Diễn đàn kéo dài đến ngày 31/10 với chủ đề “Tiến tới thành phố thông minh với khả năng thích ứng thông qua hệ thống GTVT thông minh và phát thải các-bon thấp”. Diễn đàn được kỳ vọng thúc đẩy phát triển GTVT xanh, sạch mà nhiều quốc gia hướng tới.
Cảnh báo từ các đô thị lớn
Theo Bộ TN&MT, giai đoạn 1990-2000, lượng khí thải nhà kính tại Việt Nam liên tục tăng, từ mức hơn 21 triệu tấn khí thải CO2 năm 1990 lên 150 triệu tấn CO2 năm 2000 và dự tính tăng lên 300 triệu tấn vào năm 2020. Loại khí phát thải từ hoạt động sử dụng năng lượng các tòa nhà, sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, GTVT, chất thải.
Việc gia tăng rõ rệt nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, với tốc độ đô thị hóa nhanh cơ sở hạ tầng và gia tăng phương tiện GTVT. Nghiên cứu về giám sát phát thải khí nhà kính tại TP HCM do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố cho biết, lượng khí thải trong năm 2013 của thành phố này khoảng 38,5 triệu tấn CO2, chiếm 16% lượng phát thải quốc gia. Bộ TN&MT cho biết, trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, tính trên cơ sở đốt nhiên liệu của phương tiện giao thông, GTVT hiện chiếm khoảng 10% lượng phát thải khí nhà kính. “Việt Nam cam kết với quốc tế về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính theo Công ước khung về chống biến đổi khí hậu. Sắp tới, trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ đưa ra các chương trình hành động cụ thể để triển khai cắt giảm khí thải nhà kính từ lĩnh vực GTVT, thúc đẩy phát triển GTVT xanh, sạch”, ông Dương nói.
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, lĩnh vực giao thông, nhất là tại các đô thị, đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu phương thức vận tải hiện đại số lượng lớn, thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ thấp, chậm ứng dụng công nghệ tự động, thông minh vào điều hành, quản lý giao thông đô thị…
Thực tế này gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các thành phố và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 60.000 trường hợp tử vong do bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. “Hà Nội có 41 điểm tắc nghẽn và tiềm năng tắc nghẽn giao thông, việc này theo tính toán sẽ gây mất khoảng 1 tỷ USD hàng năm. TP HCM có khoảng 37 điểm rủi ro về tắc nghẽn giao thông và dự tính mất khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm”, thông cáo năm 2016 của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) đánh giá về góc độ kinh tế.
Theo các chuyên gia, tổ chức hệ thống giao thông đô thị thông minh và xanh, sạch đang là vấn đề quan trọng được đặt ra, để bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. “Không khí sạch là yêu cầu cơ bản cho sức khỏe và hạnh phúc của con người. Các mục tiêu của giao thông xanh, sạch không chỉ giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tiêu thụ không gian mà còn giảm nghèo và hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế. Giao thông xanh, sạch hỗ trợ cho hai trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế và xã hội”, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT nói.
Thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh, sạch
Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với nhiều mục tiêu.
Theo đó, mục tiêu thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phương tiện, thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao; đến năm 2020 có 5% - 20% số xe buýt và taxi sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG), khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và năng lượng mặt trời; nâng cao và mở rộng áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải cho phương tiện cơ giới. Phát triển vận tải hành khách công cộng với tỷ lệ đảm nhận từ 35% - 40% tại TP HCM và TP Hà Nội.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, Diễn đàn EST 12 là cơ hội để các nước trao đổi kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp phát triển GTVT, giao thông đô thị thông minh, xanh, sạch phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi quốc gia, đô thị. “Trong chiến lược phát triển GTVT đã xác định mục tiêu phát triển hệ thống GTVT theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng nâng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics”, đại diện Bộ GTVT cho biết.
Cùng đó, giao thông tại các đô thị được phát triển mạnh hơn hệ thống vận tải công cộng số lượng lớn như xe buýt sử dụng khí hóa lỏng CNG, LPG; đường sắt trên cao và tàu điện ngầm; kiểm soát sự phát triển của xe máy, ô tô cá nhân, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội và TP HCM; từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị.
TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế - Môi trường Việt Nam cho rằng, lợi ích kinh tế trong thúc đẩy giao thông sạch - xanh thể hiện rõ ở giảm ùn tắc và vận chuyển. Theo ông Tiến, nếu có chính sách đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng sạch, hiện đại, có giải pháp giảm xe cá nhân, cùng đó là quy hoạch giao thông đô thị tốt, đầu tư công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý sẽ giảm được ùn tắc.
“Giảm được ùn tắc nghĩa là giảm được lượng nhiên liệu tiêu thụ, giảm lượng phát thải gây ô nhiễm không khí. Khi đó, giảm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, từ đó năng suất lao động được tăng lên”, ông Tiến phân tích và cho rằng, để thúc đẩy giao thông xanh, cần có chính sách, cơ chế ưu tiên, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương, trong đó cần kế hoạch đầu tư và nguồn lực tài chính để thực hiện.
Nghiên cứu viên Cao Thị Thu Hương (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cũng cho rằng, để cụ thể hóa phát triển GTVT xanh, sạch cần nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận