Người Trung Quốc phải mất tới 14 năm để xây dựng xong Tử Cấm Thành (từ 1406 đến 1420) và cần tới hơn 1.000.000 công nhân, trong đó có hơn 100.000 thợ thủ công. Được đánh giá là 1 trong 5 cung điện hoành tráng nhất trên thế giới, đây là cung điện hoàng gia được bảo tồn tốt nhất của Trung Quốc và là công trình kiến trúc cổ xưa lớn nhất thế giới, các sảnh và tường lớn thể hiện tinh hoa và đỉnh cao của kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Đây được coi là một nơi thiêng liêng và bị cấm đối với thường dân, đó cũng chính là lý do tại sao nó được đặt tên là Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành trở thành trụ sở của quyền lực ở Trung Quốc trong gần 5 thế kỷ và vẫn là một phần quan trọng của di sản văn hóa Trung Quốc hiện đại ngày nay. Nhưng điều hiếm khi được đề cập là Minh Thành Tổ không phải hoàng đế đầu tiên xây dựng hoàng cung ở vị trí đó.
Hơn 300 năm trước khi nhà Minh lên nắm quyền, một thành phố có tường bao được xây dựng trên địa điểm của Bắc Kinh ngày nay. Bước qua cổng thành, bạn sẽ thấy ngay một khu phức hợp nằm trong những bức tường cao vút. Tại đây, bạn có thể đã tìm thấy dấu vết của các hoàng đế của thời nhà Liêu bị lãng quên từ lâu.
Triều Liêu không chỉ xây dựng 1, mà tới 5 thành phố thủ đô. Trong 4 khu vực chính thuộc đế chế của họ đều có một thủ đô và cái cuối cùng nằm ở giữa để kiểm soát toàn bộ đế chế. Hoàng đế và triều đình sẽ đi qua lại giữa các thành phố này.
Cái tên Bắc Kinh được dịch theo nghĩa đen là thủ đô miền Bắc, là sự phản ánh vị trí của nó trong Đế chế Minh. Tuy nhiên, đối với người Liêu, thành phố này được biết đến với tên Nam Kinh - thủ đô miền Nam đã tiết lộ một trật tự thế giới rất khác.
Với những vùng đất trải dài từ Nội Á ở phía tây, vào Mông Cổ ở phía bắc và đến bán đảo Triều Tiên ở phía đông, nhà Liêu là một trong những cường quốc chính trị lớn ở Đông Á từ năm 907 đến 1125.
Triều Liêu đã để lại những ví dụ điển hình nhất về nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo ở khắp châu Á. Ứng Huyền Mộc Tháp cao 65m là ngôi chùa Phật giáo bằng gỗ lâu đời nhất còn tồn tại ở Trung Quốc, đồng thời là một trong những kiến trúc bằng gỗ cao nhất thế giới. Triều đại nhà Liêu cũng thiết lập các cấu trúc hành chính được sử dụng trên khắp Trung Quốc.
Mất tích khỏi lịch sử
Bất chấp những di sản lâu dài này, nếu bạn đọc một cuốn sách về lịch sử Trung Quốc, thời nhà Liêu thậm chí có thể không được đề cập đến. Các mốc thời gian của các triều đại cầm quyền Trung Quốc thường bỏ qua triều đại nhà Liêu để ủng hộ một triều đại khác là nhà Tống. Tuy nhiên, Liêu và Tống là hai thể chế chính trị tồn tại bình đẳng cùng lúc tại thời điểm đó.
Một manh mối về lý do tại sao triều Liêu bị mất tích khỏi các tài liệu lịch sử này có thể được tìm thấy bằng cách nhìn qua những bức tường bên trong và vào các cung điện của 5 thủ đô nhà Liêu.
Thay vì các cung điện đóng khung gỗ hùng vĩ của Tử Cấm Thành, hoàng tộc nhà Liêu lại thường sống trong các lều lớn. Những người hình thành nên triều đại Liêu ban đầu đến từ thảo nguyên Đông Bắc Á và sống một lối sống bán du mục. Họ được gọi là Kitan và giống như hầu hết các nhóm du mục, lịch sử đã không ghi nhận được nhiều về sự tồn tại của họ.
Mặc dù có ngôn ngữ viết riêng, nhưng chỉ có một số ít văn bản Kitan tồn tại đến ngày nay, và việc dịch chúng thường rất khó khăn vì không có ngôn ngữ nào còn tồn tại đủ tương tự để giúp các nhà ngôn ngữ học giải mã đầy đủ các ký tự. Kết quả là, việc tìm ra giọng nói của người Liêu hoặc Kitan trong hồ sơ lịch sử trở thành một thách thức.
Hầu hết nguồn chính mà các nhà sử học hiện đại có trong thời Liêu được viết dưới thời nhà Tống. Là đối thủ chính trị trực tiếp, triều Tống thường rất ít khen ngợi về triều Liêu cũng như các nhà lãnh đạo Kitan của họ. Chính những điều này khiến triều Liêu cho đến nay vẫn nằm trong bóng tối và chỉ bắt đầu thay đổi khi những khám phá khảo cổ vào cuối thế kỷ 20, tạo ra mối quan tâm mới. Chẳng hạn những phát hiện trong cuộc khai quật ngôi mộ của Công chúa Chen đã thay đổi cách nhìn của mọi người về triều đại này.
Vàng và các đồ tạo tác kim loại quý khác từ lăng mộ nhà Liêu đã trở thành một sức hút lớn trong các triển lãm trên khắp thế giới. Sự quan tâm giữa các nhà sưu tập tư nhân cũng đang tăng lên. Một bức tượng Phật nhỏ bằng đồng mạ vàng đã phá vỡ kỷ lục cho một cuộc đấu giá nghệ thuật châu Á của hãng đấu giá Christie, Pháp khi được bán với giá 13.570.500 € (khoảng 354 tỷ đồng).
Với tất cả sự quan tâm mới mẻ này, các nghiên cứu học thuật về triều Liêu đang đánh giá lại vị trí của triều đại này trong lịch sử châu Á và Trung Quốc. Ngày nay, nếu đến thăm Bắc Kinh, bạn sẽ tìm thấy bằng chứng duy nhất về thành phố từ thời Liêu, đó là một ngôi chùa, một di tích cổ từng là tòa nhà cao nhất trong thành phố hiện đang bị lấn át bởi những cao ốc bao quanh nó. Lịch sử triều đại Liêu đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận