Khách mất tiền gửi tại ngân hàng, mất cả công đi lại, kêu cứu
Ngày 16/3, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tỉnh Khánh Hoà phát đi thông báo Hội sở ngân hàng này đã thi hành quyết định cách chức đối với ông Phạm Tấn Minh, Giám đốc chi nhánh Sacombank Khánh Hòa.
Đơn kêu cứu của bà Hồ Thị Thùy Dương về việc bị mất 46,9 tỷ đồng tiền gửi tại Sacombank Chi nhánh Khánh Hoà
Ông Phạm Tấn Minh đã có vi phạm liên quan đến việc 4 cán bộ phòng giao dịch Chi nhánh Sacombank TP Cam Ranh bị khởi tố về tội tham ô tài sản, dẫn đến việc nhiều khách hàng gửi tiền tại chi nhánh Cam Ranh bị mất tiền không rõ lý do. Điển hình trong đó là khách hàng Hồ Thị Thùy Dương (SN 1977, phường Cam Phú, TP Cam Ranh), bị mất khoản tiền lớn nhất, lên đến 46,9 tỷ đồng song chưa được giải quyết thoả đáng.
Liên quan đến khoản tiền bị bốc hơi của bà Dương (và nhiều khách hàng khác), trước đó, ngày 26/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản, xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh thuộc Ngân hàng Sacombank, Chi nhánh Khánh Hòa; đồng thời, khởi tố 4 bị can cùng về tội danh trên, gồm: Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Phó phòng phụ trách nội nghiệp Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh; Ngô Thị Hồng Nhạn, nguyên thủ quỹ đơn vị này; Nguyễn Trà My và Ngô Nữ Hồng Hải, nguyên là 2 giao dịch viên.
Kết quả điều tra bước đầu xác định từ tháng 8/2022, Nguyễn Thị Thanh Hà đã tự ý sử dụng thông tin khách hàng (số tài khoản, số thẻ tiết kiệm) và nhiều lần chỉ đạo Nhạn, My, Hải làm hồ sơ tín dụng khống (vay tiền với tài sản đảm bảo là các thẻ tiết kiệm của khách hàng), mục đích để làm chứng từ khống tất toán và chứng từ khống rút tiền từ thẻ tiết kiệm của khách hàng. Qua đó, các bị can chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng và khách hàng.
Theo một nguồn tin, số tiền mà các cán bộ Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh vay của người dân là hơn 100 tỷ đồng.
Phản ánh đến Báo Giao thông ngày 16/3, bà Dương cho biết, bản thân rất mệt mỏi với cách xử lý của ngân hàng Sacombank. Kể từ lúc xảy ra sự việc, bà khiếu nại với chi nhánh Sacombank tại TP Cam Ranh, nhưng được hướng dẫn phải làm việc tại Hội sở của ngân hàng này, địa chỉ tại 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.
“Khi đến Hội sở của Sacombank ở TP.HCM, họ bảo tôi phải chờ kết quả điều tra của bên công an. Tôi không biết kêu cứu ở đâu. Tôi liên tục phải đi lại để hỏi về trường hợp của mình. Không biết phải chờ đến bao giờ tôi mới được nhận lại tiền”, bà Dương bức xúc.
Kể lại ngọn ngành, bà Dương cho biết: Nhiều năm trước, bà mở tài khoản số 0500420042321 tại Phòng giao dịch Cam Ranh, Ngân hàng Sacombank, Chi nhánh Khánh Hòa. Tháng 5/2022, bà Dương thấy tài khoản của mình bị thiếu hụt tiền nên đề nghị ngân hàng Sacombank trích lục sao kê từ ngày 1/5/2022 để đối chiếu các giao dịch.
Căn cứ vào sao kê, bà Dương phát hiện có 12 giao dịch rút tiền và chuyển khoản trong khi bản thân bà không hề thực hiện, dù là rút tiền trực tiếp tại quầy, hay sử dụng hình thức chuyển khoản điện tử (internet banking). Trong đó, có 9 giao dịch rút tiền mặt, nhưng thời gian thực hiện là các khung giờ 18h-21h. Đây là điều vô lý bởi khoảng thời gian này, các ngân hàng đều đóng cửa.
Tổng số tiền của 12 giao dịch trái phép tương ứng với số tiền lên tới 46,9 tỷ đồng. Tất cả các giao dịch này được thực hiện mà không có tin nhắn báo về điện thoại thể hiện biến động của tài khoản.
Ngân hàng đề nghị hỗ trợ tạm ứng 15 tỷ
Sau khi bà Dương có đơn tố cáo và đòi tiền, đại diện pháp lý cho Sacombank cho rằng, hồ sơ 12 giao dịch rút tiền từ ngày 4/5-14/6/2022 với tổng số tiền 46,9 tỷ đồng của khách hàng Hồ Thị Thùy Dương tại Phòng giao dịch Cam Ranh có liên quan đến việc 4 cán bộ Phòng giao dịch Chi nhánh Sacombank TP Cam Ranh bị khởi tố về tội tham ô tài sản nên hồ sơ được ngân hàng bàn giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ.
Sao kê giao dịch rút tiền từ tài khoản của bà Dương tại Sacombank cho thấy, 9 giao dịch được thực hiện ngoài giờ hành chính
Bà Dương đã nhiều lần khiếu nại, thậm chí phải viết đơn cầu cứu gửi đến Bộ Công an. Sau đó, phía Ngân hàng Sacombank có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo đến bà Dương sẽ hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, bà không chấp nhận cách giải quyết của phía ngân hàng này.
"Tại các buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh (đã bị khởi tố, bắt giam - PV) và các cán bộ ngân hàng khác đã thừa nhận hành vi rút trộm tiền từ tài khoản của tôi và xác nhận số tiền rút trộm đến thời điểm thực hiện sao kê tài khoản là 46,9 tỷ đồng”, bà Dương nói và cho biết thêm: Số tiền này là của nhiều bà con nuôi tôm gửi nhờ bà mua hộ tôm giống. Đến nay, các hoạt động làm ăn của bà bị đình trệ, những người gửi tiền nhờ mua hộ tôm giống ngày ngày gọi điện và đến nhà bà Dương yêu cầu hoàn trả lại tiền. Oái oăm hơn nữa là trong khi bị mất khoản tiền gửi tại đây thì bà Dương vẫn phải thanh toán nợ gốc và lãi vay cho một khoản vay khác của bà ở chính ngân hàng này!
Trong biên bản làm việc giữa Chi nhánh Sacombank Khánh Hoà với bà Hồ Thị Thuỳ Dương ngày 22/2/2023 cũng đã thể hiện thông tin: Bà Dương đã cung cấp chứng cứ quan trọng (ghi âm) chứng minh bà Nguyễn Thị Thanh Hà nhận tự rút tiền của bà Dương và ghi âm cán bộ ngân hàng tự xác nhận làm sai quy trình trong việc quản lý nhân viên và quy trình rút tiền....
Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, ông Cao Phi Kiều, Giám đốc Chi nhánh Sacombank Khánh Hoà (người mới được bổ nhiệm thay vị trí ông Phạm Tấn Minh bị cách chức trước đó) khẳng định, ông không có đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc, vụ việc cần có người chức vụ cao hơn giải quyết!
Để mất tiền khách, ngân hàng phải trả đủ cả gốc và lãi?
Với trường hợp của bà Dương, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, luật sư thành viên của BIZCONSULT LAW FIRM cho biết: “Nếu giao dịch gửi tiền giữa bà Dương và chi nhánh Sacombank TP Cam Ranh là hợp pháp thì có căn cứ xác định Ngân hàng Sacombank phải chịu trách nhiệm đối với số tiền bà Dương đã gửi tại Ngân hàng, bà Dương có quyền yêu cầu Ngân hàng tiến hành các bước trả lại tiền cho bà”.
Cũng theo ông Nghĩa, về nguyên tắc, việc thực hiện nghĩa vụ với khách hàng không bị ảnh hưởng bởi thủ tục tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) mà các cơ quan chức năng tiến hành với các cán bộ Ngân hàng. Ngoài ra, khi thực hiện nghĩa vụ đối với khách hàng, ngoài khoản tiền gốc, Ngân hàng còn phải đảm bảo thanh toán cả tiền lãi, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo đúng hợp đồng tiền gửi đã giao kết với khách hàng.
PV Báo Giao thông đã liên hệ với đại diện truyền thông của Sacombank đặt một số câu hỏi về trách nhiệm trả lại khoản tiền bị mất của khách gửi tại Sacombank Khánh Hòa như phân tích trên của luật sư, tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận