QL1, đường HCM được nâng cấp, mở rộng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông xe toàn tuyến… giúp nâng cao năng lực thông hành cho các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, hàng loạt trục đường kết nối nhỏ, hẹp, chưa được đầu tư đồng bộ, tạo “điểm nghẽn” lớn kết nối liên hoàn...
Thông cao tốc, “nghẽn” đường kết nối các tỉnh miền Trung
Theo chân xe tải BKS 43C-00.394 chở hàng nông sản từ đầu tuyến Túy Loan (Đà Nẵng) vào nút giao Tam Kỳ, tài xế Nguyễn Văn Việt (35 tuổi, trú Sơn Trà, Đà Nẵng) vội giảm ga, đi chậm rãi qua tuyến QL40B kết nối từ nút giao cao tốc xuống Tam Kỳ. Hai bên lề đường được mở rộng, nhưng mặt đường QL40B khá nhỏ hẹp, nên phải rất cẩn thận nhường đường để tránh nhau nếu không muốn bị va chạm.
“Đang chạy vù vù trên cao tốc, xuống đến mấy tuyến đường nối về Quảng Nam nhỏ hẹp, mặt đường nhiều đoạn xuống cấp, rất nguy hiểm”, anh Việt nói.
Quảng Nam hội tụ đầy đủ các loại hình, phương thức vận tải, có cả quốc lộ, cao tốc, đường sắt, hàng không, đường biển… Tuy nhiên, thực trạng chung nguồn lực khó khăn khiến các tuyến đường kết nối QL40B, QL14E, ĐT 620, chưa được đầu tư đồng bộ, làm giảm năng lực thông hành, kết nối vận tải giữa các địa phương trong tỉnh và liên vùng.
Ông Đinh Văn Thu
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Chỉ riêng cảng Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai đã gia tăng sản lượng nhanh chóng, đạt 1,7 triệu tấn hàng hóa qua cảng năm 2017 và dự kiến năm 2018 đạt con số 3 triệu tấn. Đón đầu xu thế mở cửa lưu thông này, THACO đầu tư cầu vượt vòng xuyến 2 tầng tại nút Chu Lai - Trường Hải với QL1 và kết nối lên cao tốc.
Ông Phạm Văn Tài
Tổng giám đốc THACO
Gần 1,5 năm thông xe cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ, QL40B không chỉ “gánh tải” tuyến huyết mạch, độc đạo nối lên các tỉnh miền núi Tiên Phước, Nam Trà My… của Quảng Nam mà còn quá tải trước lượng phương tiện từ cao tốc đổ dồn về. Theo cánh tài xế xe tải đường dài, so sánh thực tế lưu thông trên cao tốc rút ngắn tối đa thời gian hành trình, nhưng để đi hết các đoạn đường dẫn lên và xuống cao tốc cũng mất tổng thời gian tương tự như đi tuyến QL1.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT, kiêm Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam cho hay, thời gian đầu thông cao tốc, đoạn tuyến QL40B kết nối từ nút giao Tam Kỳ xuống thành phố trở thành điểm nóng kẹt xe, TNGT, khiến người dân không khỏi bức xúc.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT Kon Tum cho biết, những năm gần đây, đường HCM, tuyến QL24 đi Quảng Ngãi, QL40 đến cửa khẩu Bờ Y được nâng cấp đã tạo nhiều động lực để phát triển kinh tế ở địa phương và đưa hàng hoá sang Lào, Campuchia, Thái Lan… Tuy nhiên, thực trạng nan giải là đường kết nối, đường nhánh lên tuyến quốc lộ không đồng cấp về quy mô, chất lượng.
“Thống kê, toàn tỉnh hiện có 5.943km đường giao thông, nhưng còn đến hơn 31% đường giao thông là đường đất, cấp phối, khiến việc vận chuyển hàng hoá nông sản rất khó khăn. Trong khi đó, Kon Tum là một trong những tỉnh có khối lượng hàng hoá nông sản lớn, ông Hùng nói.
Tại Đắk Lắk, ông Lê Công Du, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Hiện trạng cả 3 tuyến QL29, QL36, QL27 qua địa bàn đều có mặt đường hẹp 3,5-5,5m, nền đường 7,5m… nhiều đoạn còn đường đất, đá dăm láng nhựa, hiện bị xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, rạn nứt chân chim, cong vênh. Đặc biệt, QL29 mật độ phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến giữa tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung còn khó khăn.
Cảng lớn, khu kinh tế mở chưa phát huy hết tiềm năng
Chỉ tính riêng Quảng Nam - địa phương có tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua dài nhất, ngay sau khi thông xe toàn tuyến (tháng 9/2018) đã góp phần đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao năng lực thông hành, phát triển thông thương, KT-XH không chỉ cho Quảng Nam mà cả khu vực.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) cho hay, ngoài QL1 được đầu tư, mở rộng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang mở ra cơ hội đầu tư cũng như kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia. Với THACO, những con đường huyết mạch này tạo thuận lợi trong vận chuyển nguyên liệu, vật tư cũng như sản phẩm của các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, linh kiện phụ tùng và cơ khí; góp phần phát triển Trung tâm dịch vụ logistics hàng đầu miền Trung với hàng loạt ưu thế về hạ tầng kết nối.
Lãnh đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho hay, năm 2018, cảng cán đích con số 8 triệu tấn hàng hóa thông qua. Đây là mức tăng trưởng lớn trong bối cảnh vận tải biển còn nhiều khó khăn, bất lợi. Quy Nhơn là cảng chủ lực trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, vận tải lượng lớn hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên, kết nối sang Lào, Campuchia… Nhưng theo lãnh đạo cảng Quy Nhơn, bất cập lớn nhất là hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp đến cảng còn hạn chế, trục chính QL19 chưa hoàn thành mở rộng, nhiều đoạn tuyến nhỏ hẹp, mặt đường cũ xuống cấp khiến hàng hóa lưu thông bị ách tắc.
Tại cảng Đà Nẵng, lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng cũng cho hay, QL14B ngay từ đầu được triển khai nhằm mục đích kết nối giao thông huyết mạch trực tiếp từ QL1, lên các địa phương phía Bắc Đà Nẵng, Quảng Nam và sang Lào, nhưng nay bị áp lực gia tăng phương tiện, mật độ xây dựng, quần cư khiến tuyến đường bị cấm tải, cấm giờ, làm “nghẽn” cục bộ khả năng lưu thông thông suốt của các đơn vị vận tải.
Cần nguồn lực lớn
Theo lãnh đạo UBND Quảng Nam, từ nguồn vượt thu ngân sách được giữ lại, tỉnh tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông trong năm 2019. Tuy nhiên, với yêu cầu kết nối đồng bộ, đòi hỏi nguồn lực lớn và sự phân bổ ngân sách T.Ư hợp lý. Việc kết nối giao thông liên hoàn đang là đòi hỏi bức bách của tỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình, đặc biệt là tuyến QL1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Văn Sinh cho hay, 5 kiến nghị trọng tâm về đầu tư cầu vượt, mở rộng đường vừa được UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị với T.Ư để có thể tháo gỡ bài toán giao thông kết nối và cần nguồn vốn đầu tư lớn. Theo đó, Quảng Nam đề nghị bổ sung đầu tư xây dựng nút giao liên thông và 3km đường kết nối từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến QL1 và ĐT620; Cầu đường bộ vượt đường sắt Bắc - Nam tại vị trí giao cắt với QL14E và đoạn tuyến nối từ cầu vượt QL14E với đường Hồ Chí Minh; cầu đường bộ vượt đường sắt Bắc - Nam tại vị trí giao cắt với ĐT609 và mở rộng cầu Phong Thử trên tuyến ĐT609; Nút giao liên thông kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14H và đoạn tuyến kết nối… với tổng mức đầu tư các công trình này khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ông Lê Công Du, Phó giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk cho biết, để kết nối giao thông đồng bộ, sở tham mưu, kiến nghị tỉnh có ý kiến đến Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư quan tâm bổ sung vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đưa vào đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 khi xây dựng kế hoạch đầu tư; tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng QL26 các đoạn còn lại; cải tạo, nâng cấp QL29… nhằm xóa điểm nghẽn thông thương, giúp các địa phương thực sự rộng cửa kết nối, phát triển KT-XH nhờ tiềm năng hạ tầng giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận