Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư |
Nhân kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2017), Báo Giao thông trò chuyện với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư xung quanh việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII - được kỳ vọng sẽ khắc phục được những yếu kém trong công tác cán bộ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Ông Hùng cho biết: Đến nay, Đảng ta đã 87 tuổi, tôi đã được 57 tuổi Đảng nên cũng có nhiều suy nghĩ, nhưng điều lớn lao nhất là mong muốn Đảng với sứ mệnh lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước sẽ đưa nước ta phát triển tiến nhanh, tiến mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện vẫn đang còn nhiều vấn đề cần chú ý, đặc biệt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực tế trên đã được Hội nghị T.Ư 4 khóa XII chỉ ra một cách cơ bản, rõ ràng, hệ thống.
Phải dân chủ, công khai, minh bạch
Lâu nay, trong xây dựng Đảng, chúng ta luôn xác định con người là yếu tố quyết định. Nhưng trong thực tế, vì sao vẫn để lọt những cán bộ không gương mẫu, không đủ phẩm chất?
Thực ra, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập đến mâu thuẫn này rồi, nguyên nhân cốt lõi vì chủ nghĩa cá nhân lớn quá nên đẻ ra lợi ích nhóm. Yêu cầu phải chống lợi ích nhóm đã được đặt ra từ lâu, song vì chúng ta làm chưa đến nơi, đến chốn nên nó vẫn còn đất sống. Chính từ đây, công tác tuyển chọn cán bộ cũng xuất hiện sai sót khi không chú trọng tuyển người hiền tài, mà lại quan tâm tuyển người nhà nhiều hơn.
"Cũng phải thừa nhận rằng, đúng là nhân dân đang có người mất niềm tin vào “một bộ phận không nhỏ” suy thoái trong Đảng. Nhưng xét cho cùng, nhân dân ta luôn tin tưởng Đảng sẽ lãnh đạo đất nước vững mạnh. Một bộ phận không nhỏ đảng viên không xứng đáng với niềm tin của dân, dù họ có chức, có quyền là điều đáng buồn, nhưng chúng ta cũng đang tính toán đến những cơ chế để cho những người này có thể tự rút lui khỏi cương vị mà họ nắm giữ." Ông Vũ Quốc Hùng |
Thực tế, lâu nay chuyện chạy chức chạy quyền cũng là việc bức xúc trong dân. Để chống lại nó, phải giáo dục cho đảng viên ý thức trách nhiệm, nhất là những người lãnh đạo đứng đầu hoặc những người làm công tác tổ chức. Đó phải là những người trong sáng, luôn luôn đặt lợi ích chung lên đầu để chọn được người hiền tài, không phân biệt họ là con cái của ai. Mà hiền tài ngẫm ra phải là người yêu nước, thương dân, phải có năng lực, vì những người này dù ở cương vị nào cũng cố gắng học hỏi để vươn lên trong công việc của mình.
Cùng với đó, ta phải dân chủ, công khai, minh bạch, không tư túi, tất cả những tư liệu liên quan đến người được tuyển chọn cũng phải công bố.
Một việc nữa nhỏ thôi, nhưng rất quan trọng trong việc lấy lại niềm tin trong dân, đó là công khai tài sản của quan chức. Đây là việc dễ nhìn thấy nhưng lại đang gây nhức nhối. Gần đây, trong cuộc gặp gỡ cán bộ hưu trí của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng cũng thông báo tới đây sẽ vào cuộc, có những quy trình kiểm tra tài sản. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ có những việc làm cụ thể để tiến hành triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 một cách rốt ráo, sát sao.
Trên thực tế đã xảy ra chuyện có những cán bộ lãnh đạo cấp cao vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật... điều đó dẫn đến những băn khoăn, lo lắng trong công tác cán bộ. Liệu có phải việc xử lý lâu nay của chúng ta chưa thực sự nghiêm khắc, chưa đủ tính răn đe nên mới để xảy ra tình trạng ấy, thưa ông?
Không hẳn như vậy, mà do mỗi thời kỳ lại có những yếu tố kinh tế - xã hội khác nhau. Trước đây, việc xử lý cán bộ cấp cao khi họ có sai phạm đã làm rất nghiêm khắc, có người mất chức, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự. Thời gian qua, một số việc làm đã cho thấy, Đảng rất nghiêm khắc, kể cả việc xử lý cán bộ cấp cao.
Mặc dù vậy, cũng không phủ nhận tâm lý nể nang, né tránh, sợ sệt, do yếu kém của các tổ chức hay do thủ đoạn trù dập nào đó làm giảm đi tính đấu tranh. Hiện nay, tôi cho rằng, để làm tốt hơn việc này, chúng ta cần sớm có cơ chế để những người lãnh đạo có sai phạm thì dù về hưu cũng không thể “hạ cánh an toàn”.
Sự gương mẫu của lãnh đạo cấp cao là hết sức quan trọng, nhưng phải chăng không thể buộc những người có quyền lực tự nguyện trong sạch, tự nguyện gương mẫu khi chưa có một cơ chế giám sát quyền lực thực sự hữu hiệu, thưa ông?
Đúng vậy, đối với cán bộ trước tiên phải gương mẫu, việc làm gương rất quan trọng. Nhưng nếu họ không làm gương được thì phải có bộ máy, có cơ chế nhắc nhở kịp thời. Nếu họ không lắng nghe nhắc nhở của tổ chức thì phải thay thế và xử lý. Muốn như vậy trước tiên phải xây dựng được bộ máy gồm những người lãnh đạo trong sáng, các cơ quan giúp việc về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác cán bộ phải trong sạch mới giải quyết được, nếu không thì việc này sẽ chậm trễ và không có hiệu quả.
Cần rà soát lại công tác cán bộ
Hội nghị T.Ư 4 khóa XII vừa qua đã đánh giá tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn nghiêm trọng. Theo ông, tại sao Đảng đã có Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay nhưng suốt 5 năm qua tình trạng đó vẫn không giảm?
Không giảm được cái chính là do việc xử lý chưa nghiêm khắc, chưa “đến nơi, đến chốn”. Không giảm được là do đảng viên không gương mẫu, không nghiêm túc, còn nể nang, né tránh, nên giờ phải thay đổi. Bên cạnh đó, là do chế độ kiểm tra, kiểm soát chưa thực sự tốt. Bây giờ, hơn lúc nào hết, chúng ta cần siết chặt việc này, có sự giám sát của nhân dân một cách quy củ hơn. Nhiều khi hỏi ý kiến nhân dân nhưng rất hình thức, chỉ hỏi “đại cử tri”, không đại diện được tiếng nói của dân. Cùng với đó phải phát huy vai trò của báo chí cách mạng, khuyến khích và tạo điều kiện cho báo chí cách mạng tham gia phanh phui tiêu cực.
Về yếu tố con người, những người đứng đầu, chăm lo công tác cán bộ nhất định phải là những người trong sạch, có dũng khí, có trí tuệ. Có trí tuệ để nhìn nhận được đúng sai, có bản lĩnh để không nể nang, né tránh. Chúng ta phải làm sao xây dựng được một đội ngũ cán bộ như thế. Đặc biệt, chúng ta phải luôn chủ động nắm mọi tình hình chứ không phải ngồi đợi. Hiện nay, có tình trạng chỉ chờ quần chúng tố cáo, tố giác, còn tự tổ chức không nhắc nhở, không nói thẳng với nhau khi sinh hoạt Đảng, đó là cái yếu kém cần giải quyết.
Một điều đặc biệt cần lưu ý nữa, là những vấn đề nhức nhối được nêu ra nhưng chưa thuyên giảm chứng tỏ một điều nghị quyết của chúng ta chưa đi vào cuộc sống. Lần này, Nghị quyết T.Ư 4, khoá XII đã cụ thể, rõ ràng hơn rất nhiều những lần trước đây, đã chỉ rõ đến 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng. Nghị quyết đã đúng, đã trúng rồi, thì chúng ta cần làm sao để đưa nó vào cuộc sống cho có hiệu quả.
Lần này, để nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống, đâu là những việc cần triển khai ngay, triển khai quyết liệt, thưa ông?
Trước tiên, phải rà soát lại cán bộ để tất cả các cấp đều xây dựng được một đội ngũ cán bộ có dũng khí để thực hiện nghị quyết, có trí tuệ và bản lĩnh. Các tổ chức đảng cần xem xét lại từng đảng viên. Có như thế, đảng mới phát triển vững mạnh được, nếu không sẽ lại tiếp diễn tình trạng chung chung, trên cứ nói, dưới cứ nghe nhưng lại không làm.
Các cơ quan ở địa phương cũng phải tự giác thực hiện nghị quyết một cách chủ động, các cơ quan chức năng của T.Ư phải vào cuộc, chỉ đạo thực hiện từng bước và đo được xem nghị quyết đi vào cuộc sống thế nào. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, ai thấy mình không đủ khả năng, sức khỏe, năng lực thì nên chủ động rút lui tạo điều kiện cho những người có khả năng.
Các đảng viên chân chính, mẫu mực phải hợp lực giúp Đảng, đừng sợ và chỉ muốn an toàn cho bản thân mà giống như lâu nay chỉ biết hô khẩu hiệu, còn khi làm lại nể nang, né tránh, sợ va chạm, sợ trả thù… Đây là căn bệnh khá nặng hiện nay mà chúng ta phải loại trừ.
Ngoài ra, tôi cho rằng, việc xây dựng và lấy lại niềm tin trong dân vô cùng quan trọng. Đảng phải lấy lại niềm tin trong dân bằng việc làm cụ thể chứ không phải bằng khẩu hiệu hay những lời tuyên bố đanh thép. Để làm được thế, chúng ta phải công khai mọi thứ, phải dùng nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch như một liều thuốc đặc trị. Ủy ban kiểm tra các cấp, Ban tổ chức Đảng các cấp và các ban khác như: Ban Kinh tế, Nội chính… phải là tai mắt của Đảng để giúp Đảng giám sát nên lúc nào cũng cần chủ động.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận