Trụ sở của Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí PVI tại số 1 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn |
Cảm giác như bị lừa
Chị Nguyễn Thị T. (trú tại Phú Mỹ Hưng, Tân Phong, Q 7, TP HCM) ký hợp đồng Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện của Tổng công ty Bảo hiểm PVI với phí bảo hiểm hơn 9,8 triệu đồng trong thời hạn một năm từ 7/8/2015 đến 6/8/2016. Theo hợp đồng, chị T. mua các hạng mục bảo hiểm là thai sản, nội trú, ngoại trú và nha khoa. Trong đó, mục thai sản quy định thời gian chờ là 270 ngày, tức là thụ thai hình thành sau khi mua quyền lợi bảo hiểm và sinh con sau 270 ngày tham gia bảo hiểm sẽ được chi trả các chi phí chăm sóc thai kỳ và chi phí khi sinh. Quy định là vậy nên tháng 7/2016, chị T. mới dám mang thai. Khi sắp hết hạn gói bảo hiểm, chị T. liên hệ để tái tục hợp đồng thì được nhân viên bảo hiểm PVI chi nhánh TP.HCM cho biết, kể từ tháng 4/2016 nội dung gói Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện có một số thay đổi. Theo đó, các hợp đồng sẽ áp dụng theo quy tắc bảo hiểm mới, là thụ thai hình thành sau 12 tháng mua quyền lợi bảo hiểm và sinh con sau 270 ngày sau đó.
"Tất cả các gói bảo hiểm phi nhân thọ đều có thời hạn một năm theo quy định của Bộ Tài chính. Nội dung gói bảo hiểm muốn thay đổi đều phải trình Bộ Tài chính phê duyệt, từng chữ một”. Ông Phùng Đắc Lộc |
Như vậy, trường hợp của chị T. đảm bảo các điều kiện bảo hiểm cũ nhưng chiếu theo điều kiện mới lại không đủ điều kiện để được thanh toán bảo hiểm khi sinh con. “Thật lòng, tôi cũng không biết là họ lắt léo như thế. Từ vị trí khách hàng thấy mình bị lừa mua bảo hiểm suốt cả năm đầu”, chị T. nói.
Không chỉ chị T., đồng nghiệp được chị T. giới thiệu mua Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện của PVI với các hạng mục bệnh mãn tính, bệnh đặc biệt với thời gian chờ theo hợp đồng cũ là 365 ngày, nhưng đến khi tái tục thì được thông báo thời gian chờ nâng lên 730 ngày kể từ ngày tham gia bảo hiểm lần đầu tiên liên tục đến thời điểm hiện tại. Thêm nữa, phạm vi thanh toán theo quy định cũ là áp dụng tại tất cả các bệnh viện có giấy phép hành nghề ở Việt Nam thì sau 12/4/2016 quy định mới chỉ áp dụng cho trường hợp điều trị tại bệnh viện công lập (không bao gồm Khoa Quốc tế).
Khách hàng có thể khởi kiện
Trả lời PV Báo Giao thông, đại diện Bảo hiểm PVI khẳng định: Quy tắc Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện mới đã được Bộ Tài chính phê duyệt trước khi triển khai từ tháng 4/2016. Chính vì thế, Bảo hiểm PVI có quyền từ chối tái tục hợp đồng hay điều chỉnh các điều kiện, quyền lợi trong hợp đồng bảo hiểm tái tục. Tuy nhiên, trả lời về việc tại sao quy định mới lại chỉ thanh toán quyền lợi cho khách hàng trong phạm vi các bệnh viện công lập, trừ Khoa Quốc tế thì vị đại diện này lại cho biết “không có quy định này”. Điều này trái ngược với thông tin mà nhân viên PVI đã cung cấp cho khách hàng.
Theo luật sư Hồ Anh Khoa, Trưởng phòng Tư vấn doanh nghiệp, Công ty Luật Basico, bất kỳ quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm thuộc nhóm bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe có thay đổi, điều chỉnh cũng phải có sự phê chuẩn của Bộ Tài chính. Cụ thể, trong trường hợp chị T., nếu công ty bảo hiểm bảo đảm đủ điều kiện này thì có thể xác định việc thay đổi, điều chỉnh đó là có căn cứ pháp lý. Khi đó, sẽ cần xem xét lại hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên để xác định quyền và nghĩa vụ hai bên như thế nào trong trường hợp có sự thay đổi về quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm. Dù mỗi bên có lý giải theo hướng nào thì về hình thức pháp lý, hợp đồng bảo hiểm đã được ký thì đều đã thể hiện ý chí thống nhất của hai bên (trừ một số trường hợp dẫn tới hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật).
“Thực ra, trong mọi trường hợp sử dụng dịch vụ, ngay cả dịch vụ đặc biệt như bảo hiểm, cả nhà cung cấp lẫn bên sử dụng dịch vụ đều cần truyền đạt và làm rõ các thông tin xoay quanh dịch vụ trước khi sử dụng. Có thể đó không phải là thông tin ghi nhận ngay tại hợp đồng, mà là những thông tin liên quan đến quyền lợi, thay đổi chính sách có thể xảy ra ở tương lai.
Trong trường hợp của chị T., điều đầu tiên khách hàng cần làm là đánh giá lại chính xác quyền pháp lý của mình, dựa trên hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm. Sau đó, tùy thực tế mà lựa chọn cho mình cách thức phù hợp. Trường hợp cần thiết nếu có căn cứ có thể khởi kiện, yêu cầu cơ quan tài phán thụ lý giải quyết theo thẩm quyền”, luật sư Hồ Anh Khoa phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận