính trị của khu vực và có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng trong nhiều năm tới.
Xem thêm video:
Kết quả bầu cử Mỹ: Chính trị và địa chính trị châu Á biến động?
Trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra, trong các chiến dịch tranh cử của mình, cả hai ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump đều hứa hẹn sẽ là "cứng rắn đối với Trung Quốc”.
Dù mới chỉ là những hùng biện chính trị, những lời nói vô thực khi cuộc bầu cử đang diễn ra thì đây vẫn là là những dấu hiệu báo trước một sự thay đổi không hề nhỏ trong tình hình châu Á khi Tổng thống Mỹ mới tuyên bố nhậm chức và bắt tay vào thực hiện các chính sách của mình.
Điều này càng được khẳng định rõ hơn nếu xét trong quá khứ cầm quyền của các vị Tổng thống Mỹ trước đó, không có ai tỏ ra coi thường sức mạnh của nền kinh tế của Trung Quốc và ảnh hưởng quốc tế của quốc gia này.
Trung Quốc, một thực thể nắm vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực châu Á vì thế luôn là “cái gai trong mắt” Mỹ.
Ngược lại, đối với Bắc Kinh, bà Clinton bị cho là “nhân tố gây rối”, đặc biệt về các vấn đề nhân quyền, tự do internet và kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc.
Đảng Dân chủ đã không ít lần tố cáo chính Trung Quốc là kẻ đứng sau tấn công vào hệ thống mạng của đảng này và can thiệp vào quá trình bầu cử của Mỹ.
Không những thế, trong tham vọng khống chế Trung Quốc của mình, bà Clinton còn đóng vai trò then chốt trong quyết định đưa 60% đội tàu Hải quân Mỹ đến Châu Á vào năm 2020.
Trong khi đó, nếu xét về khía cạnh chính trị, Donald Trump vẫn còn là một “lá bài úp” đối với Bắc Kinh. Trung Quốc hiện vẫn đang cần nhiều thời gian để theo dõi nhất cử nhất động của tỷ phú người Mỹ đặc biệt là trong trường hợp ông này đắc cử tổng thống.
Xem thêm video:
Đối với Nga, đất nước có hơn 75% diện tích lãnh thổ thuộc về châu Á thì thời điểm hai ứng viên Trump-Clinton đối đầu chính là lúc nước này tìm cơ hội chi phối chính trường Mỹ.
Nga cho thấy rõ mục đích khi cố gây ảnh hưởng lên bầu cử Mỹ là nhằm làm suy yếu cường quốc số 1 thế giới và củng cố hơn nữa vị thế của Moscow trên trường quốc tế.
Ngược lại, phe tranh cử cũng như bản thân ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton luôn tìm cách gắn cho Nga các tội danh trộm cắp và tấn công tài liệu nội bộ của Đảng Dân chủ Mỹ.
Bà Clinton thậm chí còn nói Nga đang muốn Donald Trump thành tổng thống để có thể dễ dàng thao túng chính trường Mỹ giống như điều khiển một “con rối”.
Một số nhà phân tích cho rằng Nga và Trung Quốc đang ráo riết lấn sân trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, vì cho rằng đây là thời điểm thuận lợi hơn so với nhiệm kỳ tổng thống mà bà Hillary Clinton có thể nắm quyền.
Về vấn đề biến đổi khí hậu - một vấn đề lớn đối với các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á, hiện có khác biệt rõ rệt trong quan điểm của hai ứng viên tổng thống Mỹ.
Ông Donald Trump không chấp nhận các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu, trong khi bà Hillary Clinton gọi đây là một "mối đe dọa khẩn cấp”.
Nói tóm lại, dù là Hillary Clinton hay Donald Trump làm tổng thống Mỹ, châu Á cũng sẽ có những thay đổi nhất định về chính trị hay những mối quan hệ ứng xử với các nước lớn trong đó có Hoa Kỳ.
Theo nhiều chuyên gia, nếu Donald Trump làm tổng thống, quan hệ Nga-Mỹ sẽ trở nên tốt hơn. Ngược lại, nếu bà Clinton làm tổng thống, mối quan hệ này sẽ có những tiến triển rất xấu.
Ở một khía cạnh khác, nếu ứng cử viên Đảng Dân chủ đắc cử, mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi vào ổn định hơn là khi tỷ phú bất động sản New York cầm quyền.
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ: Tự do thương mại đi về đâu?
Nhằm tận hưởng lợi ích từ tiềm năng phát triển to lớn của Châu Á, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã đàm phán Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thúc đẩy thương mại tự do với qui mô lớn hơn.
Tuy nhiên, thỏa thuận mang tính bước ngoặt này có bị chìm lắng thậm chí có nguy cơ bị loại bỏ hay không phụ thuộc vào việc và Clinton hay ông Trump giành phần thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong ngày 8/11.
Để giành quyền đề cử của đảng Dân chủ, ứng viên Hillary Clinton đã phải tỏ ra hoài nghi các giao dịch thương mại dưới thời Tổng thống Obama, bao gồm cả TPP mà chính bà đã góp phần khởi xướng.
Trái lại, Đảng Cộng hòa ngày càng có những động thái chống tự do thương mại hơn kể từ khi Đảng Trà bắt đầu gây áp lực lên các nghị sĩ quốc hội. Ứng cử viên tổng thống Donald Trump tất nhiên cũng đã triệt để tận dụng cơ hội này để bác bỏ nhiều đề xuất về tự do thương mại.
Tuy nhiên, mọi chế độ thương mại khuyến khích pháp quyền và tiêu chuẩn hóa cách thức kinh doanh đều sẽ có lợi cho sự phát triển trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và sẽ gây khó cho các nước “cậy lớn, hiếp nhỏ” thông qua giao dịch thương mại và ảnh hưởng chính trị.
Xem thêm video:
Trong một nỗ lực tái cân bằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Châu Á, ứng viên tỷ phú Donald Trump đã nói rằng ông sẽ nâng các rào cản thương mại đối với nhiều nước có sức cạnh tranh cao trong khu vực, trong đó có việc đánh thuế ở mức hai con số đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Như vậy nếu Donald Trump làm tổng thống, căng thẳng tiền tệ cũng sẽ gia tăng.
Khi đó, dựa vào việc tố cáo một số quốc gia đang "gian lận" thông qua việc cố tình định giá đồng nội tệ quá thấp, tỷ phú Donald Trump có khả năng đòi Trung Quốc phải cải cách ngoại hối.
Bên cạnh đó, tỷ phú Mỹ chắc chắn sẽ gây sự với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vì đã giữ cho đồng yên định giá thấp so với đồng đô la Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận