Xã hội

Khai thác đất sét gây nứt loạt nhà ở Quảng Ninh: Bao giờ hỗ trợ, di dời?

09/03/2023, 11:49
image

16 hộ dân trong vùng nguy hiểm ven moong khai thác đất sét ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long chỉ mong được đền bù, hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống.

Nhà mới xây đã không ở được

Hơn 6 tháng qua, 16 hộ dân ở đồi Tên Lửa (thuộc tổ 6, khu 3B phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) phải di dời khẩn cấp vì nhà bị sập, nứt nghiêm trọng.

img

Hơn chục căn hộ ở tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) dù mới xây nhưng nguy cơ đổ ụp xuống phía moong khai thác đất sét của Công ty CP Gốm Xây dựng Quảng Ninh

Gặp PV Báo Giao thông khi ghé về thăm nhà, anh Phạm Văn Nho (trú tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy) chỉ vào nền bê tông bị lún, sụt cong vênh; tường nhà há toác rộng đến vài chục cm… thở dài: "Chắt chiu, vay mượn mãi mới mua đất, cất được căn nhà nhỏ này. Hơn nửa năm trước, sau trận mưa lớn, nền nhà sụt xuống, tường nhà kéo xệ ra phía moong khai thác đất sét. Lo mất an toàn, cả nhà phải đi ở nhờ".

Chui vào vết nứt nơi tiếp giáp với căn hộ bên cạnh, anh Nho lo lắng: Ban đầu chỉ là vết nứt nhỏ, thế rồi từ đó đến nay cứ thế xé thêm ra đến nỗi con bò cũng chui vừa. Cứ đà này, chỉ một vài trận mưa lớn nữa thôi là toàn bộ ngôi nhà có thể bị đổ ùm xuống phía moong nước.

>>> Clip: Cận cảnh sự sụt, lún, nghiêng, đổ của loạt căn nhà do việc khai thác đất sét gây ra:

Xế bên nhà anh Nho là những căn nhà cao tầng mới xây dựng còn thơm mùi vữa, vậy mà đã bị xô nghiêng về phía vực thẳm phía sau. Sân, hè các nhà bị đất nứt làm cong vênh, có chỗ tạo thành hố sâu hoắm.

Chị Nguyễn Thị Chọn đang đứng tần ngần trước cửa căn nhà 4 tầng của gia đình mình đã bị ngửa ra phía vực, hè, tường, cổng đều bị đổ sập hoàn toàn.

img

Tường nhà anh Phạm Văn Nho bị nứt toác, không biết bị đổ xuống lúc nào

Chị Chọn cho biết, gia đình chị mua thửa đất 75m2 này năm 2017 trị giá gần 1 tỷ đồng. Năm 2019, vợ chồng chị xây dựng căn nhà này hết 1,5 tỷ đồng, trong đó có tới 800 triệu là tiền vay mượn.

"Nhà tiền tỷ vừa xây xong, giờ không ở được nữa vì quá nguy hiểm. Mấy tháng nay, cả nhà phải đi thuê căn hộ nhỏ sinh hoạt tạm bợ", chị Chọn than.

img

Chị Nguyễn Thị Chọn tần ngần bên ngôi nhà mới xây trị giá tiền tỷ đành bỏ hoang vì quá nguy hiểm

Đáng lo hơn, gần điểm nguy cơ sạt lở là trường Tiểu học Lý Thường Kiệt nằm cách đó vài trăm mét, hàng ngày có hàng trăm học sinh đi về qua khu vực nguy hiểm.

Dân "dài cổ" chờ đền bù, di dời

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mỏ đất sét tại phường Giếng Đáy tiếp giáp nơi xảy ra tình trạng hàng loạt căn nhà bị đổ sập, nghiêng được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy khai thác từ năm 1967, năm 1997 được cấp phép lần nữa.

img

Ngày ngày có rất nhiều học sinh đi ngang qua vùng nguy hiểm

Đến năm 2015, mỏ lại được cấp được gia hạn đến ngày 31/12/2024 với diện tích khai thác 11,6ha; công suất khai thác 70.000 m3/năm, độ sâu cho phép âm 20m.

Thực tế, moong khai thác đất sét hiện tại là hồ nước rộng hàng trăm mét vuông, sâu hàng chục mét. Điều đáng nói là các hộ dân này nằm ở phía trên đồi, mỏ đất sét nằm ở phía dưới cách đó không xa.

img

Moong khai thác đất sét nằm liền kề khu dân cư được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều căn hộ bị sụt, lún (Chụp tháng 9/2022)

Theo các hộ dân ở khu 3B, phường Giếng Đáy, việc khai thác mỏ sét của Công ty CP Gốm xây dựng Quảng Ninh có nổ mìn làm rung chuyển lòng đất khiến cho nhà, cửa cứ thế lún, nứt dần.

Đỉnh điểm là trong trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2 hồi cuối tháng 8/2022, cả khu đồi bỗng dưng bị nứt toác, kéo theo những căn nhà bị xô nghiêng.

Lo lắng trước sự an toàn của người dân, chính quyền đã phải tiến hành di dời khẩn cấp 16 hộ dân đi nơi khác và đề nghị Công ty CP Gốm xây dựng Quảng Ninh hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian chờ kết quả đánh giá của cơ quan có thẩm quyền.

img

Nhiều căn nhà chông chênh bên bờ moong khai thác đất sét

Sau đó, cơ quan chức năng TP Hạ Long đã yêu cầu doanh nghiệp thuê những đơn vị tư vấn độc lập, có đủ năng lực vào giám định toàn bộ khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở.

Mới đây nhất, ngày 13/2/2023, ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long đã ký, ban hành Báo cáo số 74 về việc khắc phục sự cố sạt lở tại khu vực tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy.

Theo đó, kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền cho thấy, quanh moong khai thác sét của Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh có 16 công trình nằm trong phạm vi 3 vùng A (đặc biệt nguy hiểm).

Tại hai vùng (B và C) nguy cơ bị ảnh hưởng theo hiệu ứng dây chuyền, có khoảng 21 hộ dân và một phần diện tích của trường Tiểu học Lý Thường Kiệt.

img

Góc trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, nơi có hàng trăm học sinh cũng nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở

Báo cáo cũng chỉ rõ: Vùng B là vùng nguy hiểm khi vùng A bị sạt trượt, được đánh giá cần thiết phải xử lý lại nền móng. Vùng C tương đối an toàn, ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng sạt lở tại khu vực diễn biến theo hướng xấu, thì công trình trường Lý Tự Trọng sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân chính dẫn đến sự cố sụt, lở mái đắp tại khu vực tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy.

Theo đó, nguyên nhân khách quan là do diễn biến thời tiết xấu. Các nguyên nhân chủ quan gồm: hoạt động khai thác đất sét của Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh (là nguyên nhân chính) và hoạt động thi công tuyến đường từ ngã ba Kênh Đồng đến điểm đầu cầu Tình Yêu.

img

Việc thi công đường dẫn lên cầu Tình Yêu cũng được xem xét có thể tác động tiêu cực đến vùng địa chất đồi Tên Lửa

Đến ngày 6/3, theo khảo sát đánh giá của hai đơn vị tư vấn độc lập, dự kiến sẽ có khoảng 37 hộ dân có nhà, đất và một phần diện tích của trường học bị ảnh hưởng phải di dời. Kinh phí dự toán mà chính quyền địa phương đưa ra để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng ước khoảng trên 58 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 7/3, ông Vũ Trường Thành, Phó phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long cho biết: Hiện cơ quan chức năng đang phối hợp khẩn trương xây dựng các phương án đền bù di dời cụ thể đối với từng hộ, bố trí khu vực tái định cư cũng như các cơ chế hỗ trợ khác cho người dân.

Theo kế hoạch thì phấn đấu đến hết tháng 6 năm nay sẽ hoàn thành việc di dời cho các hộ nằm trong vùng nguy hiểm.

img

Liền kề khu vực 16 hộ còn có hàng chục hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở

Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Chọn, đại diện các hộ dân trong vùng nguy hiểm cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa có động thái cụ thể về trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ di dời. Bà con lo rằng, với tiến độ như hiện nay, đến hết tháng 6 sẽ khó hoàn thành được kế hoạch di dời.

Để rộng đường dư luận, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên lạc với đại diện Công ty CP Gốm xây dựng Quảng Ninh để trao đổi về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng không nhận được hồi âm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.